Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Thụy Sĩ, ông Kobler nêu rõ: "Trong tình hình hiện nay, Libya đang rơi vào bế tắc chính trị nghiêm trọng, cùng lúc nước này cũng đang chứng kiến những diễn biến quân sự nguy hiểm".
Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Libya, ông Martin Kobler. (Nguồn: WSJ) |
Đề cập việc các lực lượng của Tướng Marshal Khalifa Haftar, nhân vật ủng hộ chính phủ ở miền Đông Libya và không công nhận Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA), giành quyền kiểm soát các hạ tầng dầu mỏ chủ chốt ở miền Đông, ông Kobler cũng nhấn mạnh tình trạng gia tăng xung đột quân sự nguy hiểm giữa lực lượng trung thành với GNA và các phiến quân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở thành phố Sirte, khiến gần 600 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương trong thời gian qua. Ông cũng cảnh báo không nên đánh giá thấp nguy cơ leo thang căng thẳng tại thủ đô Tripoli.
Đặc phái viên LHQ nhấn mạnh, tình trạng xung đột vũ trang xảy ra triền miên tại Libya tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Hiện hàng trăm gia đình vẫn đang mắc kẹt tại các vùng chiến sự ở thành phố Benghazi, miền Đông Libya. Cuộc sống của những gia đình này hết sức khó khăn vì thiếu lương thực, điện - nước sinh hoạt và chăm sóc y tế.
Theo Đặc phái viên Kobler, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bất ổn chính trị và xung đột, Chính phủ Libya vẫn phải chi 93% ngân sách cho các chương trình trợ cấp và tiền lương, trong đó nhiều thành viên thuộc các nhóm vũ trang không nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ cũng được trả lương.
Tướng Marshal Khalifa Haftar. (Nguồn: Waron the Rocks) |
Trong một diễn biến liên quan, Tướng Haftar mới đây tuyên bố bác bỏ GNA và khẳng định quân đội của ông chỉ công nhận chính quyền ở miền Đông. Hiện tại, GNA ở Tripoli và chính phủ ở miền Đông chia rẽ sâu sắc về vai trò tương lai của ông Haftar.
Tại miền Đông, ông Haftar được xem là một nhà lãnh đạo quân sự mạnh mẽ và có nhiều kinh nghiệm, người có thể đánh bại IS và khôi phục trật tự tại quốc gia Bắc Phi giàu dầu mỏ này. Trong khi đó, ở miền Tây Libya, nơi các nhóm vũ trang Hồi giáo ủng hộ GNA đang kiểm soát, ông Haftar bị coi là tàn dư của chính quyền Muammar Gaddafi.