📞

Lệnh trừng phạt chống Nga: Phương Tây sắp tung thêm 'quân bài chốt hạ' - ngân quỹ Moscow bay hơi hàng tỷ USD?

Gia An 13:45 | 19/09/2023
Kim cương Nga sẽ bị cấm hoàn toàn ở châu Âu và các nước thuộc Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), kể từ tháng 1/2024.
Một mỏ khai thác kim cương ở thị trấn Mirny, Siberia, Nga. (Nguồn: AP)

Như vậy, hơn 18 tháng sau khi xảy ra xung đột ở Ukraine, các nước G7 (Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, Italy và Canada) và Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã nhất trí cấm vận kim cương của Nga - được coi như "quái vật hồ Loch Ness" của chính sách trừng phạt từ phương Tây đối với Nga.

“Quái vật hồ Loch Ness”?

Một nguồn tin của chính phủ Bỉ cho biết, thông báo chính thức về lệnh trừng phạt mới nhất sẽ được đưa ra trong hai đến ba tuần tới. Theo đó, những viên đá quý lớn hơn 1 carat của Nga, dù ở dạng thô hay đã gia công, sẽ không được vào thị trường G7 và EU kể từ ngày 1/1/2024.

Bỉ khởi xướng lệnh trừng phạt mới nhất này cùng với Ủy ban châu Âu (EC) và Mỹ - thị trường kim cương số 1 thế giới. Dự kiến, hôm nay (19/9, giờ địa phương), Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo sẽ công bố thông tin này bên lề Khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York.

Tuy nhiên, giới chức Bỉ vẫn lo ngại về "số phận" của thành phố Antwerp - trung tâm kim cương của thế giới. Lệnh cấm vận "trực tiếp", theo các quan chức Bỉ, sẽ "giết chết" đô thị này mà vẫn không ngăn được kim cương của Nga chảy qua Dubai, Tel Aviv hay Mumbai, những trung tâm kim cương nổi tiếng khác. Chính Thủ tướng Bỉ cũng từng khẳng định quan điểm - không nên trừng phạt đá quý của Nga. Bởi hơn 80% kim cương thô được bán qua thủ phủ kim cương Antwerp.

Việc mua bán kim cương nguồn gốc từ Nga một cách bí mật, với trị giá hàng trăm triệu USD mỗi tháng, đang gây chia rẽ cả một ngành thương mại toàn cầu, trải dài từ các xưởng cắt ở Mumbai đến những cửa hàng cao cấp trên Đại lộ số 5 của New York.

Từ lúc Tập đoàn khai thác mỏ Alrosa của Nga (khai thác gần một phần ba số kim cương trên thế giới vào năm 2021) bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ, dù một số người trong ngành buộc phải chọn cách từ chối, nhưng sự hấp dẫn của kim cương Nga vẫn thừa sức thuyết phục một số khách hàng Ấn Độ và Bỉ mua vào một lượng lớn. Những thoả thuận như vậy vẫn đang diễn ra một cách lặng lẽ, trong thế giới kim cương nổi tiếng bí mật.

Ngoài ra, trước đây, các nhà buôn phương Tây thường không quá lo lắng về nguồn gốc hàng, vì rủi ro nếu mua đá quý của Nga vẫn khá mơ hồ. Các viên đá quý từ nguồn của Nga, sau khi được đi vào chuỗi cung ứng, gần như không thể nào truy gốc. Kim cương thường được bán thành từng gói với kích thước và chất lượng tương tự nhau, được chia ra khoảng 15.000 chủng loại khác nhau. Chúng sẽ được mua đi bán lại và trộn với các loại khác nhiều lần trước khi gắn vào nhẫn hay mặt dây chuyền.

Nga hiện là nước xuất khẩu kim cương lớn nhất thế giới tính theo số lượng, tiếp sau đó là các nước châu Phi. Đối với Nga, kim cương chỉ đóng góp một phần rất nhỏ trong nền kinh tế Nga, nhưng mặt hàng xa xỉ này của Nga lại có vị trí rất cao trong ngành đá quý thế giới. Chẳng hạn, thương mại kim cương là sinh kế của rất nhiều người làm nghề cắt mài, riêng tại Ấn Độ, nó tạo ra khoảng 1 triệu việc làm.

Năm 2021, thương mại kim cương của Nga trị giá khoảng gần 5 tỷ USD, chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này, không là gì so với dầu mỏ và khí đốt. Trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga đạt 489,8 tỷ USD với dầu khí chiếm tới 240,7 tỷ USD.

Mũi tên trúng hai đích?

Hiện tại, các nước G7 và EU đã nhất trí hai điểm, cần phải tấn công mạnh hơn vào nguồn tài chính Nga, nhưng tránh những tổn thất nặng nề đối với ngành kim cương thế giới, như "thủ phủ kim cương Antwerp" và nhất thiết phải đưa ra hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả để ngăn chặn lệnh cấm vận này có thể "bị lách".

Vấn đề thứ hai sẽ mất thời gian hơn. Sau nhiều tháng thảo luận, quy trình truy xuất nguồn gốc đá quý sắp được phê duyệt - sẽ kết hợp các kỹ thuật blockchain, công nghệ nano, cũng như việc tạo ra một nền tảng dữ liệu có thể truy cập được bởi các chính phủ khác nhau.

Chi phí gia tăng cho việc truy xuất nguồn gốc được tính toán sẽ chỉ ở mức thêm “15 Euro đến 20 Euro” cho mỗi viên kim cương, trong khi một số viên đá được bán với giá vài chục nghìn Euro. “Chúng tôi sẽ sử dụng kỹ thuật của thế kỷ XXI để giải quyết một vấn đề của thế kỷ XXI. Chúng tôi sẽ truy tìm 90% số đá. Chúng tôi không thể ngăn cản một cá nhân đi mua kim cương Nga ở Trung Quốc, nhưng họ sẽ biết rằng, viên đá quý của họ sẽ không có giá trị bao nhiêu khi bán lại", một quan chức Bỉ cho biết.

Cuối cùng, nền tảng mới này có thể sẽ được sử dụng để theo dõi các mặt hàng khác, chẳng hạn như vàng, hoặc thậm chí làm cho một số giao dịch tài chính trở nên minh bạch hơn.

Mục đích của một biện pháp trừng phạt chống Nga mới vẫn là làm cạn kiệt ngân quỹ nhà sản xuất kim cương hàng đầu thế giới. Nhưng một số vấn đề không đơn giản đặt ra về lệnh trừng phạt muộn màng này. Trước khi đưa ra quyết định, các nước phương Tây vẫn khá phân tán do hàng loạt vấn đề liên quan.

Những biện pháp trừng phạt dễ dàng bị "lách". Kim cương - một khi được xử lý ở Dubai hoặc chế tác ở Ấn Độ, đá quý Siberia không khó khăn thâm nhập thị trường khác. Ngay cả khi số lượng của chúng giảm mạnh, đá quý của Nga vẫn được tìm thấy ở châu Âu, đặc biệt hơn là ở Antwerp - nơi gần 85% kim cương thô của thế giới được "quá cảnh" tại đây.

Quốc gia duy nhất thực sự thắt chặt các quy định đối với Nga là Mỹ, khi đã ban hành lệnh cấm vận đối với kim cương thô của Nga.

Đối với "thủ phủ kim cương" Antwerp thì sao? Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, kim cương Nga chiếm hơn 1/3 số đá quý được chế tác tại Antwerp. Thành phố của Bỉ lo ngại sẽ mất 10.000 việc làm trong lĩnh vực này trong trường hợp lệnh trừng phạt đối với kim cương Nga được thực thi. Trước đó, khá nhiều việc làm của Antwerp đã rơi vào tay các trung tâm kim cương khác như Dubai...

Tuy nhiên, giới chức Bỉ hy vọng, Antwerp sẽ hạn chế được thiệt hại và ổn định số lượng việc làm trong lĩnh vực này. Và Brussels sẽ tập trung hơn bao giờ hết vào tính minh bạch của kim cương, để kỳ vọng, lệnh trừng phạt chống Nga dần sẽ mang lại kết quả ở cấp độ quốc tế.

Ngoài ra, các quan chức Bỉ còn đặt mục tiêu - đảo ngược hoàn toàn logic của thị trường. Trong nhiều thập kỷ, do là nguồn cung chính, Nga là người đưa ra các quy định của thị trường. Nhưng với một hệ thống mới, EU muốn các quốc gia mua hàng phải có vai trò lớn hơn. Do đó, cùng với Mỹ (nơi bán 55% kim cương chế tác thô của thế giới), nếu kéo thêm các nước châu Âu, Canada và Nhật Bản vào cuộc chơi, thì gần 75% thị trường mua đá quý toàn cầu sẽ sớm đóng cửa với kim cương Nga.

Giới chức Bỉ dự đoán, trong vài năm tới sẽ có sự tồn tại chung của hai thị trường, một thị trường “cao cấp” không có kim cương Nga và một thị trường thứ cấp - đặc biệt là ở Trung Quốc - nơi kim cương Siberia sẽ được bán “với giá thấp”. Nhưng thị trường thứ hai này sẽ dần dần bị thu hẹp và cuối cùng, doanh thu từ kim cương Nga sẽ "tan như tuyết dưới ánh Mặt Trời".

Như vậy, một mũi tên sẽ trúng hai đích, người Nga sẽ không còn tiền để đầu tư vào việc thăm dò các mỏ mới và sản lượng của họ sẽ giảm mạnh và ngân quỹ Moscow sẽ chính thức bay hơi hàng tỷ USD. Trong khi, các quốc gia khác, như Ấn Độ, thị trường chế tác kim cương lớn nhất thế giới, sẽ phải đưa ra lựa chọn, nếu tôn trọng quy định truy xuất nguồn gốc, Ấn Độ sẽ thâm nhập thị trường “béo bở” của G7 và châu Âu, nếu không sẽ bị loại. Lúc đó, cũng không còn xuất xứ “hỗn hợp” của đá quý - lệnh trừng phạt từ phương Tây đạt mục đích.

Nga,kinh tế Nga,Nga-phương Tây,Nga-EU,Nga-Ukraine,kinh tế Nga 2023,lệnh trừng phạt,trừng phạt Nga,kinh doanh tại Nga,Nga-châu Âu,Nga-Mỹ

(theo Bloomberg, Elpais, TTXVN)