Nhà quay phim Nguyễn Văn Giá bên chiếc máy quay Konvat năm 1961. (ảnh do gia đình cung cấp). |
Với một phóng viên trẻ, sinh ra và lớn lên trong thời bình, đề tài viết về chân dung một người đã khuất trong chiến tranh là điều không hề dễ dàng. Nhất là khi tôi có mặt trong căn phòng nhỏ ngăn nắp của gia đình chị Bùi Ngọc Hiên (vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Giá) để cùng chị ôn lại những ngày tháng khốc liệt của đất nước hơn 40 năm về trước...
Quá khứ đã ngủ yên, một lần nữa lại như được tái hiện trong căn phòng nhỏ đầy ắp kỷ niệm ở Hà Nội - xuyên qua trường không gian, đi ngược chiều thời gian. Hai người, thuộc hai thế hệ, không thể ngăn được những giọt nước mắt nghẹn ngào khi nhớ về Anh - người phóng viên, người lính anh dũng tác nghiệp giữa ranh giới của sự sống và cái chết để ghi lại những hình ảnh của lịch sử.
Người làng ảnh say nghề
Nguyễn Văn Giá sinh ra ở làng nghề truyền thống nhiếp ảnh Lai Xá (Hà Tây cũ). Tuổi thơ gắn liền với những thước phim cùng các kỹ thuật chấm màu, rửa ảnh... đã gieo vào tâm hồn cậu bé Giá niềm đam mê lưu giữ những khoảnh khắc của thời gian và trở thành cái nghiệp mà anh theo đuổi cả cuộc đời.
Chị Bùi Ngọc Hiên kể lại: "Khi chúng tôi chưa kết hôn, sau mỗi chuyến công tác, quay phim xa Hà Nội khoảng 4-5 ngày đến 1 tuần, việc đầu tiên anh ấy làm khi trở về Hà Nội là xuống nhà đón tôi lên nhà anh ấy ở Quán Thánh để khoe những bức ảnh mới chụp được. Nhà anh ấy rất nhỏ, nhưng có hẳn một "phòng tối" dành riêng cho anh ấy rửa, tráng ảnh. Nói là "phòng tối" cho oai nhưng thực ra nó là một cái bàn bốn chân cao ngang ngực người lớn, được quây chăn chiên xung quanh để ngăn ánh sáng. Trong đó, anh Giá để hai đĩa thuốc: thuốc hiện và thuốc hãm. Sau khi tráng phim xong, anh ấy đem ra ngoài "phòng sáng" treo lên cho khô - mà thực chất là chui ra khỏi gầm bàn. Có khi, sau chuyến công tác dài ngày, anh ấy gầy hốc hác, râu ria tua tủa nhưng mắt sáng ngời liên tục tráng phim, làm ảnh đến tận 11 giờ đêm".
Những ngày rảnh rỗi, không phải đi công tác, mỗi khi anh chị đang đạp xe chở nhau đi chơi mà thấy có sự việc gì có tính thời sự hoặc có thể lưu lại làm tư liệu sử dụng lâu dài như công nhân đang làm việc hay đoàn bộ đội đang hành quân... là anh Giá lập tức bỏ cả xe và người yêu đứng đó để chạy theo chụp ảnh...
Tháng 8/1966, anh Giá và chị Hiên tổ chức lễ thành hôn. Ngày vui ngắn chẳng tày gang, khi chị vừa mang thai đứa con đầu lòng được hơn 1 tháng, cũng là lúc anh báo tin sẽ lên đường đi công tác tại chiến trường B. Ngày ấy, hai tiếng "đi B" là thứ âm thanh gợi lên cho người ta sự liên tưởng lập tức đến chiến trường khốc liệt. Tháng 10/1966, anh rời Hà Nội lên Hòa Bình huấn luyện nghiệp vụ và đó cũng là lần cuối cùng anh chị gặp nhau...
Tác nghiệp nơi chiến tuyến
Trong cuộc trò chuyện với chị Hiên, tôi được vinh dự trò chuyện với người từng cùng anh tác nghiệp tại Phổ Cường (Quảng Ngãi) và cũng là người chứng kiến thời khắc anh ngã xuống. Đó chính là nhà quay phim Nguyễn Trưng.
Anh kể: "Anh Giá là người sống tình cảm, có tinh thần trách nhiệm rất cao, sống hòa nhã, quan tâm tới tất cả mọi người. Khi ở ngoài Hà Nội, chúng tôi đã biết nhau rồi, nhưng khi vào chiến trường thì mãi đến đầu năm 1970 chúng tôi mới gặp nhau. Khi ấy, anh Giá đã hết thời gian công tác ở Quảng Đà. Khi biết tôi tới Đức Phổ, anh nói: "Em mới vào, để em vào đó một mình, anh không yên tâm". Thế rồi anh ấy xin cấp trên ở lại chiến trường B thêm một chuyến nữa".
Ở Đức Phổ, mỗi khi quay xong một cuốn phim, hai anh thường cho vào túi nilon buộc kín lại rồi cho vào thùng đạn, đem chôn xuống đất, đợi đến khi có người ra Bắc thì gửi ra. Vì địch thường tập kết bất ngờ mà phim nhiều nên rất nặng nên các anh sợ khi chạy lên núi không mang theo được hết.
Là đồng nghiệp với anh Trưng nhưng anh Giá nhiều tuổi hơn và kinh nghiệm tác nghiệp cũng dày dạn hơn. Còn anh Trưng, khi đó mới chập chững vào nghề. "Anh Giá lúc nào cũng nhắc nhở tôi về chuyện bảo quản máy móc, phim ảnh. Anh nói, người lính ra chiến trường có cây súng. Anh em mình có máy và phim. Sống chết gì cũng phải bảo vệ. Khi quay xong, anh Giá thường ghi chép cẩn thận vào một cuốn sổ rồi chọn một chỗ chôn vừa an toàn, lại phải vừa dễ nhớ. Anh chỉ cho tôi, khi địch càn thì phải làm những việc gì trước, việc gì sau. Trên đường tác nghiệp, anh thường thủ thỉ nhắc nhở cho tôi từng li từng tí về kỹ năng tác nghiệp nơi chiến trường khốc liệt" - nhà quay phim Nguyễn Trưng kể lại.
“Chưa bao giờ chết”
Đức Phổ khi đó là vùng đang tranh chấp giữa ta và địch. Ban ngày địch kiểm soát gắt gao nhưng đến 3 giờ chiều là chúng rút đi và không dám ở lại vào ban đêm vì sợ quân Giải phóng ở trên núi xuống tấn công bất ngờ. Vì thế, cứ sau 3 giờ chiều thì hai anh em Giá - Trưng mới xuống núi tác nghiệp được, còn cả ngày phải cố thủ trên núi. Hạn chế về thời gian là một trong những lý do khiến anh Giá chưa thể quay được những thước phim ưng ý sau 3 năm bám trụ tại chiến trường Quảng Đà.
Quay ở thôn Nga Mân một thời gian, hai anh em quyết định tới quay ở thôn Thanh Sơn. Hôm đó, anh Giá bị đau răng và sốt cao. Anh nói với anh Trưng: "Em với Lý (du kích Nga Mân) đi, anh đau răng, sốt quá, đi không nổi". Anh Lý dẫn hai anh em vào nhà ông ngoại của anh để anh Giá nghỉ ở đó. Ngôi nhà này chỉ cách núi 2 thửa ruộng, anh Lý nói nếu địch càn thì vẫn kịp chạy lên núi để trốn.
"Khi chúng tôi bước vào, cả nhà đang ăn sáng cạnh nồi cháo. Gia đình mời chúng tôi ăn cùng. Anh Giá ăn một bát rồi thôi. Thấy tôi ăn rụt rè, anh bảo: "Trong Nam không như ngoài Bắc. Em ráng ăn cho no, nếu có bề gì còn đối phó". Ăn xong, anh dặn: "Anh có một số thứ để ở đơn vị. Nếu anh có bề gì, em gửi ra Bắc cho chị nuôi cháu". Nghe đến đây, tôi mắng anh: "Sao anh nói gở vậy? Anh chỉ bị sốt thôi chứ có sao đâu?" - nhà quay phim Nguyễn Trưng nhớ lại.
Chỉ một lát sau, địch đổ quân bất ngờ vì có kẻ chỉ điểm. Anh Giá không kịp chạy thoát. Viên đạn của địch xuyên qua chiếc máy ảnh của anh và trúng vào tim. Anh Trưng có vóc người nhỏ thó nên chui vào một bụi duối nhỏ và địch không phát hiện ra.
Trong những dòng nhật ký ngày 24/3/1970, anh Giá từng trăn trở: "Ai cũng một lần chết nhưng chết sao cho xứng đáng đây?". Và, anh đã ngã xuống khi chưa kịp thực hiện xong bộ phim Dòng chảy sông Hai Bốn (biệt danh của sông Thu Bồn) mà anh ấp ủ, chưa kịp trở về tặng vợ bông hoa hồng trong ngày 8/3 như anh đã hứa trong thư, chưa kịp ôm đứa con trai bé bỏng mà anh chỉ mới vừa biết mặt qua ảnh vào lòng...
Khi anh hy sinh, phương tiện tác nghiệp và tài liệu của anh theo viên sĩ quan quân báo Frederic Whitehurst tới nước Mỹ xa xôi. Mùa Hè năm 2005, cùng cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, chiếc máy ảnh Canon với vết đạn xuyên thủng cùng những bức ảnh đã trở về sau 35 năm lưu lạc, mang theo câu chuyện dài thấm đẫm chất nhân văn.
Thay cho lời kết, xin trích lời nhà văn Chu Lai dành cho cuốn sách Những tấm ảnh trở về: "Nguyễn Văn Giá, một cái tên rất đỗi bình thường như muôn triệu những cái tên bình thường khác còn và mất trong chiến tranh, nhưng nếu để tâm đọc hết những trang nhật ký, những bức thư gửi vợ, những tấm hình trận mạc anh để lại thì từ trong sâu thẳm lòng ta bỗng như vỡ nổ ra một điều gì rất lạ! Như hình ảnh người phóng viên quay phim mặt trận vẫn còn đó, như tiếng nói đẫm tình yêu thương với con người, với cuộc đời vẫn đang thì thầm khe khẽ vang bên tai ta, như anh không chết, chưa bao giờ chết"...
Khánh Nguyễn
Liệt sĩ Nguyễn Văn Giá, sinh ngày 16/11/1930, quê ở làng nghề truyền thống nhiếp ảnh Lai Xá (Kim Chung - Hoài Đức - Hà nội). Anh vào bộ đội năm 16 tuổi và được kết nạp Đảng khi mới 18 tuổi. Sau đó, anh được cử đi học nhiếp ảnh và trở thành phóng viên chiến trường từ kháng chiến chống Pháp. Năm 1955, anh học quay phim 6 năm tại Liên Xô và khi về nước, anh công tác tại Xưởng phim tài liệu khoa học Trung ương. Anh đã tham gia quay các bộ phim tài liệu rất có giá trị trong những năm 60, như: Trên hải phận Tổ quốc, Hợp tác xã Đại Phong, Ở vùng giải phóng Lào... Ngày 5/8/1966, anh lập gia đình với chị Bùi Ngọc Hiên và tháng 10/1966, anh lên đường đi công tác tại chiến trường miền Nam. Anh hy sinh tại xã Phổ Cường (Đức Phổ - Quảng Ngãi) vào ngày 27/10/1970. |