Trẻ em Palestine đi ngang qua tòa nhà bị hư hại trong cuộc tấn công của Israel ở Rafah, phía Nam Dải Gaza, ngày 1/5. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 11/5, Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit kêu gọi các quốc gia ủng hộ giải pháp hai nhà nước đẩy nhanh các nỗ lực nhằm biến tầm nhìn này thành hiện thực.
Lời kêu gọi của ông Aboul-Gheit được đưa ra 24 giờ sau khi Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) với hơn 2/3 số phiếu ủng hộ đã tán thành dự thảo nghị quyết trao thêm quyền cho Palestine và kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ xem xét lại nỗ lực của Palestine trở thành thành viên thứ 194 của LHQ.
Trong một tuyên bố, Tổng thư ký AL nói rằng, cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ ủng hộ việc Palestine trở thành thành viên LHQ phản ánh sinh động sự đồng thuận trên toàn cầu và công luận quốc tế về sự nghiệp chính nghĩa của người Palestine.
Ông Aboul Gheit nhấn mạnh, việc công nhận nhà nước Palestine và ủng hộ nước này trở thành thành viên đầy đủ của LHQ là những bước quan trọng hướng tới mục tiêu hai nhà nước.
Theo quan chức AL, việc công nhận nhà nước Palestine phát đi một thông điệp quan trọng về sự ủng hộ đối với người dân nước này, những người đang phải hứng chịu một thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng.
Trong diễn biến khác, cùng ngày 11/5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đánh giá cuộc tấn công trên bộ của Israel vào thành phố Rafah, phía Nam Gaza là vô trách nhiệm và sẽ làm nhiều dân thường thiệt mạng.
Phát biểu tại sự kiện do tập đoàn truyền thông RND tổ chức, ông Scholz nhấn mạnh: "Một cuộc tấn công nhằm vào Rafah là vô trách nhiệm. Chúng tôi cảnh báo chống lại điều đó. Chúng tôi cho rằng không có bất kỳ cách thức tấn công nào mà cuối cùng tránh được sự mất mát đáng kinh ngạc về tính mạng của dân thường vô tội”.
Nhà lãnh đạo Đức lưu ý ông đã nói điều này với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Cũng trong ngày 11/5, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel chỉ trích lệnh sơ tán của Israel đối với dân thường Palestine bị mắc kẹt ở thành phố Rafah là "không thể chấp nhận được".
Trên mạng xã hội X, ông Michel nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Israel tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và kêu gọi không tiến hành chiến dịch trên bộ ở Rafah”.
Bất chấp sức ép lớn của Mỹ và sự báo động của người dân cùng các tổ chức nhân đạo, chính phủ Israel cho biết vẫn sẽ tiến hành tấn công vào Rafah, nơi có hơn 1 triệu người đang lánh nạn bởi cuộc chiến kéo dài hơn 7 tháng qua.