Nhỏ Bình thường Lớn

Lễ hội Việt Nam tại Singapore: Kết nối văn hóa, Kết nối quốc gia

Sự hiện diện của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, trong ngày khai mạc Lễ hội Việt Nam tại Singapore (20/5), thể hiện sự đánh giá cao của Việt Nam đối với phát triển quan hệ với quốc đảo Sư tử, trong đó mối bang giao hai nước không chỉ được gắn kết bằng hợp tác kinh tế mà còn bằng “sợi dây” văn hóa.
Điểm nhấn trong đầu tư của Singapore vào Việt Nam là sự ra đời của Khu công nghiệp VSIP.

Tới thăm chính thức đất nước Singapore thanh bình và thịnh vượng trong hai ngày 20-21/5, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cũng sẽ cùng các vị lãnh đạo Singapore thảo luận những biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21 giữa hai quốc gia. Dự kiến, trong chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, ông Phạm Gia Khiêm sẽ có cuộc gặp với Tổng thống S.R Nathan, Thủ tướng Lý Hiển Long, Ngoại trưởng George Yeo; khai trương tấm bia tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Văn minh Châu Á…

Lễ hội Việt Nam tại Singapore được Hội đồng Di sản Quốc gia Singapore tổ chức với nhiều hoạt động như: triển lãm Nghệ thuật đương đại Việt Nam, lễ hội ẩm thực, tuần lễ phim Việt Nam...

Những cơ sở vững chắc

Quan hệ tốt đẹp của hai nước hiện nay là thành quả của những nền tẳng hợp tác hiệu quả và bền vững. Tháng 12/2005, Hiệp định khung về kết nối Việt Nam – Singapore được ký kết theo sáng kiến của ông Goh Chok Tong, Thủ tướng Singapore lúc đó và là vị Bộ trưởng Cao cấp hiện nay. Đây là một chương trình hợp tác toàn diện, hướng tới mục tiêu gắn kết các khâu sản xuất, thương mại, đầu tư, tiêu dùng của Việt Nam với Singapore để tạo ra sự bổ trợ, kết hợp hai nền kinh tế, tạo môi trường chính sách thuận lợi và định hướng khung để doanh nghiệp hai nước hợp tác, phát huy hiệu quả cao nhất các mối quan hệ hợp tác song phương cũng như với nước thứ ba. Đến nay, hai bên đã triển khai có kết quả một số hợp tác cụ thể trong 6 lĩnh vực kết nối (tài chính, đầu tư, thương mại – dịch vụ, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông – công nghệ thông tin, giáo dục đào tạo). Kết quả nổi bật là Việt Nam đã cấp phép hoặc đang xem xét cấp phép cho một số dự án đầu tư trực tiếp mà Singapore yêu cầu. Đồng thời hai bên đã tiến hành nhiều hoạt động trao đổi thông tin, trao đổi đoàn, tổ chức đào tạo, tập huấn... Tháng 8/2007, nhân chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã nhất trí mở rộng thêm hai lĩnh vực hợp tác là cảng kho vận và phát triển hạ tầng đô thị.

Năm 2008 có ý nghĩa đặc biệt đối với quan hệ hai nước với việc kỷ niệm 35 năm quan hệ song phương Việt Nam-Singapore (8/1973). Mở đầu cho mốc son này là chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Singapore S.R.Nathan tới Việt Nam vào tháng 2. Trước đó, tháng 8/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm chính thức đảo quốc Sư tử.

Các chuyến thăm đã đề ra định hướng lớn cho quan hệ hai bên. Để đưa hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Singapore tiếp tục tăng trưởng mạnh, nhân chuyến thăm, hai bên dự kiến sẽ ký thêm các hiệp định hợp tác mới, trước mắt là Hiệp định Hợp tác Khoa học và Công nghệ. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Singapore những năm gần đây tăng đều, đạt 9,8 tỷ USD năm 2007.

Dự kiến hai nước sẽ đàm phán ký kết các Hiệp định công nhận lẫn nhau (MRA) cho nông sản; tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan đầu mối về thương mại, giúp giải quyết kịp thời các vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời cải thiện tình trạng nhập siêu của Việt Nam (nhập khẩu gấp 3,5 lần xuất khẩu).

Nhà đầu tư đứng số 1 khu vực

Singapore là 1 trong 4 quốc gia ASEAN đi tiên phong trong việc thăm dò thị trường đầu tư Việt Nam từ những năm 1990. Ngay sau đó, lượng vốn đầu tư từ quốc gia này vào Việt Nam đã tăng nhanh chóng, thậm chí cả ở thời điểm xảy ra khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997.

Điểm nhấn trong đầu tư của Singapore vào Việt Nam là sự ra đời của Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Việt Nam – Singapore (VSIP) hơn 10 năm trước. VSIP được coi là lá cờ đầu trong các dự án hợp tác giữa các Chính phủ và là một trong những khu công nghiệp thành công và hiệu quả nhất Việt Nam. Tháng 12/2007, VSIP Bắc Ninh khởi công. Đây là VSIP đầu tiên tại miền Bắc và là dự án thứ ba tại Việt Nam (tiếp theo VSIP 1, 2 tại Bình Dương). Cho đến nay, tổng số vốn đăng ký đầu tư vào VSIP là 2 tỷ USD, đồng thời đang tạo ra công ăn việc làm cho 75.000 lao động.

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp Singapore đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn lên đến trên 10,7 tỷ USD với 543 dự án còn hiệu lực, đứng đầu trong ASEAN và đứng thứ 2 trong số 81 nước và vũng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam. Những động thái tích cực từ Chính phủ hai nước như việc thành lập Ủy ban hợp tác Việt Nam - Singapore (tháng 5/1993) và gần đây nhất là sự ra đời của Ban điều hành chung Việt Nam - Singapore trong lĩnh vực đầu tư, đã góp phần tạo ra những thành tựu và thành công vượt bậc trong hợp tác giữa hai quốc gia.

Tuy nhiên, trong số vốn đăng ký của các dự án đã được cấp phép của Singapore, vốn thực hiện mới đạt trên 4 tỷ USD. Như vậy, hiện còn khoảng 6 tỷ USD vốn cam kết của các nhà đầu tư Singapore chưa thực hiện, đặc biệt trong một số dự án kinh doanh bất động sản. Do đó, việc thúc đẩy các dự án đã được cấp phép triển khai thực hiện sớm là điều hết sức quan trọng.

Phương Nam