Trong thông điệp ngày 6/11, TTK Ban Ki-moon nhấn mạnh rằng tình trạng quản lý lỏng lẻo môi trường và tài nguyên thiên nhiên cũng có thể góp phần châm ngòi cho xung đột do những bên tham chiến có thể khai thác tài nguyên để có tiền nuôi "cỗ máy chiến tranh".
Hình minh họa. (Nguồn: World Bank) |
Ngược lại, cũng có nhiều ví dụ cho thấy tài nguyên thiên nhiên đóng vai trò chất xúc tác cho hợp tác hòa bình, gây dựng lòng tin và giảm bớt nghèo đói. TTK lưu ý rằng sau các cuộc xung đột, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, như đất đai, gỗ khoáng sản, dầu và khí đốt thường là những tài sản chính mà các chính phủ cần để hỗ trợ kế sinh nhai cho người dân và vực dậy nền kinh tế. Cách thức chính phủ quản lý các nguồn tài nguyên thiên có thể làm thay đổi một cách căn bản tiến trình tái thiết hòa bình hậu xung đột.
Do đó, các quốc gia cần phải chung tay góp sức đấu tranh với các tội phạm môi trường, chấm dứt tình trạng khai thác trái phép các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện tính minh bạch, chia sẻ lợi ích một cách công bằng hơn và khuyến khích phụ nữ, người dân bản xứ và những nhóm người dễ bị tổn thương tham gia quá trình ra quyết sách.
TTK Ban Ki-moon cũng cho biết Ủy ban Luật pháp quốc tế của LHQ đang rà soát khuôn khổ luật pháp để đưa ra những hướng dẫn nhằm hỗ trợ tốt hơn việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là tại các khu vực cần được bảo vệ, và những địa điểm nhạy cảm về môi trường, nhất là các nguồn nước uống có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với con người.
Ngày Thế giới ngăn chặn tình trạng khai thác môi trường trong bối cảnh chiến tranh và xung đột có vũ trang được tổ chức vào ngày 6/11 hàng năm nhằm nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động để bảo vệ môi trường trong chiến tranh.