📞

Lê Đức Anh - Nhà lãnh đạo phong cách Bác Hồ

21:54 | 03/12/2010
Với lối sống giản dị gần gũi, năng lực lãnh đạo và tư duy chiến lược kiệt xuất, Đại tướng Lê Đức Anh xứng đáng là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua hai cuộc kháng chiến, Ông đã để lại dấu ấn của một vị tướng tài ba quả cảm - vị tướng mà bộ quân phục thấm đẫm khói lửa chiến trường sinh tử - và là một vị chỉ huy sắc sảo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trong thời bình, xây dựng và phát triển, trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch nước rồi Cố vấn, Ông là nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, quyết liệt và chí công vô tư - một nhà lãnh đạo phong cách Bác Hồ. Ngày 01 tháng 12 vừa qua, ông Lê Đức Anh tròn 90 tuổi. Nhân dịp đại thọ của Ông, Báo TG&VN xin giới thiệu bài viết dưới đây qua các tư liệu lịch sử, nhân chứng và hỏi chuyện trực tiếp.
Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chúc mừng sinh nhật lần thứ 90 Đại tướng Lê Đức Anh tại nhà riêng, hôm 1/12/2010. (ảnh Sơn Thủy)
Mẫu mực và giản dị

Đánh giá về ông, Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nhận định :"Lê Đức Anh là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta. Vốn là cán bộ chỉ huy quân đội, đã trải qua thực tế chiến đấu gian khổ của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược và mười năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn ở Campuchia, nên ở Anh, quan điểm giai cấp rất vững vàng và rõ ràng. Sinh hoạt và lối sống giản dị, mẫu mực. Trong thời kỳ giữ cương vị Chủ tịch nước, để góp phần ổn định và phát triển kinh tế, vai trò Chủ tịch nước của anh Lê Đức Anh lúc này rất quan trọng".

Còn Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một người được báo chí nước ngoài ví là "Cặp bài trùng" với Lê Đức Anh thì cho rằng, Đại tướng Lê Đức Anh là một trong những người lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới đất nước. Ông Kiệt viết: "Ngần ấy thời gian biết anh Sáu Nam, có lúc cùng chiến trường, có lúc cùng ở cấp lãnh đạo đất nước, Anh là cán bộ tham mưu tầm cỡ, một vị tướng chỉ huy cương nghị, bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm… Tuy nhiên, nói như vậy, không có nghĩa là mọi việc đều hoàn hảo (và cũng không có ai được như vậy). Song nhìn chung nhất, công bằng mà đánh giá, cũng không có nhiều tướng lĩnh như anh Lê Đức Anh".

Sau khi trực tiếp tham gia chỉ huy giải phóng miền Nam rồi giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt, trên cương vị Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh tiếp tục là một trong những người chèo lái đưa đất nước ta dần thoát khỏi khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Ông chính là một trong những người sát cánh cùng cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và các nhà lãnh đạo khác khởi xướng và chỉ đạo công cuộc đổi mới đất nước. Từ đó, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, quan hệ quốc tế được mở rộng, vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng cao. Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười cho biết: "Giai đoạn tôi làm Tổng Bí thư, anh Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước, anh Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng (1992-1997). Đây là thời kỳ ta triển khai công tác đổi mới rất mạnh, mà trọng tâm là đổi mới về kinh tế... Khi anh Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước thì ta thật sự mở rộng quan hệ với nước ngoài".

Ông Lê Đức Anh kể: Thực hiện đường lối Đổi mới được đưa ra tại Đại hội VI, năm 1986, của Đảng, chúng ta tiến hành bình thường hoá quan hệ với một số nước, trong đó có hai nước lớn là Trung Quốc và Mỹ. Lúc đó tôi đang làm Bộ trưởng Quốc phòng thì được Bộ Chính trị giao cho việc tìm cách nào đó để phá thế bao vây cấm vận của Mỹ. Lúc đó giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không có một kênh tiếp cận nào cả nên rất khó làm. Vả lại, chiến tranh mới kết thúc hơn 10 năm, sự hận thù vẫn còn sâu sắc lắm. Không thể tiếp cận với nhau bằng chính trị, kinh tế thì phải tìm ở lĩnh vực khoa học - kỹ thuật vậy.

Sau những trăn trở, tìm tòi, Ông đã tìm ra những bước đi khôn khéo với chiến dịch "Phẫu thuật nụ cười" và "Tìm kiếm người Mỹ mất tích - MIA" để mở ra đột phá khẩu trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Đó là một cách làm đầy sáng tạo bởi lúc đó, nhiều người vẫn coi Mỹ là một cựu thù khó có thể bình thường hóa quan hệ với họ được. Nhưng những bước phát triển lịch sử trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày nay, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của mỗi nước và hoà bình ổn định ở khu vực đã chứng minh tầm nhìn của Ông, như một nhà tiên tri, nắm bắt được xu thế thời cuộc.

Từ trái qua: ông Ngô Văn Dụ, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng TW Đảng, ông Lê Đức Anh, Nhà báo Sơn Thủy, Tổng Biên tập Báo TG&VN, ông Lê Khánh Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong lễ mừng sinh nhật lần thứ 90 Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh tại nhà riêng, hôm 1/12/2010

Dân tộc là trên hết

Không chỉ được giao phó trọng trách mở ra việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, trước đó, tướng Lê Đức Anh cũng còn được giao hai việc đối ngoại quan trọng nữa là tham gia giải quyết vấn đề Campuchia và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.

Đối với Campuchia (CPC), ông Lê Đức Anh là người có công lớn: góp phần quan trọng giúp giải phóng nhân dân CPC khỏi chế độ diệt chủng và giúp hồi sinh dân tộc. Điều này một thời gian dài chưa được nhìn nhận đúng, nhưng việc hiện nay Liên Hợp quốc đang đưa các nhân vật diệt chủng CPC ra toà án quốc tế đã chứng minh được tầm nhìn xa của Bộ Chính trị VN lúc đó và tính cao cả của Quân tình nguyện VN. Ông Anh kể:" Trong hơn 10 năm sống, chiến đấu gian khổ trên đất Bạn, trong hơn mười vạn Quân tình nguyện, cũng có một số cá nhân và đơn vị vi phạm kỷ luật, số này tuy rất ít nhưng đã bị xử lý nghiêm khắc… Tuy nhiên, công lao của VN rất lớn. Khi tôi sang dự Lễ rút Quân tình nguyện VN và khi thăm chính thức CPC, Vua Sãi Tếp Vông (Vua đạo Phật) đã đến chúc phúc cho tôi. Sau đó, vị Vua này còn đến nhà riêng của tôi ở Tp. HCM để cảm ơn, tặng quà và chúc phúc cho tôi. Vua Sãi nói rằng Quân tình nguyện VN là "Đội quân nhà Phật". Theo tôi, đây là danh hiệu cao quý, cao quý hơn bất cứ danh hiệu nào khác".

Đối với Trung Quốc (TQ), ngay sau khi ông Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ Chính trị đã giao cho Ông "mở đầu" việc bình thường hoá quan hệ với TQ. Ông đã bắt đầu công việc bằng hai kênh: ngoại giao nhân dân và ngoại giao bí mật. Ông vào Tp. HCM chỉ đạo tổ chức gặp mặt bà con Hoa kiều Chợ Lớn để trao đổi về việc cần đưa quan hệ giữa hai dân tộc trở lại bình thường. Và Ông cũng có 4 cuộc gặp với Đại sứ TQ Trương Đức Duy tại Nhà khách Bộ Quốc phòng, 28 phố Cửa Đông, Hà Nội để bàn chuyện bình thường hoá quan hệ hai nước. Sau các hoạt động đó của Ông, tháng 7/1990, Thủ tướng TQ Lý Bằng, trong chuyến thăm Singapore đã "đánh tiếng" là "TQ sẵn sàng bình thường hoá quan hệ với VN". Rồi tháng 9/1990 phía TQ đã mời TBT Nguyễn Văn Linh, Cố vấn Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Đỗ Mười thăm không chính thức TQ. Tháng 8/1991, Đại tướng Lê Đức Anh được cử làm "đặc phái viên của Bộ Chính trị" sang thăm nội bộ Trung Quốc. Trước khi Hội đàm, Tổng Bí thư Giang Trạch Dân đã gặp riêng Đại tướng Lê Đức Anh nêu một vài vấn đề. Ông Giang Trạch Dân nói: "Tới đây lãnh đạo hai nước gặp nhau sẽ mở lại trang sử tốt đẹp quan hệ Trung - Việt. Nhưng có một vấn đề quan trọng phải họp riêng, vì ra họp chung khó nói. Tôi ở địa phương mới lên làm Tổng Bí thư, trước chưa biết nhưng sau này nghiên cứu lịch sử mới biết Trường Sa là của Trung Quốc". Đại tướng Lê Đức Anh đáp ngay: "Tôi cũng giống như đồng chí, tôi ở chiến trường mới về. Khi có dịp nghiên cứu về lịch sử, địa lí và pháp lí thì thấy rõ Hoàng sa và Trường sa là thuộc lãnh thổ Việt Nam". Nghe vậy, ông Giang không nói gì nữa, chỉ cười và bảo "thôi đến giờ rồi, mời đồng chí ra hội đàm". Sau khi ông Lê Đức Anh đi "tiền trạm" về, Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thăm chính thức Trung Quốc và Hai bên đã kí kết Hiệp định chính thức quan hệ bình thường giữa hai nước trên cơ sở 5 nguyên tắc hòa bình, đồng thời ký cả văn bản quan hệ bình thường giữa hai Đảng, khép lại 15 năm đối đầu căng thẳng.

Nhớ lại những thời điểm quyết định đầy cam go và đối mặt với không ít những quan điểm trái chiều, vị Đại tướng bảo: "Nhiều người cho tôi là "thân Trung Quốc", rồi là "thân Mỹ", tôi chỉ cười. Nhưng từ đây tôi mới rút ra một điều rằng, quan hệ với Trung Quốc và với Mỹ là hai mối quan hệ ngoại giao quan trọng nhất của nước Việt Nam, nên trong quan hệ với mỗi nước đó ta cần suy nghĩ rất kỹ, và dĩ nhiên phải đứng trên lập trường độc lập và lợi ích dân tộc của ta. "Lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc phải là tối thượng", với vị tướng già này, đó đơn giản là một lẽ sống, một điểm tựa để Ông quyết định phải - trái, đúng - sai và khi đã tin, đã quyết là theo đuổi đến cùng.

Chí công vô tư

Trước Đại hội Đảng Khoá VI, ông Lê Đức Anh đã xin rút khỏi danh sách đề cử vào Trung ương vì tuổi cao, nhưng không được. Rồi trước Đại hội VII, ông cũng xin rút khỏi danh sách, nhưng Đại hội vẫn bầu Ông và Quốc hội vẫn bổ nhiệm Ông làm Chủ tịch nước. Thời kỳ làm Chủ tịch nước và thời kỳ làm Cố vấn, ông Lê Đức Anh đã đi khắp mọi miền đất nước, gần gũi nhân dân, tìm hiểu thực tế và chỉ đạo sát sao. Các chuyến đi của Ông rất giản dị, nhiều khi chỉ có mình Ông và người trợ lý, đi ôtô, đi trực thăng, ăn bánh mì, lên miền núi, xuống hải đảo…

Qua tư liệu lưu trữ, qua hồi ức của những nhà lãnh đạo cùng thời hay những người có dịp gần gũi lâu năm với ông Lê Đức Anh, trong đó có người viết bài này, chân dung một nhân vật lịch sử, vốn được bao phủ bởi nhiều chiều thông tin mà có khi các thông tin đó trái ngược nhau… đang hiện lên. Và nó đã hiện lên rõ nét một con người, tuy có một vài sai sót, nhưng vẫn là một nhà lãnh đạo tài năng kiệt xuất, đạo đức khiêm nhường, chí công vô tư. Lê Đức Anh là một nhà lãnh đạo luôn "bị" đặt vào những tình thế khó khăn và buộc phải ra quyết định. Song với tố chất của "tầm nhìn sâu và rộng trong những vấn đề chiến lược của đất nước", với năng lực tư duy sáng tạo và năng lực hành động quyết liệt, với tấm lòng vì nước vì dân, Ông vẫn bình thản tiến về phía trước, tìm được cách giải quyết đúng đắn, nhiều khi đi trước mọi người...

Hôm qua, ngày 01/12/2010, Đại tướng Lê Đức Anh tròn 90 tuổi, cái tuổi đã qua rất xa ngưỡng "xưa nay hiếm", các vị Lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và đại diện các Bộ, Ban, Ngành cũng như lớp lớp người quen và con cháu, trong đó có chúng tôi, đều đến số 5 Hoàng Diệu để chúc mừng Ông. Ai cũng mong Ông sống trăm tuổi để "làm chỗ dựa tinh thần cho chúng cháu và tiếp tục đóng góp cho đất nước". Bởi hiện nay, Ông là một đại diện hiếm có của "Đội cận vệ già" - đội học trò môn sinh thực chất của Hồ Chí Minh - và là một nhà lãnh đạo theo phong cách Bác Hồ.

Sơn Thủy & Đức Khải

Đại tướng Lê Đức Anh (bí danh Sáu Nam), Sinh năm 1920 tại xã Bàn Môn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông tham gia Cách mạng từ năm 17 tuổi (1937) và là Đảng viên Đảng CS từ năm 1938.

Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội, Đảng và Nhà nước như Phó Tổng tham mưu trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Miền, Tư lệnh quân khu 9, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Miền, Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, Tư lệnh cánh quân Tây nam, Đại tướng, Tham mưu trưởng, Bộ Trưởng Quốc phòng. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước.

Đại tướng Lê Đức Anh được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất...Năm 2008, ông được trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.