Một trong những thỏa thuận đáng chú ý và có tác động trực tiếp nhất khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập vào cuối năm 2015 vừa qua là việc các lao động trẻ, có trình độ thuộc 8 nhóm lĩnh vực nghề nghiệp, bao gồm: bác sỹ, nha sỹ, hộ lý, kỹ sư, kiến trúc sư, kiểm toán viên, giám sát viên và nhân viên du lịch, sẽ được tự do di chuyển giữa các quốc gia.
Thỏa thuận này sẽ giúp lao động các nước trong khu vực nói chung và lao động Việt Nam nói riêng có cơ hội lớn hơn trong việc tìm kiếm các công việc trong khu vực và ngược lại. Tuy nhiên, khi bước vào một môi trường cạnh tranh sòng phẳng với lao động chất lượng cao ở một số nước trong khu vực, nhiều lao động trẻ Việt Nam lại tỏ ra khá băn khoăn về tác động của thỏa thuận này đối với bản thân, thậm chí không ít người còn khá mù mờ về thông tin này.
Xuất phát điểm thấp
Hiện chưa có thống kê chính xác về nhu cầu và thực tế số lượng lao động đã được điều chuyển trong AEC sau hơn nửa năm thành lập, nhưng theo các chuyên gia, nhu cầu này khá lớn. Thống kê năm 2013 cho thấy, tổng số di chuyển lao động trong nội bộ các nước ASEAN là 6,5 triệu người, trong đó, tỷ lệ lao động từ các nước ASEAN chỉ chiếm 34,6%. ASEAN có ba quốc gia là điểm đến chính của lao động nhập cư đó là Malaysia, Singapore và Thái Lan (chiếm gần 90%).
Tuy nhiên, sự phát triển không đồng đều giữa các quốc gia về kỹ thuật và trình độ dẫn đến sự chênh lệch về chất lượng nguồn nhân lực. Thực tế cũng cho thấy sự khác biệt về khả năng và sự sẵn sàng hội nhập của đội ngũ lao động giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Ở các nước có trình độ phát triển cao hơn như Singapore, Thái Lan, Malaysia, người lao động vừa có trình độ chuyên môn và kỹ năng tốt hơn, các khả năng về giao tiếp bằng ngoại ngữ, làm việc nhóm… cũng được đánh giá tốt hơn.
người lao động Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar bị đánh giá ở mức thấp hơn so với các nước khác. |
Như vậy, không chỉ trên ba tiêu chí sức khỏe, trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn kỹ thuật có tồn tại sự khác biệt tương đối đáng kể giữa các nước ASEAN. Trong đó, người lao động Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar bị đánh giá ở mức thấp hơn so với các nước khác, mức độ cạnh tranh, sức bền và kỷ luật trong công việc… cũng chưa được đánh giá cao.
Theo nghiên cứu của Tổ chức lao động Quốc tế - ILO (2014), năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương. So với chính các nước trong khối thì năng suất lao động của Việt Nam kém hơn 15 lần Singapore, bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế Thế giới WEF (2010) cũng so sánh năng suất lao động của Việt Nam là 1 thì Thái Lan là 3,63 và Singapore là 39,5. Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ cho chất lượng nhân lực Việt Nam 3,79 điểm/10, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng.
Chất lượng lao động là yếu tố quyết định năng suất lao động, từ đó tác động tới việc cải thiện mức thâm thu nhập bình quân ở mỗi quốc gia. Vì năng suất lao động thấp, tiền lương bình quân của người lao động Việt Nam cũng nằm trong nhóm thấp nhất Đông Nam Á, chỉ trên Lào và Campuchia.
Khi lượng không đổi được chất
Theo giới chuyên gia, cơ hội của Việt Nam trong Thỏa thuận lưu chuyển lao động AEC được cho là sẽ đến nhiều từ ngành công nghệ thông tin (IT). IT Việt Nam hiện đang phát triển tương đối tốt so với các nước trong khu vực. Do đó, lao động khi lưu chuyển được đánh giá có khả năng cạnh tranh cao. Trong khi, lao động nước ngoài khó cạnh tranh trong lĩnh vực này ở thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, một số nước như Singapore hay Malaysia đang thiếu lao động kỹ thuật do phát triển lệch hướng sang tài chính ngân hàng và marketing. Đây là một cơ hội tốt để lao động Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu thị trường ASEAN.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức “Hội thảo về thị trường lao động Việt Nam sau khi thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)” với sự hỗ trợ của Tập đoàn ManpowerGroup Việt Nam. |
Ngược lại, lưu thông trong thị trường lao động ASEAN, lại là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể tuyển dụng lao động giá rẻ của Lào, Campuchia hay tiếp cận số lao động tay nghề cao từ Singpore, Thái Lan.
Theo lý thuyết, với dân số 90 triệu/600 triệu dân trong ASEAN, Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế với thỏa thuận này. Việt Nam cũng đang ở thời điểm “dân số vàng” - thời kỳ dồi dào nhất về nguồn nhân lực, với số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 70% tổng dân số, trong đó có độ tuổi tiềm năng để tiếp thu được tri thức, kỹ năng mới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động.
Tuy nhiên, nếu chỉ có số lượng lao động lớn mà hạn chế về chất lượng, khả năng cạnh tranh cũng khó có thể được đánh giá cao. ILO chỉ dự báo mức di chuyển lao động ban đầu của Việt Nam với thỏa thuận này sẽ dừng ở lại mức 1% nguồn nhân lực và chỉ tập trung vào số nhân lực có tay nghề, kỹ năng, và trình độ ngoại ngữ như công nghệ thông tin, dệt may, da giầy, chế biến thực phẩm, một số ngành cơ khí…
Như vậy, không chỉ đối mặt với tình trạng năng lực, trình độ và kỹ năng của người lao động, các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam, phải xác định rõ thị trường lao động cho nguồn nhân lực của nước mình ở hiện tại và cả tương lai. Điều đó, đòi hỏi không chỉ là chiến lược của đất nước mà còn nằm ở tầm nhận thức của người lao động trong bối cảnh mới.