Trong một tuyên bố, Người Phát ngôn của ông Lajcak cho biết, theo Tuyên bố New York về người tị nạn và di cư năm 2016, tất cả nước thành viên LHQ đều thừa nhận rằng không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự giải quyết được vấn đề người di cư.
Phái bộ Mỹ tại LHQ thông báo Mỹ rút khỏi GCM, một hiệp ước của LHQ nhằm cải thiện tình hình người di cư và tị nạn. (Nguồn: BAMA) |
Cũng theo Tuyên bố này, các quốc gia thành viên cam kết tăng cường công tác quản lý toàn cầu về vấn đề di cư, đồng thời nhất trí khởi động tiến trình tiến tới chính thức phê chuẩn hiệp ước này vào năm 2018. Mỹ đóng vai trò then chốt trong tiến trình này vì có truyền thống “chào đón” mọi người dân ở khắp nơi trên thế giới và vẫn là nơi có số lượng người di cư lớn nhất trên toàn cầu. Vì vậy, Mỹ có đủ kinh nghiệm để giúp đảm bảo rằng tiến trình trên sẽ thành công.
Chủ tịch ĐHĐ LHQ lấy làm tiếc về quyết định trên của Mỹ. Theo ông Lajcak, di cư là một vấn đề toàn cầu, đòi hỏi nỗ lực ứng phó tập thể của tất cả các nước trên thế giới và sự hợp tác giữa các quốc gia vẫn được xem là cách thức tốt nhất để giải quyết thách thức mang tính toàn cầu này. Do đó, dù Mỹ rút khỏi GCM, LHQ vẫn tiếp tục theo đuổi các nỗ lực cải thiện cuộc sống của hàng triệu người di cư trên toàn thế giới.
Trong khi đó, Người Phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ, ông Farhan Aziz Haq cũng bày tỏ lấy làm tiếc về việc Mỹ rút khỏi GCM, song cho rằng chính quyền Washington vẫn còn thời gian để quay lại hiệp ước này.
Trước đó, ngày 2/12, Phái bộ Mỹ tại LHQ thông báo Mỹ rút khỏi GCM - một hiệp ước của LHQ nhằm cải thiện tình hình người di cư và tị nạn - với lý do hiệp ước này "không phù hợp" với các chính sách của Mỹ.
Theo chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã rút khỏi một số cam kết quốc tế mà nước này tham gia dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Gần đây nhất, Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa LHQ (UNESCO).
Tháng 9/2016, 193 thành viên ĐHĐ LHQ đã nhất trí thông qua Tuyên bố New York về người tị nạn và di cư, một tuyên bố chính trị không mang tính ràng buộc, theo đó cam kết tôn trọng quyền của người tị nạn, giúp đỡ họ tái định cư và đảm bảo quyền tiếp cận với giáo dục và việc làm.