📞

Lầu Năm Góc: B-52 chưa thể được 'nghỉ hưu' trong 30 năm tới

Trường Phan 07:00 | 25/10/2020
TGVN. Theo tạp chí Air Force Magazine, Bộ Quốc phòng Mỹ đang thực hiện kế hoạch đại trùng tu toàn bộ kết cấu máy bay B-52 nhằm gia tăng sức mạnh hoạt động cho loại máy bay này thêm ba thập kỷ nữa.

Nếu kế hoạch thành công, tuổi thọ B-52 sẽ nâng lên gần 100 năm, một kỳ tích đối với dòng máy bay ném bom chiến lược trứ danh từ giữa thế kỷ trước.

Bất chấp tuổi cao và sự ra đời của các máy bay ném bom tàng hình nhanh, hiện đại khác, B-52 vẫn phục vụ cho quân đội Mỹ nhờ vào chi phí vận hành tương đối thấp và duy trì hoạt động ổn định sau khi được nâng cấp.

Sau cải tiến, phi hành đoàn trên B-52 chỉ còn 4 ngừoi. (Nguồn: Air Force Mag)

Dự án "thay máu" trị giá hàng tỷ USD

Theo kế hoạch cải tiến tổng thể gần đây nhất, máy bay B-52 của Mỹ sẽ chưa thể "nghỉ hưu" sớm như dự kiến. Quân đội sẽ tập trung nâng cấp mẫu máy bay này ở 4 hạng mục chính: động cơ, radar, thông tin liên lạc và năng lực vũ khí.

Về chi phí, Không quân Mỹ đã chi khoảng 1,4 tỷ USD và chuẩn bị rót thêm 3,8 tỷ USD vào dự án này trong vòng 5 năm tới. Những nâng cấp này sẽ cho phép B-52 tồn tại lâu hơn một số mẫu máy bay "inh sau đẻ muộn" hơn như B-2 Spirit và B-1 Lancer, dự kiến sẽ đồng loạt nghỉ hưu vào khoảng những năm 2030.

Quá trình "thay máu" đang tiến triển tốt và sẽ tiếp tục triển khai vào cuối năm nay trên tất cả các đời máy bay B-52. Với động cơ và radar hiện đại, khả năng mang nhiều vũ khí thông minh và uy lực mạnh, thông tin liên lạc và kết nối nhanh nhạy, B-52 hứa hẹn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược ném bom không chiến của Mỹ. Rất có thể, pháo đài bay này sẽ được đổi thành B-52H+ hoặc B-52J.

Tăng cường sức tải

Một trong những đặc điểm nổi bật của B-52 là khả năng chịu tải trọng cực lớn. Trọng tải của máy bay ném bom này lớn đến mức nếu tính tổng sức tải bom của tất cả máy bay B-52 bay cùng nhau có thể tương đương với công suất vũ khí hạt nhân.

Quân đội lắp đặt vũ khí siêu thanh ARRW trên máy bay B-52 cải tiến. (Nguồn: Air Force Mag)

B-52 dự kiến sẽ được trang bị vũ khí thông minh bao gồm hệ thống bom dẫn đường tiên tiến và vũ khí dự phòng khác, có khả năng bắn tên lửa tiên tiến nhất của Không quân Mỹ như tên lửa hành trình hạt nhân tầm xa mới AGM-181 (LRSO) và vũ khí phản ứng nhanh phóng từ máy bay (ARRW).

Được chế tạo tỉ mỉ ngay từ khi ra đời, khung máy bay B-52 vẫn hoạt động hiệu quả dù tuổi thọ của toàn bộ kết cấu đã hàng chục năm.

Ngay cả các hệ thống chiến đấu hầu như không thay đổi kể từ chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, khả năng thực hiện nhiệm vụ của B-52 vẫn đạt tỷ lệ khoảng 80%.

Khả năng chiến đấu của B-52 vẫn được đánh giá rất linh hoạt, có khả năng bắn tên lửa đối không, thả bom trọng lực dẫn đường chính xác. B-52 sau cải tiến có thể mang theo hai khẩu ARRW đặt hai bên giá treo.

Theo một số nguồn tin, ARRW sử dụng tên lửa đẩy để đạt tốc độ siêu thanh với vận tốc gần 16000km trong vòng 10-12 phút.

Trang bị 8 động cơ công suất lớn

Quân đội Mỹ sẽ thay thế máy phát điện TF-33 cũ kĩ của B-52 bằng các động cơ phản lực hiện đại với mục tiêu tăng phạm vi hoạt động thêm 30% và tăng tiết kiệm nhiên liệu. Đặc biệt động cơ B-52 trong tương lai sẽ không thể tháo rời được.

Các kỹ sư sẽ sử dụng 8 động cơ, công suất 17.000 pound/chiếc (tương đương gần 8 tấn), phân bố đều trên 4 khoang động cơ kép nằm dọc theo mỗi cánh B-52.

Việc sử dụng sản phẩm từ 3 nhà sản xuất động cơ tiên tiến nhất thế giới là General Electric, Rolls Royce và Pratt & Whitney sẽ đưa đến các cải tiến đáng kể về lực đẩy, ít tốn công sức bảo dưỡng hơn, thêm tính năng giảm khí thải, chạy êm hơn.

Đồng thời, theo tính toán động cơ này có thể giúp quân đội tiết kiệm được 10 tỷ USD nhiên liệu, giảm thiểu công suất bảo trì và nhân sự.

Nâng cấp hệ thống liên lạc CONECT

Bên cạnh động cơ, một cải tiến quan trọng khác là nâng cấp hệ thống liên lạc Công nghệ truyền thông mạng chiến đấu (CONECT). Bản nâng cấp sẽ được trùng tu hoàn toàn và thay thế một số giải pháp hỗ trợ băng tần để cải thiện khả năng nhắm mục tiêu và khả năng liên kết giữa buồng lái với hệ thống máy tính chỉ huy.

Bên trong buồng lái B-52 sẽ được lắp màn hình màu kỹ thuật số mới hiển thị đa màu sắc, cho phép cải tiến quy trình điều khiển và nâng cao sức mạnh tính toán, liên kết dữ liệu và bản đồ di chuyển.

Tính đến tháng 8/2020, 69 trong số 76 chiếc B-52 đã hoàn thành quá trình nâng cấp hệ thống CONECT.

Hệ thống radar mới

Hệ thống radar AN/APQ-166 trên B-52 được đánh giá là khá lỗi thời. Mặc dù quân đội Mỹ vẫn chưa chỉ định chính thức loại radar nào sẽ thay thế nhưng nhiều dự đoán cho rằng Mỹ đang xem xét hệ thống APG-79/APG-82 của hãng Raytheon, hiện sử dụng trong máy bay F/A-18 Hornet và F-15E Strike Eagle của Hải quân Mỹ.

Việc sử dụng hệ thống radar mới đồng nghĩa với việc quân đội có thể sẽ cắt giảm phi hành đoàn B-52 bớt 1 phi công, chỉ còn 4 người. Giải pháp thay thế này không những mang lại hiệu quả trong việc tiết kiệm chi phí mà còn có thể thay đổi hình dạng thiết kế mũi máy bay B-52 hiện tại.

Bên cạnh đó, hệ thống radar quét điện tử chủ động (AESA) cũng được dự đoán sẽ tham gia quá trình nâng cấp B-52, góp phần cải thiện phạm vi lập bản đồ, tăng khả năng nhắm bắn và tấn công đồng thời nhiều mục tiêu.

(theo Air Force Mag)