Tự tin hơn, mạnh mẽ hơn
Theo các cơ quan trên, tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý III đạt khoảng 1% - mức tăng trưởng cao nhất so với các nước phát triển như EU hay Mỹ. Ông Sharon Lam, Phó Chủ tịch Morgan Stanley Reseach, cơ quan từng dự đoán Hàn Quốc sẽ rơi vào suy thoái cho dù chậm hơn các nước khác, bình luận "Hàn Quốc là một trong số rất ít những quốc gia đã nỗ lực để tránh được suy thoái". Cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc đang hồi phục một cách lạc quan, ông Lam dự đoán Hàn Quốc sẽ là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới lấy lại đà tăng trưởng mà không phải trải qua giai đoạn suy thoái.
Còn nhớ trong suốt thời kỳ khủng hoảng tài chính, niềm tin vào nền kinh tế Hàn Quốc suy sụp khiến Bộ trưởng Tài chính bị mất chức. Chưa đầy một năm sau, tình trạng tồi tệ nhanh chóng được cải thiện. Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á bất ngờ bật dậy với sự tự tin hơn. Sức mua tăng vọt từ tháng 4 tới tháng 6, ở mức cao nhất trong 21 năm qua, tăng 5,6% so với quý trước.
Tổng sản phẩm quốc nội quý II tăng nhanh nhất trong vòng 5 năm (đạt mức 2,6%) khi Hàn Quốc hưởng lợi từ giá dầu giảm, chi phí nguyên liệu thô xuống thấp và tiền tệ yếu đi khiến giá xe hơi và điện thoại cầm tay của nước này rẻ hơn trên thị trường thế giới. Từng phải bỏ sở thích dùng rượu ngoại và mỹ phẩm nhập khẩu hồi đầu năm nay, người tiêu dùng Hàn Quốc đã trở lại các cửa hàng giá cao. Lượng tiêu thụ hàng xa xỉ tính tới tháng 8 đã tăng hơn 18% so với năm trước. Số xe hơi ngoại bán ra trong tháng 8 cũng tăng hơn 22%.
Sản xuất tăng vọt, lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng và một số tập đoàn Hàn Quốc đã tranh thủ nắm lấy thị phần toàn cầu. Samsung Electronics đã mở rộng thị phần máy cầm tay lên 19,2%. Hyundai Motor Co., hãng sản xuất ô tô lớn nhất Hàn Quốc, đã tăng thị phần xe hơi tại Mỹ lên 4,8% trong tháng 8 so với mức 3,3% năm trước. Lee Jae-yong, người kế thừa Tập đoàn Samsung khẳng định: "Hàn Quốc là một quốc gia sản xuất và lý do khiến chúng tôi phục hồi nhanh hơn các quốc gia khác là lực lượng lao động lành nghề trong mọi ngành công nghiệp".
Sản xuất tăng trưởng đồng nghĩa với với tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh từ 4% trong tháng 6 xuống còn 3,7% trong tháng 8. Đây là mức giảm nhanh nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Hệ thống ngân hàng cũng thông báo đạt lợi nhuận cao hơn và sở hữu giá trị vốn tương đối lớn. Dự trữ ngoại tệ tại ngân hàng Hàn Quốc đã tăng trở lại như thời kỳ trước khủng hoảng. Trong 9 tháng, Hàn Quốc liên tục đạt thặng dư thương mại, nhờ kim ngạch xuất khẩu giảm ít hơn so với kim ngạch nhập khẩu. Với xu hướng này, dự báo Hàn Quốc có thể đạt thặng dự thương mại 40 tỷ USD trong cả năm 2009, cao hơn mục tiêu 25 tỷ USD mà chính phủ đặt ra trước đây.
Thị trường chứng khoán Hàn Quốc tăng ấn tượng. Theo một nhà phân tích từ Credit Suisse, mặc dù tăng hơn 40% trong năm nay nhưng tính đến thời điểm này, thị trường chứng khoán vẫn là "mật ngọt” thu hút các nhà đầu tư và có lẽ là cách kiếm lời nhất ở châu Á.
Cường quốc trong tương lai?
Với triển vọng phục hồi mạnh mẽ, nhiều tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Viện Nghiên cứu Phát triển Hàn Quốc đều nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc lên 4% năm 2010, thặng dư cán cân vãng lai đạt khoảng 8 tỷ USD và lạm phát sẽ ở mức hơn 2%. Thậm chí IMF còn dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2014 có thể đạt 4,5%, mức tăng trưởng đứng thứ ba thế giới. IMF cũng dự kiến tỷ lệ thất nghiệp trong năm tới cũng chỉ ở khoảng 3,6%, mức thấp nhất trong các nước phát triển.
Hãng thông tấn Bloomberg của Mỹ hôm 23/7 đăng bài Tốc độ tăng trưởng GDP của Hàn Quốc lớn nhất trong vòng 6 năm trở lại đây và đánh giá "với đà này, Hàn Quốc sẽ dẫn đầu về hồi phục kinh tế châu Á". Trong khi đó, Chương trình Môi trường LHQ hôm 20/8 công bố bản báo cáo giữa kỳ về chính sách tăng trưởng Xanh của Hàn Quốc đã cho rằng tăng trưởng Xanh đang thay đổi mô hình tăng trưởng của Hàn Quốc từ "lượng" sang "chất". Các chuyên gia khẳng định, đến năm 2050 Hàn Quốc sẽ trở thành một trong 5 cường quốc trên thế giới, với chiến lược tăng trưởng Xanh như đối phó với biến đổi khí hậu, tự lập về năng lượng, tạo ra các động lực tăng trưởng mới và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Điền Anh (Theo báo chí nước ngoài)