Nga đã cung cấp cho châu Âu khoảng 17 triệu tấn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) vào năm ngoái, tăng khoảng 20% so với khối lượng năm 2021, bù đắp một phần cho sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga, theo dữ liệu công bố của Refinitiv Eikon.
Châu Âu đã và đang tăng cường nhập khẩu LNG vận chuyển bằng đường biển - loại khí được vận chuyển ở dạng lỏng ở nhiệt độ âm 160 độ C (âm 256 độ F) - trong bối cảnh nguồn cung cấp khí đốt từ Nga bị cắt giảm do cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc ở Ukraine.
Lệnh cấm dầu Nga: Greenpeace 'tố' nghịch lý của châu Âu, lý do EU mắc kẹt vì khí đốt, Moscow vẫn cứ xuất hàng. Ảnh: Cảng Antwerp của Bỉ. (Nguồn: Marinelink) |
Đồng thời với việc chấm dứt dòng khí đốt bằng đường ống sang châu Âu, Nga đã tăng tổng xuất khẩu LNG vào năm 2022 thêm 8,6% lên khoảng 33 triệu tấn (khoảng 45 tỷ mét khối), trong đó hơn một nửa được vận chuyển đến châu Âu.
Nghịch lý ở châu Âu
Từ ngày 5/2, dầu của Nga không còn được vào các cảng châu Âu, dù ở dạng thô hay tinh chế (dầu diesel, naphtha, xăng...)
Lệnh cấm vận hai bước được quyết định vào cuối tháng 5/2022 sẽ có hiệu lực đầy đủ. Điều này sẽ chấm dứt việc chuyên chở dầu liên tục giữa các cảng của Bỉ và Nga.
Tuy nhiên, theo số liệu của tổ chức phi chính phủ Greenpeace (Hòa bình xanh), từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine (24/2/2022) đến nay, ít nhất 190 tàu chở dầu chở các sản phẩm dầu mỏ của Nga đã cập cảng Antwerp và Ghent của Bỉ với tổng khối lượng hơn 9,2 triệu m3, chủ yếu là naphta và dầu diesel.
Trong khi kể từ sau ngày 24/2/2022, việc cung cấp khí đốt của Nga cho Liên minh châu Âu (EU) bằng đường ống, trên thực tế đã cạn kiệt. Nhập khẩu LNG của Nga bằng tàu chở hàng đã tăng 36% vào năm 2022 so với năm 2021.
Bỉ đã đóng góp phần lớn vào việc này, vì lượng LNG Bỉ nhập khẩu của Nga đã tăng 28%. Theo số liệu từ Ngân hàng Quốc gia, Bỉ đã nhập khẩu từ tháng 3-10/2022 trị giá 1,6 tỷ Euro LNG của Nga. Điều này được giải thích là do sự hiện diện của cảng khí đốt Fluxys ở Zeebrugge, đóng vai trò là cửa ngõ vào châu Âu để tiếp nhận khí đốt hóa lỏng từ tất cả các nguồn như Mỹ, Qatar...
Trong khi một phần lượng khí đốt này được sử dụng để bù đắp cho khối lượng bị mất ở châu Âu sau khi đóng cửa các đường ống đến từ Nga, một phần khác đã được tái xuất khẩu sang châu Á.
Kể từ năm 2015, một hợp đồng 20 năm đã thực sự liên kết công ty quản lý cảng khí đốt Zeebrugge với Yamal Trade. Công ty Nga này vận chuyển khí hóa lỏng từ Bán đảo Yamal (Siberia) đến Zeebrugge thông qua các tàu chở LNG phá băng.
Khí được bốc dỡ ở đó, sau đó được lưu trữ tạm thời trước khi được bơm vào các tàu chở LNG truyền thống sẽ vận chuyển đến châu Á qua Kênh đào Suez. Việc vận chuyển này chủ yếu diễn ra trong mùa Đông, trong khi các tuyến đường từ Bắc Cực đến châu Á ngắn hơn nhiều nhưng không thể phù hợp đối với các tàu chở LNG của Nga.
Greenpeace cho rằng, trong khi châu Âu áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga để không hỗ trợ tài chính cho Moscow, nhưng mặt khác, tiếp tục đóng góp cho hoạt động buôn bán khí đốt của Nga.
Chưa thể thoát khỏi khí đốt?
Tổ chức phi chính phủ Greenpeace cũng vạch rõ chi phí môi trường của LNG, một loại nhiên liệu mà châu Âu đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn kể từ khi bắt đầu xung đột ở Ukraine, cho dù nó đến từ Nga, Mỹ hay thậm chí Qatar.
Khí LNG có lượng khí thải carbon lớn hơn so với khí đốt tự nhiên “thông thường” và do đó góp phần gây ra khủng hoảng khí hậu nhiều hơn.
Việc chuyển đổi khí đốt tự nhiên thành LNG thực sự đòi hỏi các bước khác nhau tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Điều này đặc biệt đúng đối với hoạt động làm lạnh khí đến -162 độ, để giảm thể tích của nó để dễ dàng vận chuyển và lưu trữ.
Greenpeace ước tính: “Nhập khẩu LNG trung bình của châu Âu (tất cả các nguồn kết hợp lại) tạo ra lượng CO2 từ nguồn đến thị trường cao hơn gấp đôi so với khí đốt của Nga được vận chuyển bằng đường ống”.
Các bước bổ sung này cũng dẫn đến rò rỉ khí methane nhiều hơn trên mỗi đơn vị năng lượng. Tuy nhiên, methane là một loại khí nhà kính thậm chí còn có hại hơn CO2.
Theo ông Mathieu Soete, chuyên gia năng lượng của Greenpeace, việc thay thế khí đốt trong đường ống bằng khí đốt hóa lỏng không phải chuyện nhỏ. Đây là một lượng lớn CO2 và khí methane bổ sung trong khí quyển, trong khi châu Âu cam kết giảm lượng khí thải. Điều này gây nguy hiểm cho các mục tiêu khí hậu đã được thiết lập.
Ông Mathieu Soete còn có cái nhìn không thiện cảm về các khoản đầu tư lớn của một số quốc gia châu Âu như Đức, Hà Lan, Pháp... trong việc xây dựng các cảng khí đốt mới.
"Với những khoản đầu tư này, chúng ta chỉ kéo dài sự phụ thuộc vào LNG thêm 15 năm đến 20 năm nữa, trong khi cuộc khủng hoảng này nên là cơ hội để giải phóng chúng ta khỏi nhiên liệu hóa thạch trong trung và dài hạn.
Thay vì tập trung vào nguồn cung, hãy "chơi" theo nhu cầu. Chúng ta đã giảm được 16% mức tiêu thụ khí đốt ở châu Âu vào năm 2022 nhờ các biện pháp xử lý khủng hoảng. Hãy chuyển sang các biện pháp cấu trúc.
Chúng ta có thể giảm đáng kể nhu cầu khí đốt bằng cách tập trung nhiều hơn vào năng lượng tái tạo và bằng cách theo đuổi một chính sách đầy tham vọng về nhà ở cách nhiệt. Nhưng sau một năm xung đột địa chính trị, vẫn chưa có chương trình nghị sự chính trị cụ thể nào để thoát khỏi khí đốt", ông Mathieu Soete nhận xét.