📞

Lê Duẩn: Một nhân cách văn hóa lớn, thấm đẫm hồn Việt

14:05 | 27/04/2012
Trong bất cứ thời đại nào, các nhà chính trị lỗi lạc cũng luôn để lại những dấu ấn đậm nét bởi những đóng góp của họ đối với dân với nước. Cố TBT Lê Duẩn là một con người như thế. Hình ảnh của ông không chỉ mang tầm vóc thời đại, trong sự nghiệp thống nhất nước nhà mà còn là những dấu ấn văn hóa thấm đẫm tâm hồn Việt… Nhân dịp Kỷ niệm 37 năm thống nhất đất nước, TG&VN xin giới thiệu bài viết của tác giả Lê Thanh Bình về người học trò ưu tú của Bác Hồ - Cố TBT Lê Duẩn.
TBT Lê Duẩn trong một cuộc trao đổi với các đồng chí: Lê Toàn, Trần Hữu Dực, Đặng Giá. (Ảnh tư liệu gia đình tác giả).

Trọng truyền thống với cái nhìn hiện đại

Người ta ai cũng yêu quê hương, đồng chí, đồng nghiệp, họ hàng, người tri kỷ gần gũi... nhưng đối với cố TBT Lê Duẩn thì những tình cảm đó còn hòa quyện với những điều lớn lao mà bình dị, thu hút bất cứ ai có dịp gặp ông. Năm 1974 tôi thường đến 65B Trần Quốc Toản, Hà Nội thăm cô chú Lê Thị Cừ, Lê Bá Tôn và bà Lê thị Diễu (Bà Bộ, chị gái ông Ba) nên nhiều lần được gặp cố TBT Lê Duẩn (chúng tôi thường gọi là ông Ba theo liên hệ tôn tộc). Một hôm đang ngồi chơi với bà Bộ và ông Lê Cảnh Bôn, thì bất ngờ ông Ba đến. Bà Bộ giới thiệu ngắn gọn về tôi và nói thêm với ông Ba rằng: hiện cả 4 chi họ Lê ở Quảng Trị (Lê Mậu, Lê Cảnh, Lê Bá, Lê Văn) vẫn gắn bó qua lại với tình bà con họ hàng và tham gia tích cực vào công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương. Ông rất chăm chú lắng nghe, rồi nói: “Đất nước ta, nhân dân ta đã sản sinh, nuôi dưỡng nhiều gia đình có truyền thống về nhiều mặt trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Từng cá nhân có đóng góp nhất định cho đất nước, sẽ được xã hội ghi nhận. Nhưng mỗi cá nhân, mỗi gia đình, dòng họ không nên tự mãn tự kiêu, mà phải tự xem xét mình nghiêm cẩn hơn để mãi giữ được truyền thống, phát huy được sức mạnh và sở trường của mình cả trong hiện tại, tương lai, mới xứng đáng với sự tin cậy, yêu quý của cộng đồng…”.

Hôm giỗ cụ thân sinh Lê Hiệp, khi thắp hương, ông Ba đứng rất lâu, thấy bà Bộ khóc ông khuyên giải rất tình cảm rồi ông nêu một nhận xét ngắn về văn hóa và bản sắc văn hóa mà tôi nhớ mãi. Ông nói đại ý: Văn hóa thờ cúng tưởng nhớ cha ông, văn hóa họ hàng, vùng miền, giao lưu quốc tế… suy cho cùng có hai mặt là “bản” và “sắc”. “Bản” là phần bản chất cốt lõi, là hồn, là cái độc đáo của văn hóa dân tộc. “Sắc” chủ yếu là diện mạo của phần bản chất cốt lõi. Hai mặt liên quan chặt chẽ. Một nước như nước ta thì ở bất cứ giai đoạn giữ nước, dựng nước nào cũng đều phải tìm được cách thức phát huy sức mạnh của cả “bản” và “sắc”. Phải lựa chọn được những điểm mạnh nhất trong văn hóa, phù hợp thực tế và truyền thống nhất để bồi đắp, xây dựng thành cái riêng của người Việt, để khi nói Việt Nam là cộng đồng quốc tế thừa nhận bản sắc văn hóa độc đáo đó của đất nước. Là người rất yêu quê hương Quảng Trị, nhưng ông Ba Duẩn rất ít nói những lời to tát về quê hương. Ông yêu quê hương lặng lẽ nhưng sâu sắc, rộng mở, theo tầm văn hóa của một nhà chính trị đầy tâm huyết.

Vào năm 2002, tôi có dịp được gặp nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi đề cập đến quản lý nhà nước rồi liên hệ với sự lãnh đạo của ông Ba, ông Kiệt trầm ngâm: “Anh Ba Duẩn luôn suy nghĩ ở tầm đại cục. Thấy một phụ nữ vùng quê gánh nặng trĩu vai, Anh đau đáu làm sao để mọi người phụ nữ nước mình bớt cực nhọc. Nhãn quan của Anh Ba là nhãn quan chiến lược và hệ thống, vì thế Anh Ba thấy người phụ nữ nông thôn vất vả gánh gồng thì Anh xoáy sâu bàn về việc chuyển dịch công nghiệp hóa ở nông thôn…”. Tháng 3/2007, tôi gặp Bà Nguyễn Thị Vân (bà Bảy Vân - phu nhân cố TBT), bà nhớ lại: Lần xuống An Phú khoảng năm 1984, ông Ba thấy một phụ nữ ngồi giặt, bên cạnh là em bé nằm nôi, ông đăm chiêu hồi lâu. Ít lâu sau, ông yêu cầu các ngành chức năng xem xét việc nghỉ đẻ của lao động nữ và quyết định tăng thời gian nghỉ đẻ, chăm sóc con cái đối với lao động nữ cho thích hợp. Bà Bảy Vân bồi hồi nói: Ông Ba là người giàu tình cảm, gặp cảnh xúc động ông thường suy ngẫm nhiều. Chính tôi và ông ấy cũng không ít lần phải xa nhau lâu, và lần nào mắt ông cũng cũng ngấn lệ…

Di sản lớn trong văn hóa lãnh đạo

Nhân dịp sinh nhật ông Ba tròn 67 tuổi, tôi được ngồi dự cùng với TSKH Nguyễn Thúc Loan, TS. Lê Bá Tôn, bác Lê Phiếm tại nhà số 6 Hoàng Diệu, Hà Nội. Nghe mọi người bàn luận về tình hình trong nước và ngoài nước, khi bàn đến chủ đề Thụy Điển, ông nói: Thụy Điển có những điều ta có thể học hỏi. Họ chuẩn mực trong cách thức hoạt động, tính hệ thống, trật tự trong điều hành, hài hòa, hiện đại trong quy hoạch đô thị, giao thông đi lại, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phân chia phúc lợi xã hội… Ở Thụy Điển, có thể tóm lại 8 chữ: “Trật tự, hài hòa, nhân văn, hiện đại”. Ở nước ta, thực hiện cho được 8 chữ đó cũng không dễ đâu, nhưng cũng phải đặt ra những mục tiêu nhất định, rõ ràng để phấn đấu thực hiện dần. Nếu quy sang văn hóa thì đấy chính là văn hóa cơ chế.

Năm 1986 khi sức khỏe ông Ba giảm sút nhiều, ba tôi là Lê Toàn, đang công tác tại Ngân hàng Nhà nước vội lên thăm ông. Ba tôi kể lại rằng: Ông mệt lắm nhưng vẫn tỉnh táo. Thấy ba tôi khóc, ông cũng ứa nước mắt và động viên ba tôi rất nhiều, trong khi chính ông đang ốm. Ông nói với ba tôi chuyện quê hương, rồi tâm sự những trăn trở về những dự định chưa làm kịp. Ông muốn về lâu dài, mọi tổ chức, mọi cá nhân người Việt đều biết cách khơi dậy những tiềm năng tích cực của văn hóa dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại. Khi chính sách được thể chế hóa đưa vào cuộc sống rồi thì làm sao để dần hình thành nếp sống văn hóa thường nhật. Ông bảo phải tìm được cách tập hợp được sức mạnh của toàn dân, đất nước mới cường thịnh. Muốn khơi dậy, thống nhất mọi tài lực của nước Việt Nam ta, nên tiếp cận cả từ hướng văn hóa, tìm ra điểm đặc trưng để kết nối nhân tâm người Việt, khuyến khích được tất cả, kể cả người Việt ở nước ngoài cùng xây dựng đất nước. Khi bàn về văn hóa lãnh đạo, quản lý áp dụng vào thực tiễn Việt Nam, cố TBT Lê Duẩn có tổng kết rất khúc triết: “Trong các vấn đề từ đơn giản đến phức tạp từ đối nội đến đối ngoại, bảo vệ đất nước, xây dựng kinh tế, văn hoá xã hội mới… thì người lãnh đạo luôn phải dự liệu được hầu hết mọi khả năng xảy ra, biết tạo thêm khả năng thuận lợi cho cách mạng, quy tụ được mọi lực lượng... Phải chú ý sự tương hỗ giữa chính trị- kinh tế- văn hoá và phát huy sở trường của những người tài giỏi, có năng lực chuyên môn, có tầm văn hóa rộng, sâu làm đầu tàu; quan tâm thực sự đến quảng đại nhân dân, động viên được tất cả để hoàn thành sự nghiệp chung của cách mạng”. Ông tâm tình: “Người ta ai cũng nên có những công việc tâm huyết, suy nghĩ tâm huyết. Cần cả đời liên tục, mải miết suy nghĩ, hành động vì những điều tâm huyết đó. Đã tâm huyết thì chúng sẽ thành “máu thịt” của mình, chi phối con đường đời của mình đúng hướng, rõ ràng, có ích cho xã hội”. Nói những điều trên, mắt ông Ba sáng lên lạ thường. Dường như những ký ức, những mốc son, những kết tinh trong suốt gần 60 năm làm cách mạng được đúc kết từ thực tiễn sống động của ông như hiển hiện trước mắt ông và người đối thoại.

Trong con người ông Ba Lê Duẩn, sự thông tuệ, mẫn tiệp, lòng nhân ái bao la, sự gần gũi với nhân dân được kết hợp nhuần nhuyễn cùng nhãn quan chính trị, tài thao lược quân sự, nền tảng văn hóa vững chắc. Hấp thụ truyền thống văn hóa phương Đông, thấm nhuần tư tưởng “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Bác Hồ nên cố TBT hiểu rất rõ bản sắc văn hóa chính trị Việt Nam là “LẤY DÂN LÀM GỐC”. Có thể nói rằng: Bản “Đề cương Cách mạng miền Nam” bất hủ do chính ông soạn thảo và những chủ trương tầm chiến lược - những thứ “máu thịt” của ông, là minh chứng cho những đúc kết kể trên của cố TBT.

Trong lần đến thăm nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười gần đây, khi nhắc đến cố TBT Lê Duẩn, ông Đỗ Mười xúc động nói: “Văn hóa và các mặt liên quan ẩn chứa trong Anh là văn hóa đặc biệt: vừa giản dị, lấp lánh, bao dung, ấm áp, sắc nét, đậm đà bản sắc dân tộc lại vừa có tầm vóc rộng lớn, mới mẻ, thu hút nhân tâm sâu sắc”. Nghĩ về cố TBT Lê Duẩn có thể xuất phát từ nhiều góc nhìn. Tôi nghĩ rằng từ góc nhìn văn hóa tổng thể hay góc nhìn văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo, quản lý…, thì ở góc nào hình ảnh nhà chính trị kiệt xuất Lê Duẩn cũng lung linh, sâu sắc, hiện đại. Cuộc đời của đồng chí Lê Duẩn là một bản anh hùng ca tuyệt đẹp, là một trong số không nhiều các lãnh tụ Việt Nam có cuộc đời hoạt động gian truân nhất, phong phú nhất, trải nghiệm qua những năm tháng, sự kiện lớn nhất theo tiến trình phát triển cách mạng Việt Nam.

Lê Thanh Bình