📞

Liên đoàn Arab sẽ thảo luận về xung đột Nga-Ukraine, UAE khẳng định không chọn phe

Việt Hà 07:37 | 28/02/2022
Ngày 28/2 (giờ địa phương), Liên đoàn Arab (AL) dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp để thảo luận về xung đột Nga-Ukraine, giữa lúc nhiều quốc gia thành viên trong khối không đưa ra bất kỳ quan điểm nào liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow.
Liên đoàn Arab sẽ thảo luận về xung đột Nga-Ukraine trong ngày 28/2. (Nguồn: Business Recorder)

Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, Phó Tổng thư ký AL Hossam Zaki xác nhận, cuộc họp sẽ được tổ chức ở cấp ngoại trưởng.

Các nước Arab giàu dầu mỏ ở vùng Vịnh, vốn có mối quan hệ ngày càng mở rộng với Moscow bất chấp sự phụ thuộc vào đảm bảo an ninh của Mỹ suốt nhiều thập kỷ qua, đã quyết định không lên án chiến dịch tấn công quân sự của Nga hôm 24/2.

Ngày 25/2, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), đã bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu của HĐBA LHQ về nghị quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine. Trong khi đó, Syria, Algeria và Sudan đều có các hiệp ước quân sự với Nga.

Ngày 27/2, theo ông Anwar Gargash, Cố vấn đối ngoại của Tổng thống UAE, chính sách chọn phe chỉ cổ súy cho bạo lực.

Trên trang Twitter cá nhân, ông Gargash nêu rõ: “Trong vấn đề Ukraine, ưu tiên của chúng tôi là khuyến khích các bên sử dụng hành động ngoại giao và đàm phán để tìm ra một giải pháp chính trị… UAE kiên định ủng hộ Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền của các quốc gia, phản đối áp đặt biện pháp quân sự”.

Từ lâu, UAE đã chọn lập trường trung lập giữa các đồng minh phương Tây và Nga, vốn là đối tác lớn trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+).

Cả UAE và Saudi Arabia đều có quan hệ kinh tế và đầu tư lớn với Nga.

Hồi tuần trước, đại diện Saudi Arabia đã trình bày thông cáo của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) trước phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, khẳng định khối này có “quan hệ sâu sắc” với tất cả các bên liên quan và kêu gọi giảm căng thẳng, kiềm chế và sử dụng biện pháp ngoại giao để chấm dứt cuộc xung đột.

Đối với một số quốc gia Arab phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung lúa mì từ cả Ukraine và Nga, bất kỳ sự thiếu hụt nào đối với loại ngũ cốc chủ yếu này đều có thể gây ra tình trạng hỗn loạn.

Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington (Mỹ) nhận định, nếu nguồn cung lúa mì bị gián đoạn, khiến giá bánh mì tăng cao, thì “cuộc khủng hoảng Ukraine có thể dẫn đến tình trạng bất ổn và những làn sóng biểu tình mới” trong khu vực.

(theo AFP)