Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức nước ta từ 19-24/4, người đứng đầu cơ quan lập pháp Hàn Quốc đã có các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Việt Nam: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
Với nền móng 15 năm xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc, các nhà lãnh đạo hai bên cho rằng, trên cơ sở những thành quả đã đạt được, nay là thời điểm phù hợp để đưa quan hệ hai nước vào khuôn khổ hợp tác toàn diện, lâu dài, ổn định cùng có lợi. Trước mắt hai nước cần tích cực thực hiện Thoả thuận xây dựng quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21 mà lãnh đạo cấp cao hai bên đã thống nhất.
15 năm dù không phải là một chặng đường dài, nhưng mối quan hệ hai nước thời gian qua đã phát triển tốt đẹp và đạt được kết quả cao. Nếu so với năm 1992, khi Việt Nam - Hàn Quốc bắt đầu chính thức quan hệ ngoại giao thì đến nay mậu dịch thương mại hai nước đã tăng hơn 10 lần, đầu tư tăng 60 lần. Hiện có khoảng 1.200 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam hơn 11 tỷ USD. Chính vì vậy, đất nước của kỳ tích sông Hàn hiện là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam.
“Việc Hàn Quốc là nước có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, không chỉ có ý nghĩa về con số, mà quan trọng hơn đó là niềm tin của người Hàn Quốc vào sự phát triển của Việt Nam. Bởi vì, mở rộng hợp tác kinh tế phải dựa trên sự tin cậy lẫn nhau cũng như phải có một ý chí mạnh mẽ”, Chủ tịch Quốc hội Lim Chae Jung khẳng định như vậy trong cuộc hội kiến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hôm 22/4. “Do vậy, Hàn Quốc và Việt Nam cần phải thấu hiểu nhau hơn về chính trị và tăng cường giao lưu về văn hóa”, ông Lim Chae Jung tiếp lời. Tháng 11/2006, Hàn Quốc thành lập Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á, đặt tại Hà Nội.
Ngoài ra, Hàn Quốc còn là thị trường khách du lịch trọng điểm và thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất của Việt Nam. Năm 2007, có khoảng 500.000 khách du lịch Hàn Quốc đã tới Việt Nam. Việt Nam hiện có gần 40.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc. Riêng năm 2007, Trung tâm Lao động Ngoài nước đã đưa trên 10.000 lao động sang làm việc tại nước này.
Đến nay, Hàn Quốc đã cấp và cam kết cấp 188 triệu USD tín dụng ưu đãi, viện trợ không hoàn lại 80 triệu USD. Chính phủ nước này quyết định trong giai đoạn 2006-2009 tăng mức cung cấp tín dụng ưu đãi cho Việt Nam lên 100 triệu USD/năm và viện trợ không hoàn lại 9,5 triệu USD/năm.
Trong lần thứ ba đến thăm Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Lim Chae Jung cho biết ông nhận thấy Việt Nam có những thay đổi rất lớn, đó chính là nhờ thành tựu và sự kế thừa từ chính sách Đổi mới được khởi xướng từ cách đây hơn 20 năm. Thành công này đã đưa nền kinh tế Việt Nam thành một hình mẫu đối với nhiều nước và được mệnh danh là “Hổ” ở Châu Á. Tuy nhiên, để “Hổ” hóa “Rồng”, Việt Nam “mong muốn học hỏi những kinh nghiệm của Hàn Quốc từ một nước khó khăn vươn lên thành một nước phát triển” -Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.
Là quốc gia nghèo về tài nguyên thiên nhiên, lại bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, nhưng chỉ sau 3 thập kỷ tiến hành công nghiệp hóa mà trọng tâm là phát triển các ngành công nghiệp hướng về xuất khẩu, Hàn Quốc đã làm nên “kỳ tích sông Hàn”. Từ một nước nông nghiệp điển hình, đến nay, Hàn Quốc đã phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, khoảng 5-6%/năm trong thời gian qua, GDP tính theo đầu người năm 2006 đạt 20.000 USD. Cũng trong năm này, Hàn Quốc được xếp thứ 3 thế giới về mức độ tiếp cận công nghệ; năm 2007 đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu trong tổng số 131 nước và vùng lãnh thổ.
Trung Anh