Bà Lê Thị Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo Chí, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đã chia sẻ về những điều đặc biệt đó với Báo TG&VN khi Hội nghị vẫn còn nhiều dư âm.
Chỉ có khoảng 10 ngày để chuẩn bị cho Trung tâm Báo chí Quốc tế (IMC), cùng với việc phải chuẩn bị, đảm đương một khối lượng công việc đồ sộ về báo chí trong những ngày diễn ra Thượng đỉnh nhưng có thể thấy mọi việc đều đã thành công tốt đẹp. Những điều gì đã góp phần làm nên điều đó, thưa bà?
Chưa có sự kiện quốc tế nào mà ta có thời gian chuẩn bị ngắn như Hội nghị Thượng đỉnh lần này. Nếu như các hội nghị quốc tế khác đã từng tổ chức ở Việt Nam, chúng ta có hàng năm để chuẩn bị và có vài tháng để tập trung triển khai, thì với Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều chúng ta chỉ có vỏn vẹn hơn 10 ngày. Đây cũng là sự kiện mà công tác báo chí có nhiều cái “nhất” từ trước đến nay: thời gian chuẩn bị ngắn nhất, số lượng phóng viên quốc tế vào Việt Nam trong cùng một thời điểm đông nhất, một trung tâm báo chí được thiết lập trong khoảng thời gian ngắn nhất nhưng với công suất lớn nhất và hạ tầng kỹ thuật viễn thông hiện đại nhất.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng kiểm tra Trung tâm Báo chí quốc tế phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh. (Ảnh: NH) |
Có thể nói, chúng ta đã vượt qua thách thức, chuyển từ thế bị động sang chủ động. Bị động là vì đây không phải là hội nghị do Việt Nam chủ trì mà Việt Nam là nước chủ nhà, hỗ trợ cho hai phía về mặt an ninh, vật chất, hậu cần và truyền thông. Chủ động là ở việc chúng ta đã có sự chuẩn bị sẵn sàng từ xây dựng trang web của Hội nghị để phóng viên đăng kí và cung cấp các thông tin cần thiết và cần biết cho phóng viên nước ngoài vào Việt Nam. Chúng ta cũng chủ động trong lựa chọn địa điểm thiết lập Trung tâm báo chí, chủ động truyền thông… Tất cả công việc đều đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, chất lượng cũng như sự trông đợi của báo chí, nhiều phóng viên chia sẻ còn trên cả sự kỳ vọng của họ.
Để làm được điều đó có lẽ là nhờ sự chỉ đạo sát sao và quyết tâm cao từ lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Bộ Ngoại giao cho đến từng cán bộ, nhân viên của Bộ Ngoại giao, các bộ ngành liên quan và thành phố Hà Nội. Riêng Thủ tướng đã 4 lần đến trực tiếp trung tâm báo chí để kiểm tra, chỉ đạo cụ thể, từ những chi tiết nhỏ nhất.
Bên cạnh đó là sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các đơn vị liên quan trong triển khai công việc. Tôi cảm nhận rằng, ai ai cũng bắt tay vào công việc với ý thức về trách nhiệm và mong muốn được cống hiến và đóng góp, biết mình cần phải làm gì, làm việc không quản ngày đêm. Và cuối cùng là nhờ những kinh nghiệm quý báu đúc kết từ những lần tổ chức các sự kiện quốc tế trước đã được phát huy trong lần hội nghị này.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều là một sự kiện rất quan trọng, chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam và chắc chắn sẽ có những tình huống phát sinh, trong truyền thông, có gặp phải những tình huống như vậy không, ta đã xử lý như thế nào?
Đúng là sự kiện này chưa từng có tiền lệ, nếu như các hội nghị khác chúng ta chủ trì tổ chức như ASEAN, APEC, hay đồng tổ chức như WEF ASEAN 2018 thì hội nghị này chúng ta đăng cai với tư cách chủ nhà, những vấn đề liên quan tới nội dung, chương trình đều do phía Mỹ và Triều Tiên quyết định.
Quá trình trước, trong Hội nghị, có những phát sinh, tình huống bất ngờ. Chúng ta, với tư cách chủ nhà đã hỗ trợ tối đa, đáp ứng hài hòa và phù hợp yêu cầu của các bên. Ví dụ, Triều Tiên thông báo và đề nghị hỗ trợ họp báo của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên lúc gần nửa đêm. Chúng ta đã triển khai rất nhanh, có sự phối hợp giữa các đơn vị của Bộ Ngoại giao và Bộ Công an, chỉ trong hơn nửa giờ, cuộc họp báo đã diễn ra đúng theo yêu cầu của bạn về thành phần dự cũng như đảm bảo an ninh cho họp báo.
Hoặc việc hỗ trợ phía Mỹ tổ chức cuộc họp báo của Tổng thống Donald Trump. Ta cũng chỉ có 3 giờ để thông báo, tiếp nhận đăng ký, phối hợp cấp phát thẻ tham dự và tổ chức phương tiện cho hơn 120 phóng viên di chuyển từ Trung tâm Báo chí đến khách sạn Marriott là nơi diễn ra họp báo. Khi cuộc họp báo được đẩy lên sớm và được thông báo chỉ trước khoảng 1h, ta đã kịp thời bố trí xe cảnh sát giao thông dẫn đường cho đoàn xe báo chí đảm bảo an toàn và kịp thời gian. Tôi cho rằng sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan, việc xử lý linh hoạt và tinh thần làm việc khẩn trương, có trách nhiệm chính là chìa khóa giúp chúng ta ứng biến được những tình huống khó lường trước.
Hội nghị là một sự kiện thu hút sự quan tâm của quốc tế, ta đã làm như thế nào để tận dụng quảng bá hình ảnh đất nước, thưa bà?
Với một lượng phóng viên nước ngoài đăng kí tham dự đưa tin sự kiện lên tới hơn 2.600 phóng viên, từ 218 hãng thông tấn, trong đó có những hãng thông tấn hàng đầu của khu vực và thế giới, Hội nghị là một cơ hội “vàng” để ngoài việc hỗ trợ phóng viên tác nghiệp, ta có thể tranh thủ quảng bá đất nước, con người Việt Nam với thành tựu phát triển mọi mặt, một điểm đến an ninh, an toàn, thân thiện đối với khách du lịch, các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài.
Trên tinh thần đó, chúng ta đã có nhiều sáng kiến và triển khai nhiều hoạt động với các cách tiếp cận và hình thức phong phú. Việc tạo điều kiện tốt nhất cho phóng viên tác nghiệp, trong đó có các trường quay ngoài trời ở các vị trí trung tâm của Hà Nội, đã giúp đưa những hình ảnh đẹp của Thủ đô Hà Nội liên tục xuất hiện trên các chương trình nổi bật, ăn khách nhất của các hãng truyền thông lớn như CNN, CNBC, ABC (Mỹ), NHK (Nhật Bản), KBS (Hàn Quốc)… Trong không gian của trung tâm báo chí có triển lãm ảnh về di sản, những điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam; Hiệp hội du lịch, Tổng cục Du lịch cùng các công ty lữ hành, khách sạn, hàng không Việt Nam tổ chức các tour du lịch miễn phí cho phóng viên đi Hạ Long, Tràng An, Phú Quốc, Hội An…
Thành phố Hà Nội và cá nhân Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng chủ động tổ chức nhiều chương trình quảng bá rất hiệu quả như cho phóng viên miễn phí tham quan bằng xe bus 2 tầng, miễn phí taxi và đặc biệt là quảng bá ẩm thực Hà Nội. Các nhà hàng nổi tiếng nhất thành phố như Phở Thìn, Bún thang bà Ẩm, Café Giảng, Bánh khúc cô Lan, bún chả Hà Nội… đã phục vụ miễn phí cho phóng viên tại Trung tâm Báo chí. Giờ đây, các món ngon Hà Nội không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn trên toàn thế giới nhờ các tin bài, phóng sự trên các kênh truyền thông quốc tế lớn. Tôi cho rằng, chúng ta đã biết và nắm bắt được cơ hội, huy động nhiều nguồn lực và triển khai có hiệu quả việc quảng bá văn hóa, du lịch, ẩm thực của Hà Nội, đất nước, con người Việt Nam.
Hiện nay đã có những đánh giá ban đầu về hiệu ứng truyền thông đối với thượng đỉnh Mỹ - Triều, bà có thể chia sẻ ít nhiều về khía cạnh này?
Truyền thông về sự kiện cũng như các thông tin liên quan trong đó có cả thông tin về Việt Nam được chuyển tải cả trên báo chí truyền thống cũng như trên mạng xã hội, tạo được hiệu ứng lan tỏa sâu rộng và rất nhanh. Theo đánh giá sơ bộ ban đầu, có khoảng hơn 20.000 tin bài trên báo chí trong và ngoài nước về sự kiện. Từ ngày 17/2 đến ngày 6/3 đã có hơn nửa triệu lần hiển thị các tweets của 3 tài khoản của Bộ Ngoại giao trên twitter. Có thể nói hiệu ứng truyền thông vô cùng lớn.
Theo bà, sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, chúng ta có thể rút ra được những kinh nghiệm gì cho công tác Thông tin đối ngoại cho những sự kiện đối ngoại quan trọng sắp tới?
Qua mỗi sự kiện, chúng ta đều rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá. Đầu tiên, tôi cho rằng, phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” được thể hiện rất rõ trong dịp này. Tiếp đến là sự hiệp đồng tác chiến, sự phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, vượt qua các thủ tục về mặt hành chính giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương.
Đặc biệt, ở mỗi một sự kiện, chúng ta đảm bảo hài hòa truyền thông đối nội và truyền thông đối ngoại. Một mặt chúng ta thu hút sự quan tâm của dư luận, cộng đồng quốc tế, tranh thủ thời điểm để quảng bá đất nước ra bên ngoài. Mặt khác, tuyên truyền đối nội để tạo được sự đồng thuận và ủng hộ trong xã hội, trong nhân dân. Hội nghị lần này thành công có được cũng một phần nhờ sự chia sẻ và đóng góp của người dân. Người dân nêu cao ý thức giữ gìn thủ đô sạch đẹp, kiên nhẫn chờ hàng giờ trên đường khi các đoàn xe đi qua, nhiều doanh nghiệp lớn đóng góp tài trợ các dịch vụ miễn phí, doanh nghiệp tư nhân phục vụ đồ ăn miễn phí, nghệ nhân tặng quà cho phóng viên… Có thể nói, chúng ta đã khơi dậy được niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân đối với công việc chung của đất nước.