Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) ở Saint Petersburg, 17/6/2022. (Nguồn: Reuters) |
Một nhóm doanh nhân ưu tú mới của Nga đã nhanh chóng nổi lên và hưởng lợi từ những khoảng trống còn lại khi các doanh nghiệp quốc tế đột ngột rút lui khỏi thị trường Nga, sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, hồi tháng 2/2022.
Làn sóng doanh nhân mới đã sớm chộp được "thời cơ bất ngờ" và nhanh chóng nắm giữ khối tài sản khổng lồ với giá tốt, ngay sau khi các công ty đa quốc gia buộc phải rời đi do không chịu được áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây và các nhà đầu tư của chính họ.
Theo ước tính từ Cơ quan Nghiên cứu và tin tức AK&M, Tập đoàn thức ăn nhanh McDonald's Corp., Tập đoàn đóng gói Ball Corp. và Nhà sản xuất hóa chất Henkel AG nằm trong số những công ty đã bán doanh nghiệp trị giá ít nhất 21 tỷ USD vào năm 2022 và nửa đầu năm nay.
Có thể đây chính là một ví dụ điển hình về cách xung đột quân sự đang định hình lại thế giới kinh doanh của Nga như thế nào – những người mua không đến từ tầng lớp giàu có nhất đất nước và hầu hết cũng chưa có tên tuổi ở nước ngoài.
Tất nhiên, họ cũng đã có bề dày kinh nghiệm kinh doanh trong nhiều thập kỷ, một số họ tự gây dựng sự nghiệp, một số khác có thể đã chọn cách đi bên cạnh các tỷ phú nổi tiếng. Nhưng không giống hầu hết lớp tinh hoa cũ, họ chưa bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ hoặc EU.
Những đại gia mới là những người được hưởng lợi từ việc kinh tế Nga ngày càng "hướng nội" sâu sắc hơn trong làn sóng tái phân phối tài sản. Nếu hơn ba thập kỷ trước, sau khi Liên Xô sụp đổ, những nhà tài phiệt Nga đầu tiên gây dựng sự nghiệp từ tài nguyên và ngân hàng. Hiện nay, lớp tinh hoa mới đang nổi lên nhờ thời cơ đến "bất thình lình" dưới thời Tổng thống Putin.
Ivan Tavrin, cựu Giám đốc một công ty di động Nga và từng là đối tác cũ của tỷ phú Alisher Usmanov, gần đây đã chi hơn 2 tỷ USD vào Avito - trang rao vặt phổ biến nhất ở Nga, thuộc sở hữu của một trong những nhà đầu tư công nghệ lớn nhất trên thế giới - Prosus NV (Hà Lan). Doanh nhân này cũng mua nhiều loại tài sản khác và trở thành nhà giao dịch thời bất ổn lớn nhất nước Nga cho đến nay.
Tập đoàn Arnest của Alexey Sagal trước đây vốn chỉ chuyên về nước hoa và mỹ phẩm, vào tháng 9 năm ngoái đã mua lại khối tài sản của Ball Corp. (Mỹ) chuyên về bao bì đồ uống. Mới đây, Tập đoàn này lại mua thêm các hoạt động tại Nga của Heineken NV, bao gồm 7 nhà máy bia, với giá 1 Euro vào hồi tháng 8 vừa qua.
Vợ của tỷ phú Sagal - Elena từng là Tổng giám đốc của Arnest, trước khi giữ chức thượng nghị sĩ ở Thượng viện Quốc hội với tư cách là thành viên của đảng cầm quyền trong vài năm, cho đến năm 2012
Alexander Govor là một trong những nhà đầu tư đầu tiên nhảy vào "lấp các chỗ trống" sau khi các công ty nước ngoài bắt đầu rời đi. Doanh nhân này đã mua lại doanh nghiệp McDonald's (Mỹ) ở Nga vào tháng 5/2022 và các nhà máy đóng gói vào hồi tháng 9. Govor là đối tác nhượng quyền của chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, sau đó đã nhanh chóng mua lại toàn bộ mạng lưới 850 nhà hàng tại Nga. Đây là một bước nhảy vọt, so với việc chỉ vận hành 25 nhà hàng trước đây.
Tài sản của tỷ phú Govor bắt nguồn từ việc ông nắm giữ Yuzhkuzbassugol - một trong những nhà sản xuất than cốc lớn nhất của Nga. Ông rời công ty vào năm 2007 sau hai vụ tai nạn nổ mỏ, bán hết cổ phần cho Evraz - nhà sản xuất thép thuộc sở hữu một phần của vị tỷ phú nổi tiếng Roman Abramovich. Nhiều năm sau, doanh nhân này trở thành đối tác nhượng quyền của McDonald’s tại Nga.
Ở một nơi khác, doanh nghiệp địa phương do tỷ phú Timur Gabidullin đứng đầu đã mua lại nhà máy giấy và bột giấy của thương hiệu đình đám chuyên về giấy - Sylvamo Corp. (Mỹ)
Người phát ngôn của Govor, Tavrin, Sagal và Gabidullin đã không trả lời yêu cầu bình luận từ truyền thông.
Tuy nhiên, một số ông trùm đã thành danh cũng tìm cách hưởng lợi từ sự di cư của các doanh nghiệp quốc tế. Trước khi tỷ phú Vladimir Potanin, người giàu nhất nước Nga bị Mỹ và Anh trừng phạt, ông đã kịp mua lại Rosbank PJSC từ Công ty Dịch vụ tài chính đa quốc gia Societe Generale SA. (Pháp).
Tỷ phú Andrey Komarov đã mua ba nhà máy ở Nga từ Công ty bao bì toàn cầu Amcor Plc (Australia) với giá khoảng 370 triệu Euro (395 triệu USD).
Ngoài ra, có một số tài sản đã được chuyển giao cho các đồng minh quyền lực của chính phủ với lý do được thưởng. Chẳng hạn, mùa Hè vừa qua, chính phủ đã trực tiếp bổ nhiểm người nắm quyền kiểm soát các công ty địa phương của Doanh nghiệp thực phẩm đa quốc gia Danone SA (Pháp) và bia Carlsberg A/S (Đan Mạch).
Những hạn chế đối với bất kỳ ai muốn bán các doanh nghiệp tại Nga sẽ còn tiếp tục có lợi cho những người mua mới. Năm 2022, Điện Kremlin cấm các nhà đầu tư nước ngoài bán tài sản tại Nga mà không có sự chấp thuận của một Ủy ban đặc biệt của chính phủ. Và lệnh bán tài sản thường chỉ được đồng ý với giá chiết khấu ít nhất 50% giá trị thị trường, trong bối cảnh nền kinh tế nước này phải tìm cách cản các công ty nước ngoài mang vốn chạy khỏi Nga, trước sức ép của 11 vòng trừng phạt từ Mỹ và phương Tây.
Theo các quy định được đưa ra hồi đầu năm 2023, các doanh nghiệp quốc tế muốn bán tài sản của họ ở Nga phải đóng góp bắt buộc vào ngân sách, ngay cả khi họ bán chúng với một khoản tiền tượng trưng hoặc miễn phí.
Chuyên gia Alexander Isakov của Bloomberg Economics nhận định, khi các doanh nhân địa phương mua lại tài sản do nước ngoài nắm giữ, sự quan tâm là họ đang cố gắng nắm bắt những thị trường cao cấp mà trước đây rất khó để gia nhập.
Tuy nhiên, “các thương vụ này thường không còn nhiều không gian để tăng quy mô sản lượng, do đó có ít động lực để tăng đầu tư hoặc thu hút vốn. Nhưng kỳ vọng, việc mua lại này sẽ dẫn đến sự tập trung thị trường cao hơn, tăng tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệ, chuyên gia Isakov phân tích.