📞

Lệnh cấm vận dầu Nga của phương Tây đang ‘đuối sức’?

Minh Quân 10:30 | 05/02/2023
The Economist (Anh) cho rằng, các đợt cấm vận mới của phương Tây đối với dầu mỏ Nga, có hiệu lực từ ngày 5/2, sẽ không thể gây áp lực với Moscow.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây về dầu mỏ đối với Nga không còn hiệu quả. (Nguồn: Reuters)

Tháng 12/2022, phương Tây tung ra gói trừng phạt trong lĩnh vực năng lượng chưa từng có với một quốc gia nhằm triệt tiêu nguồn thu từ dầu mỏ của Moscow. Chúng bao gồm cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga; ngăn các công ty châu Âu làm trung gian thúc đẩy các thương vụ mua bán dầu Nga, trừ khi hợp đồng mua bán dầu được thực hiện với giá dưới 60 USD/thùng, con số do các nước phương Tây áp đặt.

Sau hơn 2 tháng áp dụng, không ít người cho rằng, mức giá trần này này đã đạt thành công đáng kể. Bên cạnh đó, đợt trừng phạt mới của châu Âu đối với dầu Diesel và các chế phẩm từ dầu mỏ khác chính thức có hiệu lực từ ngày 5/2.

Tuy nhiên, báo cáo của The Economist lại cho thấy, trên thực tế, các đợt trừng phạt đã qua và nhiều khả năng cả đợt trừng phạt mới đã, sẽ không mang lại nhiều tác dụng như tưởng tượng.

Tại sao lại có câu chuyện này?

Khi chiêu cũ là chưa đủ…

Cụ thể, chính sách cấm-và-áp giá tháng 12/2022 đã không ảnh hưởng đáng kể tới sản lượng dầu thô bán ra của Nga. Trên thực tế, trong lúc các doanh nghiệp châu Âu đang loay hoay để tìm cách đáp ứng mức giá trần mới, các tuyến tàu chở dầu đã nhộn nhịp trở lại - với điểm đến là Trung Quốc và Ấn Độ thay vì châu Âu.

Thống kê cho thấy, trong 4 tuần đầu tiên của năm 2023 (tính đến ngày 29/1) xuất khẩu dầu thô của Nga, không bao gồm dầu cpc (một loại dầu pha của Kazakhstan được vận chuyển từ Nga), đạt 3,7 triệu thùng/ngày. Đây là con số cao nhất kể từ tháng 6/2022 và nhiều hơn bất kỳ một tháng nào trong năm 2021.

Những người ủng hộ áp giá trần sẽ cho rằng, đây là bằng chứng cho sự thành công của chính sách này: Bảo đảm nguồn dầu từ Nga tiếp tục lưu thông để ổn định thị trường, nhưng hạn chế giá thành để siết chặt nguồn lợi nhuận chảy về túi Moscow. Họ nhận định, giá trần này sẽ giúp người mua có ưu thế hơn trong thương lượng, trong khi quãng đường vận chuyển dài hơn đồng nghĩa chi phí bến bãi, container và nhiên liệu tăng, buộc Nga sẽ phải bồi thường cho các khách hàng.

Đồng thời, một số khác cũng nhấn mạnh tới sự khác biệt về giá giữa dầu Brent và dầu Ural được các cơ quan phương Tây thống kê. Sự chênh lệch này đã manh nha xuất hiện sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát và hiện đã đạt mức 32 USD/thùng. Như vậy, hiện dầu Nga đang được giao dịch ở mức giá giảm tới 38%.

Ngày 10/1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, người đã đề xuất áp giá trần dầu Nga, cho rằng, chính sách này đang đạt được nhiều bước tiến tích cực.

Biểu đồ của The Economist cho thấy Ấn Độ và Trung Quốc đang thay thế châu Âu trở thành khách hàng mua dầu lớn của Nga. (Nguồn: The Economist)

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, các cơ quan này chưa thay đổi phương thức theo dõi giá cả thị trường, trong bối cảnh dầu Nga không còn được giao dịch ở các kênh công khai mà họ có thể nắm bắt. Giới lọc dầu và các nhà giao dịch ở châu Âu từng chia sẻ thông tin về biến động giá cả, song thị trường Ấn Độ thì không.

Đồng thời, các cơ quan này cũng chỉ dựa vào những chỉ dấu công khai để ước lượng chi phí vận chuyển giữa các cảng phía Tây của Nga và kho chứa châu Âu, song chi phí vận chuyển dầu từ Nga sang châu Á lại thường không được tiết lộ.

Do đó, mức giá giảm được các quan chức phương Tây thống kê là không chính xác và thường bị thổi phòng lên. Trong khi đó, dữ liệu hải quan từ Ấn Độ và Trung Quốc cho thấy, hai nước này đã chi nhiều tiền hơn cho dầu Ural trong mùa Đông hơn bình thường.

Công cuộc nắm bắt giá cả thực sự cũng khó khăn hơn khi tất cả các bên đều có lợi nếu chứng minh rằng mình đã giao dịch dầu ở giá thấp. Doanh nghiệp dầu thô Nga có xu hướng hạ thấp các hóa đơn về, trong khi các nhà lọc dầu Ấn Độ muốn tối đa hóa lợi nhuận trong giao dịch với nhà phân phối.

Đặc biệt, các “cỗ máy xuất khẩu” của Nga đã giảm sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng tài chính, vận chuyển của phương Tây, qua đó thoát khỏi phạm vi trừng phạt.

Các giao dịch ngầm sử dụng hệ thống song song ngày một nở rộ. Trước tháng 12/2022, hơn một nửa giao dịch dầu thô từ cảng phía Tây của Nga được triển khai thông qua một doanh nghiệp vận tải hoặc tài chính châu Âu. Tuy nhiên, con số này hiện chỉ còn ở mức 36%.

Trước tháng 12/2022, hơn một nửa giao dịch dầu thô từ cảng phía Tây của Nga được triển khai thông qua một doanh nghiệp vận tải hoặc tài chính châu Âu. Tuy nhiên, con số này hiện chỉ còn ở mức 36%.

…liệu sách mới có khác?

Liệu các đợt trừng phạt mới nhắm vào dầu tinh chế sẽ khiến Nga tổn hại hơn? Thoạt nhìn, chúng được coi là có thể tác động đáng kể tới xuất khẩu dầu Diesel và một số chế phẩm khác trong ngắn hạn.

Theo đó, từ ngày 5/2/2023, châu Âu dừng việc mua các sản phẩm này, đồng thời buộc các doanh nghiệp vận chuyển và bảo hiểm cho những mặt hàng nêu trên phải tuân thủ quy định về giá trần.

Nga sẽ không dễ tìm những khách hàng mới để bù đắp cho sự thiếu hụt do châu Âu để lại: Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có nhà máy lọc dầu của riêng mình, trong khi thay thế các tàu chở dầu của châu Âu là công việc không hề đơn giản. Việc hàng loạt chế phẩm từ dầu mỏ, hiện chiếm tới 1/3 thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ của xứ bạch dương, vắng người mua có thể khiến cho giá cả toàn cầu tăng.

Tuy nhiên, qua thời gian, các tác động này sẽ dần phai nhạt. Một khi không thể bán được dầu tinh chế, Nga có thể sẽ tăng xuất khẩu dầu thô, qua đó tiếp tục thúc đẩy các giao dịch ngầm.

Ở chiều ngược lại, không loại trừ khả năng châu Âu sẽ quay sang Trung Quốc và Ấn Độ để tìm kiếm nguồn dầu Diesel, dù chúng được sản xuất từ dầu thô của Nga. Một khi dòng dầu của Moscow chảy ra khỏi tầm kiểm soát của phương Tây, các biện pháp cấm vận sẽ ngày một ít tác dụng.

Giới phân tích nhận định, các lệnh trừng phạt sẽ không thể thay thế cho viện trợ tài chính và quân sự dành cho Ukraine. Cấm vận dầu Nga sẽ không thể thay đổi cục diện xung đột hiện nay.

(theo The Economist)