📞

Liên hợp quốc: Đằng sau những con số là những gương mặt trẻ em phải chịu đựng bạo lực vũ trang

Nguyễn Hoàng 06:00 | 07/07/2023
Năm 2022 có 27.180 vụ vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em do xung đột - con số cao nhất mà Liên hợp quốc (LHQ) xác minh.
Liên hợp quốc kêu gọi “hành động táo bạo và quyết đoán” để bảo vệ trẻ em khỏi bị sát hại, bị tuyển lính, bị xâm hại tình dục và các tội ác khác. Trong ảnh: Một cậu bé chạy ngang qua tòa nhà bị hư hại do đạn pháo trong cuộc xung đột ở thành phố Sirte, Libya. (Nguồn: UNICEF)

Trình bày báo cáo thường niên mới nhất tại cuộc họp ngắn của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 5/7, bà Virginia Gamba, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về Trẻ em và xung đột vũ trang đã kêu gọi “hành động táo bạo và quyết đoán” để bảo vệ các bé trai và bé gái trước nguy cơ tử vong, bị tuyển lính, xâm hại tình dục và các tội ác khác.

Báo cáo bao gồm 26 tình huống ở 5 khu vực trên toàn thế giới, lần đầu tiên ghi nhận Ethiopia, Mozambique và Ukraine.

Trong số các vụ vi phạm được xác minh, LHQ cho biết 18.890 trẻ em phải trải qua những vi phạm nghiêm trọng trong các cuộc xung đột vũ trang vào năm 2022. Trong số đó, 8.630 trẻ em đã thiệt mạng hoặc bị thương tật, 7.622 trẻ được tuyển mộ để tham gia chiến đấu và 3.985 trẻ bị bắt cóc.

Bà Gamba cho biết, ba loại hình vi phạm này ở mức cao nhất từng được ghi nhận, cho thấy sự gia tăng đáng báo động so với các năm trước.

“Trẻ em thiệt mạng hoặc bị thương tích trong các cuộc không kích, bằng vũ khí nổ, đạn thật, trong các cuộc giao tranh hoặc trong các cuộc tấn công trực tiếp. Trong nhiều trường hợp, các em trở thành nạn nhân của chất nổ còn sót lại sau chiến tranh”, bà nhấn mạnh.

Ngoài ra, báo cáo của LHQ cũng ghi nhận 1.165 trẻ em, chủ yếu là trẻ em gái, đã bị xâm hại tình dục, hôn nhân cưỡng bức, hay trở thành nô lệ tình dục hoặc bị tấn công tình dục. Nhiều trường hợp trong số này đã tử vong.

Quan chức cấp cao của LHQ nhấn mạnh, đằng sau số vụ vi phạm nghiêm trọng với trẻ em là nguyên nhân sâu xa dẫn tới việc những đứa trẻ đó bị xâm hại, lại không được đề cập.

“Đây là lý do tại sao chúng ta phải nhớ rằng đằng sau những con số là khuôn mặt của những đứa trẻ phải chịu đựng bạo lực vũ trang trên toàn cầu. Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn và bảo vệ con em chúng ta khỏi sự tàn phá của xung đột vũ trang”, bà nói.

Báo cáo cũng bày tỏ quan ngại về số vụ tấn công bạo lực nhằm vào trường học và bệnh viện gia tăng với 1.163 trường học và gần 650 bệnh viện bị tấn công vào năm 2022, tăng 112% so với năm trước.

Ngoài ra, LHQ còn chỉ ra việc sử dụng các cơ sở giáo dục và y tế cho mục đích quân sự vẫn là mối quan ngại lớn với số trường hợp được xác minh tăng hơn 60% so với năm trước đó.

LHQ cũng ghi nhận hơn 3.930 sự cố từ chối tiếp cận nhân đạo đối với trẻ em, cùng với các cuộc tấn công nhằm vào nhân viên cứu trợ, cướp bóc hàng cứu trợ và phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng.

Cũng tại phiên họp, Phó Giám đốc điều hành của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) Omar Abdi nhắc lại rằng, số lượng lớn nhất các vụ vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em đã được xác minh trong các cuộc xung đột kéo dài lâu dài, kể cả ở những nơi như CHDC Congo, Israel, Palestine và Somalia.