📞

Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài: ‘Người song hành’ cùng công tác ngoại giao kinh tế

Thanh Phương 12:47 | 23/10/2021
Bà Trương Thị Bích Ngọc, Phó Trưởng ban Quan hệ Quốc tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, các Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài là một trong những mắt xích quan trọng của cả Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam trong công tác ngoại giao kinh tế.

Ngoại giao kinh tế là trọng tâm

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, trong đó ngoại giao kinh tế được đặt làm trọng tâm.

Đứng trước những chuyển động nhanh chóng và khó lường của tình hình thế giới và khu vực, cùng với đó là việc Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng, công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua đã được triển khai hết sức quyết liệt, phát huy hiệu quả vai trò đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc thúc đẩy các hoạt động kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như thực hiện mục tiêu kép trong đại dịch Covid-19.

Gần hai năm qua, dịch Covid-19 đã và đang tác động đến mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đại dịch đã làm gián đoạn nguồn lao động, giảm sản lượng công nghiệp và gây đứt gãy chuỗi giá trị.

Trước những thách thức đó, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực bàn thảo để kịp thời đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19 mang lại.

Theo đó, ngày 26/9, VCCI cùng các bộ, ngành liên quan đã phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp.

Tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp liên tiếp hai lần trong vòng gần hai tháng qua để bàn về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19.

Ngày 7/10, VCCI tiếp tục tổ chức buổi làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam.

Các cuộc đối thoại, gặp mặt giữa Lãnh đạo cấp cao với giới doanh nhân là minh chứng cho thấy sự quan tâm, coi trọng vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Đảng, Chính phủ Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, VCCI đã và đang tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19.

Mới đây, ngày 17/9, VCCI đã thành lập Hội đồng Hợp tác doanh nghiệp ứng phó Covid-19 để kết nối các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội cùng hợp sức trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2.

Hội đồng đã đưa vào hoạt động nền tảng tương tác trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh, đồng thời hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp.

VCCI sẵn sàng làm cầu nối

Có thể nói, một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoàilà tăng cường quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ, du lịch… giữa nước cử và Việt Nam, qua đó giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng hợp tác thương mại-đầu tư với các nước trên thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung luôn có nhu cầu tiếp cận thông tin về thị trường đầu ra của sản phẩm, nhu cầu thị hiếu, xu hướng tiêu dùng, thông tin liên quan đến đối thủ cạnh tranh trực tiếp/gián tiếp, dự báo về triển vọng của thị trường.

Nắm bắt được những nhu cầu này, đại diện VCCI đã đưa ra 6 đề xuất cho các Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài, nhằm phát huy tối đa vai trò mắt xích quan trọng trong công tác ngoại giao kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thứ nhất, VCCI mong muốn các Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục là “tai mắt” và “cánh tay nối dài” của cả Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam, cung cấp kịp thời thông tin thị trường, là người tham mưu cho Chính phủ, giới thiệu những thực tiễn tốt nhất trên thế giới trong điều hành kinh tế, trong xây dựng thể chế, cải cách hành chính, trong xây dựng và vận hành các chính sách và thể chế hỗ trợ doanh nghiệp, mô hình kinh tế số, chuyển đổi số hiệu quả, công tác phòng chống dịch tại doanh nghiệp...

Đồng thời, với uy tín, kinh nghiệm và khả năng của mình, VCCI mong rằng, các Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài sẽ kịp thời phản biện những điểm bất hợp lý của nước sở tại liên quan các chính sách, quy định ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, các Lãnh sự danh dự có thể chia sẻ hoặc giới thiệu các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số, các mô hình sử dụng công nghệ số trong thuận lợi hóa thương mại, hỗ trợ lưu chuyển hàng hóa trong bối cảnh dịch Covid-19 còn kéo dài, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại phát triển sản phẩm công nghệ cao, thân thiện với môi trường, từ nước sở tại để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi.

Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp xác minh, tìm hiểu đối tác tại các nước sở tại trong các lĩnh vực hợp tác đầu tư, kinh doanh. Hiện nay, một số nước trên thế giới đã ban hành Luật bảo mật thông tin, do đó, việc xác minh về tiềm lực, tình trạng tài chính của doanh nghiệp nước ngoài khá khó khăn.

Thứ ba, kịp thời đưa ra các dự báo về các khả năng thay đổi các quy định, chính sách của nước sở tại có thể áp dụng với các nước; khủng hoảng thừa nguồn cung đối với một số mặt hàng cụ thể; biến động tỉ giá; thay đổi về thị hiếu và cách thức tiêu dùng… trên cơ sở đó các Bộ, ngành và hiệp hội có thể cảnh báo và đưa ra các chính sách, định hướng phù hợp cho từng ngành hàng cụ thể.

Thứ tư, tích cực quảng bá, tuyên truyền về các sản phẩm của Việt Nam tới người tiêu dùng, doanh nghiệp nước sở tại cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp marketing mặt hàng xuất khẩu vào thị trường nước ngoài.

Thứ năm, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kết nối với các bạn hàng, đối tác cụ thể, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước sở tại.Cuối cùng, VCCI mong được cung cấp đầu mối liên hệ cụ thể của các Lãnh sự danh dự (họ tên, địa chỉ, điện thoại, email…) để VCCI và các hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam có thể dễ dàng liên hệ, trao đổi thông tin.