📞

Lệnh trừng phạt Nga 'tiếp tay' cho BRICS, rời xa đồng USD không phải việc dễ dàng

Linh Chi 10:06 | 26/06/2023
Trong bối cảnh các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sau chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã đẩy nhanh quá trình này.
Đồng USD được mệnh danh là “vua của các loại tiền tệ” và trao cho Mỹ quyền lực đáng kể đối với các nền kinh tế khác. (Nguồn: iStock)

Thêm vào đó, lãi suất tăng cùng với cuộc khủng hoảng nợ trần gần đây ở Mỹ đã làm dấy lên mối lo ngại của các quốc gia khác về khoản nợ bằng đồng USD và sự sụp đổ của đồng tiền này nếu nền kinh tế hàng đầu thế giới vỡ nợ.

BRICS nỗ lực rời xa USD

Với 88% giao dịch quốc tế được thực hiện bằng USD và đồng bạc xanh chiếm 58% dự trữ ngoại hối toàn cầu, sự thống trị toàn cầu của đồng tiền này là không thể chối cãi. Tuy nhiên, vấn đề phi USD hóa hoặc giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào đồng bạc xanh trong thương mại và tài chính quốc tế đã được đẩy nhanh sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Các nước BRICS đã và đang theo đuổi một loạt các sáng kiến ​​nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

Trong năm qua, Nga, Trung Quốc và Brazil đã chuyển sang sử dụng nhiều hơn các loại tiền tệ không phải là đồng bạc xanh trong các giao dịch xuyên biên giới. Trong khi đó, Iraq, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang tích cực khám phá các lựa chọn thay thế đồng nội tệ của Mỹ.

Về phía Nga, các quan chức nước này đã ủng hộ việc phi USD hóa để xoa dịu nỗi đau từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Do lệnh trừng phạt, các ngân hàng Nga không thể sử dụng SWIFT - hệ thống nhắn tin toàn cầu cho phép thực hiện các giao dịch ngân hàng. Năm ngoái, phương Tây đã đóng băng 330 tỷ USD dự trữ của Nga.

Vào tháng 4/2023, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cũng đã lên tiếng chỉ trích việc sử dụng đồng USD trong thương mại toàn cầu.

Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng, Ngân hàng Phát triển mới (NDB) cần phải có một loại tiền tệ của riêng mình nhằm tài trợ cho các giao dịch thương mại giữa Brazil và các thành viên khác trong khối.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã bày tỏ rõ ràng mối lo ngại với sự thống trị của đồng USD khi tuyên bố, đồng tiền này là “nguồn gốc chính của sự bất ổn và không chắc chắn trong nền kinh tế thế giới”.

Tham vọng tiền tệ mới chưa thành hiện thực

Ngay từ khi thành lập, BRICS đã tích cực thúc đẩy thương mại giữa các quốc gia trong khối sử dụng đồng nội tệ. Do đó, nếu các quốc gia BRICS tiếp tục kế hoạch và tạo ra một loại tiền tệ mới, điều đó có thể giúp ổn định nền kinh tế, cải thiện niềm tin của khách hàng đối với khoản đầu tư của các quốc gia trong khối. Điều này sẽ giúp tăng chi tiêu và phát triển kinh tế.

Song song với đó, biến động tỷ giá của các đồng nội tệ so với đồng Euro và USD là một trở ngại đáng kể đối với các quốc gia BRICS trong năm gần đây. Trong năm 2022, đồng USD giảm giá so với đồng Ruble và đồng Real. Trong khi đồng Euro đã giảm giá so với tất cả các loại tiền tệ của BRICS.

Các quốc gia thành viên muốn thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ trong thương mại song phương để tạo ra một môi trường kinh tế an toàn. Bằng cách áp dụng một loại tiền tệ duy nhất, các quốc gia có thể hạn chế tính nhạy cảm đối với biến động tiền tệ và thay đổi lãi suất, từ đó, cải thiện sự ổn định kinh tế và giảm khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính.

Ngoài ra, khái niệm về một loại tiền tệ duy nhất có khả năng trở thành một giải pháp thay thế toàn cầu cho đồng USD và là mối nguy hiểm trực tiếp đối với đồng bạc xanh.

Đồng USD được mệnh danh là “vua của các loại tiền tệ” và trao cho Mỹ quyền lực đáng kể đối với các nền kinh tế khác. Trên thực tế, Mỹ có truyền thống sử dụng các biện pháp trừng phạt để đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng đồng ý với các quy định của Mỹ, vì vậy, Nga và Trung Quốc mong muốn chấm dứt quyền bá chủ của đồng USD.

các nỗ lực phi USD hóa đang gặp khó khăn cả ở cấp độ đa phương và song phương.

Vào năm 2014, khi các quốc gia BRICS ra mắt NDB, thỏa thuận thành lập của ngân hàng đã chỉ rõ, các hoạt động có thể cung cấp tài chính bằng đồng nội tệ. Tuy nhiên, đến năm 2023, ngân hàng vẫn phụ thuộc rất nhiều vào đồng USD để tồn tại.

Những thách thức tương tự tồn tại trong việc theo đuổi phi USD hóa trong giao dịch thương mại song phương. Đơn cử như Nga và Ấn Độ đã tìm cách phát triển một cơ chế giao dịch bằng đồng nội tệ, cho phép các nhà nhập khẩu của New Delhi thanh toán tiền mua dầu và than giá rẻ của Moscow bằng đồng Rupee. Tuy nhiên, ý tưởng đó đến nay vẫn chưa được thực hiện.

(theo Fortune, Eurasia Review)