Một quốc gia châu Á đặt mục tiêu chiếm 30% thị phần ô tô toàn cầu. (Nguồn: Vinbigdata) |
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tăng thị phần toàn cầu về ô tô được điều khiển bằng phần mềm (SDV) của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản lên 30% vào năm 2030. Đây là nội dung trong chiến lược “Chuyển đổi kỹ thuật số trong ngành ô tô” (Mobility DX Strategy), được Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp cùng với Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch công bố ngày 20/5, với lần đầu tiên chính phủ Nhật Bản đặt thị phần bán ô tô làm mục tiêu.
Liên kết thay cho cạnh tranh
Theo dự thảo Chiến lược số hóa ngành công nghiệp ô tô mà chính phủ sắp công bố, nền kinh tế số 2 châu Á sẽ giúp phát triển các nhà sản xuất ô tô trong nước và khuyến khích họ hợp tác và cộng tác vượt ra ngoài phạm vi công ty, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô - nguồn sống của nền kinh tế Nhật Bản, trong bối cảnh các công ty Trung Quốc và Mỹ dẫn đầu trong xu hướng số hóa phương tiện.
Với sự trỗi dậy của các công ty ở Trung Quốc và các nước khác, chiến lược này cảnh báo về sự cạnh tranh ngày càng gia tăng trên toàn thế giới trong ngành công nghiệp ô tô mà Nhật Bản từ lâu đã luôn xuất sắc dẫn đầu xu hướng.
Trong chiến lược mới, “Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản được khuyến khích hợp tác và cộng tác với nhau ngoài sự cạnh tranh”, đồng thời đưa ra ba lĩnh vực hợp tác và cộng tác cụ thể, gồm phát triển phần mềm, dịch vụ xe tự lái và sử dụng dữ liệu .
SDV là phương tiện được trang bị chức năng liên lạc và có thể được cập nhật thông qua kết nối Internet, bổ sung thêm các chức năng mới và nâng cao hiệu suất. Định nghĩa về SDV khác nhau tùy thuộc vào nhà sản xuất ô tô, nhưng chiến lược của chính phủ Nhật Bản định nghĩa chúng là phương tiện có hệ thống điều khiển có thể cập nhật, bao gồm cả lái xe.
Bản chiến lược này ước tính, 41 triệu phương tiện SDV sẽ được sử dụng trên toàn thế giới vào năm 2030 và đặt mục tiêu 12 triệu SDV của Nhật Bản sẽ được sử dụng trên toàn thế giới trong cùng năm đó; đồng thời dự đoán 64 triệu SDV sẽ được bán trên toàn cầu vào năm 2035 và đặt mục tiêu duy trì thị phần tổng hợp của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản ở mức 30%.
Hiện các hãng xe Nhật Bản chiếm tổng cộng 30% thị phần ô tô toàn cầu, bao gồm cả xe chạy xăng, trong khi thị phần xe điện (EV) của họ được cho là chỉ chiếm vài điểm phần trăm. Do phần lớn SDV sẽ chạy bằng điện nên chiến lược này cũng nhằm mục đích tăng cường sản xuất SDV hybrid, vì xe hybrid là sản phẩm thế mạnh của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản.
Hợp tác phát triển phần mềm là chìa khóa để thực hiện chiến lược.
Toyota Motor Corp., Honda Motor Co. và Nissan Motor Co. đang xem xét bắt đầu hợp tác trong năm tài chính 2025 để chuẩn hóa nền tảng cơ bản đóng vai trò liên kết giữa phần mềm và hệ thống. Việc hiện thực hóa chiến lược sẽ cho phép các cấu phần và phần mềm từ các nhà sản xuất ô tô khác nhau được cài đặt dùng chung cho tất cả các nhà sản xuất, mang lại hiệu quả phát triển cao hơn. Các công ty này cũng sẽ đẩy nhanh việc phát triển chung các chất bán dẫn tiên tiến cho ô tô và các sản phẩm khác.
Đối với dịch vụ xe tự lái, chính phủ đang xem xét thành lập một công ty liên doanh mới để vận hành xe tải tự lái. Biện pháp này nhằm giải quyết cái gọi là “vấn đề hậu cần năm 2024”, đề cập tình trạng thiếu tài xế xe tải dự kiến - giả định rằng, phương tiện tự lái của công ty mới sẽ được sử dụng để vận chuyển giữa các trung tâm thương mại lớn. Cùng với kế hoạch này, chính phủ Nhật Bản cũng lên mục tiêu triển khai làn đường dành riêng cho xe tự lái trên các phần của đường Cao tốc Shin-Tomei vào năm tài chính 2024.
Để thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu giữa các công ty, chính phủ sẽ tạo ra một hệ thống chia sẻ dữ liệu về sản xuất, sử dụng và tiêu hủy ô tô trong năm tài chính 2025.
Theo đó, Nhật Bản cũng dự định chia sẻ thông tin về các khu vực bị thiên tai và chuỗi cung ứng chất bán dẫn, cũng như các bộ phận ô tô khác. Theo sáng kiến của Bộ Kinh tế, thương mại và cng nghiệp, chiến lược này cũng bao gồm kế hoạch thành lập một tổ chức mới nhằm nuôi dưỡng những tài năng, tạo nguồn nhân lực chất lượng.
Giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp ô tô, bao gồm cả phụ tùng, ở mức 70.000 tỷ Yen (hơn 449 tỷ USD) mỗi năm, chiếm 20% tổng lô hàng xuất khẩu của Nhật Bản. Ngành công nghiệp này được cho là tạo ra thặng dư thương mại 15.000 tỷ Yen hàng năm và tạo ra khoảng 5,5 triệu việc làm.
Cùng ASEAN xây dựng chiến lược chung về sản xuất ô tô
Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang xây dựng chiến lược chung đầu tiên về sản xuất và bán ô tô tại Đông Nam Á, khi xe điện Trung Quốc ngày càng phổ biến tại khu vực này.
Hai bên đặt mục tiêu xây dựng một chiến lược chung tạm thời cho đến khoảng năm 2035 khi các bộ trưởng kinh tế nhóm họp vào đầu tháng Chín năm nay.
Một số nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, trong đó có Toyota Motor và Honda Motor, đã xây dựng nhà máy tại các nước ASEAN và lắp ráp hơn 3 triệu xe mỗi năm, chiếm khoảng 80% tổng sản lượng ô tô tại ASEAN, với nhiều xe được xuất khẩu sang Trung Đông và các thị trường khác.
Chiến lược chung dự kiến sẽ bao gồm hợp tác đào tạo nhân sự, giảm phát thải trong sản xuất, thu mua tài nguyên khoáng sản, đầu tư vào các lĩnh vực như nhiên liệu sinh học và chiến dịch thông tin cho khách hàng toàn cầu về mức độ thân thiện với môi trường của phương tiện sản xuất tại ASEAN.
Nhật Bản dự kiến dành 140 tỷ Yen (900 triệu USD) để đào tạo nhân sự. Người lao động tại các nhà máy và nhà cung cấp linh kiện sẽ được đào tạo về công nghệ kỹ thuật số.
Công nghệ của Nhật Bản sẽ được sử dụng để đo lượng khí thải tại các nhà máy và thúc đẩy sự chuyển đổi sang những nguồn năng lượng tái tạo.
Để đầu tư vào các lĩnh vực khác, hai bên sẽ xem xét việc mua sắm chung những vật liệu quý hiếm được sử dụng trong pin xe điện và nghiên cứu trong các lĩnh vực như tái chế pin. Trong số các dự án đang được xem xét có dự án phát triển nhiên liệu sinh học làm từ dầu ăn đã qua sử dụng.
Nhật Bản và ASEAN sẽ cùng quảng bá những nỗ lực bảo vệ môi trường tới phần còn lại của thế giới nhằm thúc đẩy xuất khẩu ô tô. Hai bên cũng sẽ cùng nhau đưa ra dự báo cho thị trường ô tô toàn cầu, kể cả ở các nước đang phát triển, đến năm 2035.
Nhật Bản đang định vị mình là một đối tác đáng tin cậy có những đóng góp trong các lĩnh vực như phát triển công nghệ và đào tạo nhân sự, mang lại lợi ích cho phía ASEAN.
Đà tăng trưởng của các doanh nghiệp Trung Quốc đặt ra thách thức cạnh tranh đối với những nhà sản xuất ô tô Nhật Bản.
Trong khi đó, tại ASEAN, chẳng hạn Thái Lan đã cung cấp các khoản trợ cấp và giảm thuế cho những doanh nghiệp sản xuất xe điện tại nước này. Các công ty Trung Quốc như BYD đã tận dụng được chương trình này, 85% xe điện bán ra tại Thái Lan năm ngoái là từ các nhà sản xuất Trung Quốc.
| Giá vàng hôm nay 24/5/2024: Giá vàng giảm cả triệu đồng, loạt doanh nghiệp nằm trong danh sách thanh tra, chế độ bản vị vàng toàn cầu đang trở lại? Giá vàng hôm nay 24/5/2024, trong nước giảm cả triệu đồng nhưng vẫn đang neo ở ngưỡng cao. Giá vàng trong nước có tiếp tục ... |
| Giá cà phê hôm nay 24/5/2024: Giá cà phê bất ngờ rút lui khỏi các mức cao, diễn biến tiếp theo của thị trường sẽ thế nào? Volcafe cũng dự báo mức thâm hụt cà phê robusta toàn cầu là 4,6 triệu bao vào năm 2024/25, mức này nhỏ hơn mức đã ... |
| Đức ‘nổ phát súng đầu tiên’ sẵn sàng chuyển tài sản Nga cho Ukraine, phương Tây đồng lòng... vẫn còn chừa ‘vùng cấm’? "Đức đã sẵn sàng chuyển doanh thu từ tài sản Nga bị phong tỏa sang cho Ukraine sử dụng". |
| Tổng thống Putin ký sắc lệnh mở đường trả đũa phương Tây, vạch quy trình tịch thu tài sản Mỹ Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 23/5 đã ký sắc lệnh về việc xác định các tài sản của Mỹ, bao gồm cả chứng khoán, ... |
| Lệnh cấm LNG Nga: Một số quốc gia bày tỏ sự dè đặt, Moscow nói châu Âu 'tự bắn vào chân mình' Ngày 21/5, Bỉ, Đức và Pháp đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá những hậu quả có thể xảy ra khi áp ... |