📞

Lệnh trừng phạt thứ 6 - EU áp đảo Nga hay ra 'đòn hạ gục' thế giới, phương Tây đã hết cách?

Chu Văn 14:48 | 12/06/2022
Các gói trừng phạt mới khó có thể áp đảo nền kinh tế Nga và quan trọng hơn, chúng không có khả năng thay đổi đường lối chính trị của Moscow?
Lệnh trừng phạt thứ 6 áp đảo thế giới nhiều hơn đối với Nga, phương Tây đã hết cách? (Nguồn: Raillynews)

Vòng luẩn quẩn, lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây càng khắc nghiệt, ‘ác mộng giá dầu’ với thế giới càng dài, lạm phát hoành hành toàn cầu, túi Nga càng đầy.

Do giá dầu thế giới tăng quá cao đã đủ bù đắp tác động của các nỗ lực từ phương Tây nhằm hạn chế doanh số bán hàng của Nga. "Moscow có thể đang thu về nhiều tiền hơn từ việc bán nhiên liệu hóa thạch, hơn cả trước khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine", Đặc phái viên an ninh năng lượng Mỹ Amos Hochstein đã thông báo với các nhà lập pháp trong phiên điều trần mới đây như vậy.

Báo Le Figaro trích dẫn báo cáo của CyclOpe (Pháp) - công ty chuyên phân tích thị trường nguyên liệu và hàng hóa thế giới, cho rằng, sau khi giá cả tăng mạnh ở thời điểm kinh tế bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã gây ra một trận địa chấn thực sự, khi khiến giá xăng, dầu, kim loại và ngũ cốc tăng vọt. Vấn đề là hậu quả của cú sốc này có thể kéo dài không biết khi nào kết thúc. Báo cáo khẳng định sự hỗn loạn hiện nay, với rất nhiều tác nhân đan xen, cho thấy thế giới sẽ chưa thể sớm trở lại bình thường như nhiều người từng hy vọng cách đây vài tháng.

Phương Tây cạn kiệt lệnh trừng phạt?

Sau nhiều cuộc thương lượng kéo dài, Brussels đã có thể đạt được đồng thuận, gói thứ sáu” trừng phạt chống lại Nga. Trong đó, đặc điểm nổi bật, dầu và các sản phẩm dầu của Nga hiện bị cấm nhập khẩu vào EU, mặc dù có một số điều kiện đi kèm. EU tiếp tục chính sách nhất quán là loại bỏ năng lượng Nga ra khỏi thị trường của mình.

Trước đó, Brussels đã cấm cung cấp than Nga. Hạn chế về khí đốt sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực và chi phí hơn, nhưng trong tương lai cũng không loại trừ khả năng này.

Đối với Nga, việc mất một phần thị trường dầu của EU là một tin bất lợi, nhưng đã được dự đoán từ lâu. Moscow sẽ buộc phải chuyển sản lượng dầu của mình sang các thị trường châu Á, bán dầu với giá chiết khấu. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại của “thị trường nhà cung cấp”, thậm chí việc chuyển giao sản lượng như vậy cũng khó có thể dẫn tới việc sụt giảm doanh thu một cách đáng kể.

Trong ngắn hạn, các biện pháp trừng phạt mới của EU đối với nền kinh tế Nga sẽ có rất ít tác động, đặc biệt là đối với các trường hợp ngoại lệ đã nêu trên.

Các biện pháp khác của gói trừng phạt thứ sáu thậm chí còn ít quan trọng hơn. Việc ba ngân hàng Nga bị ngắt kết nối khỏi SWIFT không tạo ra khác biệt lớn đối với hệ thống tài chính Nga, đặc biệt là trước các lệnh trừng phạt đã được áp đặt trước đó.

Lệnh cấm cung cấp dịch vụ tư vấn sẽ làm hài lòng các đối thủ cạnh tranh Nga của các công ty châu Âu. Việc mở rộng danh sách trừng phạt ngăn chặn cá nhân đối với quan chức cấp cao, quân đội và thành viên gia đình họ không hề ảnh hưởng tới kinh tế.

Việc trừng phạt Kamaz, Sukhoi và các công ty khác đều gây khó chịu, nhưng rõ ràng đó chỉ là vấn đề thời gian. Hơn nữa, các lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng đến nhiều công ty bị hạn chế trước đó dưới hình thức cấm xuất khẩu.

Khoảng thời gian thông qua các biện pháp trừng phạt mới tạo ra cảm giác về sự cạn kiệt các công cụ trừng phạt của EU và phương Tây nói chung. Ấn tượng này xa với thực tế. Phương Tây có thể tiếp tục mở rộng danh sách các cá nhân bị trừng phạt hoặc các biện pháp siết chặt kiểm soát xuất khẩu.

Các gói tiếp theo sẽ kém ấn tượng hơn, nhưng sẽ gây hại cho các doanh nghiệp và lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế. Việc mở rộng các biện pháp trừng phạt thứ cấp và “đóng lại” các cách thức để né tránh các biện pháp trừng phạt vẫn có thể được áp dụng. Các biện pháp trừng phạt thứ cấp, điều tra hình sự và hành chính đối với việc vi phạm các biện pháp hạn chế, khiến các đối tác của Nga ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nước thân thiện khác lo ngại.

Có rất ít tiền lệ về các biện pháp trừng phạt thứ cấp, nhưng chúng rất đáng lo ngại. Ví dụ, vào năm 2019, công ty COSCO Shipping Tenker của Trung Quốc đã bị Mỹ trừng phạt vì bị cáo buộc vận chuyển dầu của Iran. Công ty này đã phải xoay sở để thoát khỏi các biện pháp trừng phạt khá nhanh bằng các biện pháp hành chính, nhưng trên thực tế chính sự kiện này đã trở thành một tín hiệu quan trọng cho hoạt động kinh doanh của Trung Quốc.

Các tài sản liên quan đến Nga cũng bị trừng phạt thứ cấp, ví dụ như ngân hàng Nga-Venezuela Eurofinance Mosnarbank hay công ty Nga-Thụy Sỹ TNK-Trading và Rosneft Trading. Rủi ro về tiền phạt và truy tố hình sự thậm chí còn đáng sợ hơn đối với doanh nghiệp.

Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc ZTE đã trả hơn 1 tỷ USD cho chính quyền Mỹ để lách các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, trong khi Giám đốc tài chính tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, Mạnh Vãn Châu, đã bị quản thúc gần 3 năm tại Canada. Số vụ việc bị xử lý hành chính, hình sự về các vấn đề liên quan này mỗi năm ước tính hàng chục vụ.

Có cơ hội để thành công

Đối với các quốc gia thân thiện với Nga, các lệnh trừng phạt dẫn đến một nghịch lý. Chính phủ của họ không tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Nhưng các doanh nghiệp lớn có cổ phần tại thị trường Mỹ hoặc EU nhìn chung tuân thủ các cơ chế trừng phạt được áp dụng tại đó.

Tuy nhiên, không thể tuyệt đối hóa rủi ro này. Ví dụ, các công ty Trung Quốc sẽ làm việc với Nga ở nơi không có các thành phần phương Tây trong hàng hóa hoặc nghĩa vụ giấy phép. Động lực như vậy sẽ tăng mạnh khi các giao dịch bằng đồng NDT và đồng Ruble được thiết lập, không cần thông qua SWIFT.

Các gói trừng phạt mới khó có thể áp đảo nền kinh tế Nga và quan trọng hơn, chúng không có khả năng thay đổi đường lối chính trị của Moscow. Bất chấp tất cả những tổn thất từ sự rạn nứt trong quan hệ với phương Tây, người khổng lồ Nga vẫn kiên cường tiến về phía trước.

Với mức độ đối đầu hiện nay, không có dấu hiệu nào cho thấy việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy nhượng bộ chính trị.

Đặc biệt là với kinh nghiệm của Iran, quốc gia vào năm 2015 đã quyết định từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, nhưng sau đó lại đối mặt với toàn bộ kho vũ khí trừng phạt của Mỹ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Nga không còn cách nào khác là tìm kiếm cơ hội mới tại thị trường châu Á. Với tất cả những khó khăn và mối đe dọa hiện hữu, họ sẽ phải gấp đôi sự cố gắng, những nỗ lực như vậy không phải không có cơ hội để thành công.

(theo RIAC, Le Figaro)