Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ trực tiếp lần thứ 3 diễn ra tại Hiroshima, Nhật Bản ngày 20/5. (Nguồn: AP) |
Tại Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp lần thứ 3 của Bộ tứ, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã nhắc lại cam kết đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ, đồng thời phản đối bất kỳ hành động ép buộc, khiêu khích hoặc đơn phương tìm cách thay đổi hiện trạng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo Nhà Trắng, các nhà lãnh đạo Bộ tứ thảo luận về các chủ đề như cáp ngầm dưới biển, phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ kỹ thuật số, đồng thời đồng ý tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực đó.
Tổng thống Joe Biden khẳng định, Bộ tứ có khả năng thay đổi động lực của thế giới. Theo ông, Bộ tứ đã đạt được tiến triển đáng kể trong hai năm qua và “mọi người sẽ nhìn vào Bộ tứ trong 20-30 năm tới và thấy rằng sự thay đổi diễn ra rất năng động không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới".
Cuộc họp diễn ra sau các phiên họp ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến thành phố này để tìm kiếm thêm sự ủng hộ cho Kiev.
Các nước thành viên Bộ tứ thống nhất quan điểm về nhiều vấn đề, tuy nhiên liên qua đến cuộc xung đột Nga-Ukraine, Ấn Độ thể hiện lập trường khác với 3 nước còn lại.
Chính phủ New Delhi từng tuyên bố không tham gia bất cứ biện pháp trừng phạt nào nhằm vào Moscow, đồng thời tiếp tục mua dầu của Nga bất chấp mức giá trần mà G7 áp đặt đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga.
Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ ban đầu dự kiến được tổ chức tại Australia vào ngày 24/5. Tuy nhiên, do thế bế tắc về mức trần nợ công ở Washington, Tổng thống Joe Biden đã hủy lịch trình công du Papua New Guinea và Australia.
Với sự hiện diện của cả Thủ tướng Modi và người đồng cấp Albanese tại Hội nghị thượng đỉnh G7, các nhà lãnh đạo Bộ tứ đã sắp xếp lại lịch cuộc họp vào hôm nay tại Hiroshima.
Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2024 dự kiến diễn ra tại Ấn Độ.