LNG của Nga tiếp tục chảy đến châu Âu, chủ yếu thông qua các cảng ở Tây Ban Nha, Bỉ và Pháp. (Nguồn: Gazprom) |
Phía Hungary cũng bày tỏ "sự dè dặt đáng kể" về lệnh cấm trên.
Trong các cuộc thảo luận ngoại giao ban đầu vào tuần trước, đặc phái viên hàng đầu của Hungary đã cảnh báo rằng, Budapest sẽ ngăn chặn mọi biện pháp khiến chi phí năng lượng tăng cao hơn ở châu Âu.
Quan chức này nói: "Chúng tôi sẽ phân tích nội dung lệnh trừng phạt nhưng không ủng hộ bất kỳ điều gì có thể có tác động tiêu cực đến thị trường khí đốt của Liên minh châu Âu (EU)".
Các nước thành viên EU hiện đang nghiên cứu gói trừng phạt thứ 14 chống Moscow. Quá trình soạn thảo gói trừng phạt có thể mất vài tuần, trong khi hầu hết các nước đều ủng hộ các biện pháp đã lên kế hoạch, kể cả việc hạn chế xuất khẩu LNG của Nga.
Với gói trừng thứ 14 này, lần đầu tiên EU sẽ nhắm vào lĩnh vực khí đốt của xứ sở bạch dương - điều khối 27 thành viên chưa từng làm trong hơn 2 năm qua.
Moscow từng là nhà cung cấp khí đốt qua đường ống hàng đầu của khối 27 thành viên. Tuy nhiên, sau khi xung đột ở Ukraine bắt đầu diễn ra hồi tháng 2/2022, khối này đã giảm mạnh nhập khẩu khí đốt từ Nga.
Tuy nhiên, các quốc gia thành viên EU vẫn phụ thuộc vào nguồn cung của Moscow.
Theo dữ liệu của Hội đồng châu Âu, về khí đốt qua đường ống và LNG cộng lại, Moscow chiếm khoảng 15% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU trong năm 2023.
LNG của Nga tiếp tục chảy đến châu Âu chủ yếu thông qua các cảng ở Tây Ban Nha, Bỉ và Pháp. Một số sau đó được tái xuất khẩu sang các nước như Italy và Đức.
* Trong một diễn biến liên quan, ngày 22/5, hãng tin RIA dẫn lời Vụ trưởng Vụ châu Âu Bộ Ngoại giao Nga, ông Artyom Studennikov, tuyên bố, Moscow sẽ tìm kiếm các khách hàng mua LNG khác trên thị trường toàn cầu, nếu EU quyết định ngừng nhập khẩu mặt hàng này
Theo ông Studennikov, châu Âu đang "tự bắn vào chân mình".
Tháng trước, Điện Kremlin cũng cho rằng, các biện pháp trừng phạt của khối 27 thành viên nhằm vào nguồn cung LNG của Nga cho thấy, sự cạnh tranh bất hợp pháp và không lành mạnh, khẳng định Moscow sẽ tìm cách vượt qua những trở ngại đó.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói, các ngành công nghiệp và người tiêu dùng tại châu Âu sẽ chịu tổn hại từ lệnh cấm này.