Trong tuyên bố ngày 24/3, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh, hơn 6 năm sau khi giành được độc lập, tất cả sự lạc quan, hy vọng của cộng đồng quốc tế về phát triển ở Nam Sudan đã bị phá vỡ bởi sự chia rẽ nội bộ, cạnh tranh quyền lực và những hành vi vô trách nhiệm của một số lãnh đạo của chính quyền và phe phái đối lập ở quốc gia trẻ nhất thế giới này. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng và nạn đói đang hoành hành ở quốc gia Đông Phi này hiện nay.
Khủng hoảng nhân đạo trầm trọng và nạn đói đang hoành hành ở Nam Sudan. (Nguồn: Pinterest) |
Ông Guterres nêu rõ Hội đồng Bảo an (HĐBA) cần đưa ra những biện pháp khẩp cấp và cứng rắn để buộc các lực lượng của Tổng thống Salva Kiir và thủ lĩnh phe đối lập Riek Machar khôi phục lệnh ngừng bắn, đối thoại chính trị và tuân thủ Thỏa thuận hòa bình năm 2015.
Trước đó, HĐBA đã kêu gọi tất cả các bên ngừng bắn ngay lập tức và tập trung giải quyết tình trạng thiếu lượng thực trầm trọng và nạn đói đang hành hành tại nước này, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng quốc tế thực hiện các biện pháp cứu trợ nhân khẩn cấp tại đây.
Tháng 12/2016, Mỹ đã yêu cầu HĐBA ban hành lệnh cấm vận vũ khí, phong tỏa tài sản và cấm xuất cảnh đối với một số quan chức cao cấp chính quyền Nam Sudan và nhân vật đối lập của quốc gia Đông Phi này, song không thành công. Mới đây, Mỹ, Anh và Pháp đã đề nghị HĐBA xem xét lệnh trừng phạt và cấm vận vũ khí đối với Nam Sudan.
Nam Sudan đã rơi vào nội chiến kéo dài kể từ tháng 12/2013, sau khi Tổng thống Salva Kiir cáo buộc cựu Phó Tổng thống, đồng thới là thủ lĩnh phe đối lập, Riek Macharâm mưu đảo chính. Với sự trung gian của LHQ và Mỹ, một thỏa thuận hòa bình đã ký kết vào tháng 8/2015 và một chính phủ hòa hợp dân tộc chuyển tiếp được thành lập vào tháng 4/2016, nhưng một lần nữa thỏa thuận hòa bình đã bị đổ vỡ và bạo lực tái bùng phát từ tháng 7/2016 đến nay.