Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Ngoại giao làm việc tại tỉnh Lạng Sơn. (Nguồn: TTXVN) |
Ngày 3/4, Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn.
Làm việc với Đoàn công tác có Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên cùng đại diện các sở, ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, đại diện tỉnh Lạng Sơn đã báo cáo tóm tắt các kết quả nổi bật về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Theo đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp trong triển khai 4 chương trình công tác trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền biên giới được giữ vững, công tác đối ngoại được mở rộng, đạt kết quả tích cực.
Kinh tế cửa khẩu được tập trung đầu tư phát triển nhanh, hệ thống quy hoạch cửa khẩu được bổ sung, hoàn thiện. Hoạt động xuất nhập khẩu đã phục hồi và tăng mạnh trở lại từ đầu năm 2023.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tất cả các loại hình qua địa bàn tỉnh năm 2023 tăng mạnh, đạt trên 51.990 triệu USD; riêng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa mở tờ khai hải quan tại Cục Hải quan Lạng Sơn đạt 4.975 triệu USD, bằng 130,9% kế hoạch, tăng 62,6% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý I/2024, ước đạt gần 13 tỷ USD, riêng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa mở tờ khai hải quan tại Cục Hải quan Lạng Sơn đạt trên 900 triệu USD.
Đại diện tỉnh cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh.
Lạng Sơn đã quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội từ nguồn vốn đầu tư công; hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án hạ tầng giao thông tại các khu vực cửa khẩu, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách.
Về hợp tác với địa phương các nước, đại diện tỉnh cho biết, thời gian qua, Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có; tổ chức thường xuyên hoạt động giao lưu tiếp xúc, gặp gỡ, hội đàm, điện đàm trực tuyến và trực tiếp giữa lãnh đạo cấp cao 2 tỉnh-khu, cấp ngành, cấp huyện.
Từ năm 2023 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan của tỉnh đã ký kết 19 thoả thuận, bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác của Quảng Tây, Trung Quốc. Điều này giúp tạo cơ sở khôi phục mạnh mẽ hoạt động hợp tác toàn diện giữa các cấp, ngành hai bên trên nhiều lĩnh vực sau đại dịch Covid-19.
Các hoạt động hợp tác của tỉnh đã góp phần nâng cao tiện lợi hóa thông quan; mở, nâng cấp, xây dựng hạ tầng cửa khẩu. Thương mại, du lịch biên giới, giao lưu nhân dân, giáo dục và đào tạo, y tế; hợp tác quản lý biên giới, phòng chống tội phạm qua biên giới… đạt được nhiều kết quả tích cực.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh cho rằng, Sơn Lạng Sơn cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương của Trung Quốc đẩy mạnh kết nối, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng đường bộ, đường sắt, đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu, phát triển kinh tế. (Nguồn: TTXVN) |
Sau khi nghe báo cáo và một số ý kiến tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn yêu cầu, với đặc thù là tỉnh biên giới, Lạng Sơn cần tiếp tục làm tốt công tác đối ngoại, xây dựng, nâng cấp, làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương của các nước, nhất là Trung Quốc.
Theo Bộ trưởng, việc tăng cường hợp tác sẽ giúp tỉnh tranh thủ tối đa mọi nguồn lực bên ngoài, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đảm bảo quốc phòng, an ninh; nâng cao vai trò, vị thế, hình ảnh Xứ Lạng để thu hút nhà đầu tư, khách du lịch.
Về phương hướng hợp tác, Bộ trưởng cho rằng, Lạng Sơn cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương của Trung Quốc đẩy mạnh kết nối, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng đường bộ, đường sắt, đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu, phát triển kinh tế.
Trong đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Thanh Sơn nhấn mạnh một số lĩnh vực hợp tác mà tỉnh cần đặc biệt chú trọng như xuất nhập cảnh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; thúc đẩy tuần tra chung, đảm bảo an ninh trật tự trên tuyến biên giới.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại cây Mộc Hương do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng tại trụ sở Tỉnh ủy Lạng Sơn. (Nguồn: Sở Ngoại vụ tỉnh Lạng Sơn) |
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao cho rằng, tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh phù hợp với thực tế, nâng cao hiệu suất thông quan, giải quyết dứt điểm tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu...
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ hỗ trợ tỉnh kết nối các đối tác, mở rộng quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Lạng Sơn với các địa phương của các nước; tổ chức xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Liên quan việc hoàn tất các thủ tục đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu, Bộ trưởng khẳng định sẽ đồng hành, phối hợp với tỉnh trong việc này.
| Gieo chữ ở vùng biên xứ Lạng Nhìn học sinh mặc chưa đủ ấm đến lớp, tình cảm thương yêu của cô Hoàng Thị Chiến và Hoàng Thị Huệ - giáo viên ... |
| Khám phá Trũng Na Dương - ‘đặc sản’ của Công viên địa chất Lạng Sơn Trũng Na Dương là 1 trong 5 vùng trũng được hình thành từ kết quả của hoạt động dịch trượt đới đứt gãy địa chất ... |
| Lạng Sơn: Sức hút đặc biệt của 'hòn ngọc' phía Bắc Lạng Sơn chinh phục nhà đầu tư bằng môi trường kinh doanh thuận lợi và cơ hội hấp dẫn. |
| Những chuyến xe xuất nhập khẩu chạy đua với thời gian, thông quan hàng hóa ngày 30 Tết Ngày cuối cùng của năm Quý Mão, hoạt động biên mậu tại 5 cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn là Tân Thanh, Chi Ma, Na ... |
| Việt Nam đề nghị UNESCO tiếp tục ủng hộ hồ sơ Công viên địa chất Lạng Sơn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu Việt Nam luôn xác định khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng thúc đẩy đất nước phát ... |