Thực hiện chủ trương đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều hoạt động đối ngoại thiết thực, hiệu quả: Tiếp tục mở rộng mối quan hệ, hợp tác hữu nghị với địa phương của các nước trên thế giới; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường công tác quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với bạn bè trên thế giới.
Ngay từ đợt dịch đầu tiên, tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực, chủ động khắc phục khó khăn chung do dịch bệnh Covid-19 đem lại. Hoạt động đối ngoại vẫn diễn ra sôi nổi, lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức tiếp đón hơn 10 vị Đại sứ, Trưởng đại diện ngoại giao của các nước tại Việt Nam.
Tỉnh Vĩnh Phúc linh hoạt chuyển đổi hình thức trao đổi thông tin với các địa phương nước ngoài, các cơ quan, tổ chức quốc tế sang hình thức hội nghị, hội thảo trực tuyến nhằm tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế và phù hợp với tình hình mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Tổng giám đốc Công ty TNHH TOTO Việt Nam Hiroyu Suzuki, ngày 19/10/2020. (Nguồn: UBND tỉnh Vĩnh Phúc) |
Tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các đối tác truyền thống, mở rộng và thiết lập quan hệ với các đối tác mới. Hiện nay, Vĩnh Phúc có quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc); tỉnh Akita và tỉnh Tochigi (Nhật Bản) và các tỉnh Bắc Lào.
Đặc biệt, với tinh thần đoàn kết chống dịch, phát huy truyền thống chia ngọt sẻ bùi, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai dân tộc nói chung và Vĩnh Phúc với các địa phương của Lào nói riêng, tỉnh đã hỗ trợ các trang thiết bị, vật tư y tế chống dịch cho ba tỉnh Bắc Lào gồm tỉnh Luang Namtha, Luang Prabang và Audomxay với tổng giá trị gần 900 triệu đồng.
Tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường triển khai hoạt động ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại nhằm quảng bá, giới thiệu đặc trưng văn hóa, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến bạn bè trong nước và quốc tế qua nhiều hình thức đa dạng như tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, xuất bản ấn phẩm, chuyên san giới thiệu về tỉnh; tham dự hội chợ triển lãm có yếu tố nước ngoài…
Bên cạnh đó, công tác lãnh sự và bảo hộ công dân luôn được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, tích cực phối hợp với Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) chỉ đạo các cơ quan chức năng, nhanh chóng nắm bắt thông tin, tham mưu xử lý kịp thời các vấn đề về công tác lãnh sự, hỗ trợ nhập cảnh, cách ly cho thân nhân chuyên gia lao động là người nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, đảm bảo thông tin liên lạc với các Đại sứ quán và Cục Lãnh sự kịp thời hỗ trợ công dân của tỉnh đang sinh sống ở nước ngoài gặp khó khăn do dịch bệnh, phối hợp đưa công dân về nước, thực hiện cách ly tập trung đối với người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã giải quyết thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam cho gần 50 thân nhân chuyên gia người nước ngoài trong năm 2020 và gần 200 trường hợp từ đầu năm 2021 đến nay; giải quyết, hỗ trợ cho gần 900 công dân Việt Nam nhập cảnh về nước và cách ly tại tỉnh…
Theo thống kê có gần 1.000 Việt kiều gốc Vĩnh Phúc đang sinh sống, định cư ở 36 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các quốc gia tập trung nhiều người Vĩnh Phúc là Mỹ, Đức, CH Czech, Nga và Hàn Quốc. Với tinh thần đồng lòng, hướng về quê hương, đất nước, thời gian vừa qua, cộng đồng kiều bào gốc Vĩnh Phúc đã có nhiều hoạt động quyên góp, ủng hộ tiền mặt và trang thiết bị vật tư y tế cho tỉnh với tổng giá trị hàng tỷ đồng. Những đóng góp của bà con kiều bào là vô cùng quý giá, thể hiện nghĩa cử cao đẹp, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái cùng quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19.
Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, giữ tổ cho “đại bàng”
Là tỉnh có nhiều khu công nghiệp và thu hút đầu tư FDI rất mạnh, tập trung nhà máy, dây chuyền sản xuất lớn của các “đại bàng” như Toyota, Honda, Piaggio… Vĩnh Phúc luôn chú trọng thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế để giữ tổ cho “đại bàng”, quyết không để dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa.
Quán triệt quan điểm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về thực hiện “mục tiêu kép”, tỉnh Vĩnh Phúc luôn đặt công tác chống dịch lên hàng đầu để đảm bảo an toàn trước dịch bệnh. Khi thực hiện biện pháp phòng chống dịch thì ưu tiên số một và hàng đầu của Vĩnh Phúc là biện pháp chống dịch trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và doanh nghiệp để người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.
Nhằm thu hút doanh nghiệp, tập đoàn mới tới Vĩnh Phúc đầu tư và sản xuất, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã đề ra nhiều chiến lược kinh tế phù hợp với xu hướng phát triển của tỉnh: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tiết giảm về thủ tục, thời gian giải quyết các thủ tục, vận hành tốt Trung tâm hành chính công tỉnh, huyện, bộ phận một cửa, một cửa liên thông; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...
Với hàng loạt biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, tỉnh Vĩnh Phúc đạt kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Trong bối cảnh đại dịch, tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc (GRDP) trong sáu tháng đầu năm gây ấn tượng với con số 14,21%, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ ba cả nước. Tính đến ngày 25/11/2021, toàn tỉnh thu hút 50 dự án mới, trong đó có 30 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 790 triệu USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2020; vốn DDI đạt 13 nghìn tỷ đồng, tăng 44,7%.
Lũy kế, toàn tỉnh có 433 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng lý là 7,1 tỷ USD và 822 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 106,4 nghìn tỷ đồng. Hiện có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào tỉnh, trong đó Hàn Quốc có số lượng nhà đầu tư lớn nhất, sau đó là Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản...
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan và ông Fukuda Tomikazu, Thống đốc tỉnh Tochigi chụp ảnh lưu niệm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các quan chức Việt Nam - Nhật Bản nhân dịp hai tỉnh ký biên bản ghi nhớ về hợp tác hữu nghị, ngày 23/11/2021. (Nguồn: UBND tỉnh Vĩnh Phúc) |
Tiếp tục chủ động, linh hoạt, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại
Tình hình thế giới và khu vực trong năm 2021 và những năm tiếp theo sẽ còn tiếp tục khó lường do hệ lụy của tình trạng suy thoái kinh tế, những thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là đại dịch Covid-19, do đó, tỉnh Vĩnh Phúc xác định công tác đối ngoại cần phải chủ động, linh hoạt hơn nữa, góp phần thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” của tỉnh vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, hoạt động đối ngoại của tỉnh sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Duy trì quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống như các tỉnh Bắc Lào, tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc), tỉnh Akita và tỉnh Tochigi (Nhật Bản); đẩy mạnh việc ký kết các thỏa thuận quốc tế với các địa phương nước ngoài ưu tiên các địa phương thuộc các nước châu Âu và Bắc Mỹ;
Xây dựng, hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc; duy trì thị trường các nước truyền thống Nhật Bản, Hàn Quốc. Mở rộng hoạt động xúc tiến đầu vào các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Anh.
Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; định kỳ hàng năm tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh hoặc tỉnh, thành khác; duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành với doanh nghiệp, nhà đầu tư; cải cách thủ tục hành chính, tạo tính minh bạch, lành mạnh và công bằng…
Phối hợp với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và chỉ đạo tốt các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tham mưu việc bảo hộ công dân Vĩnh Phúc ở nước ngoài; tiếp tục tuyên truyền chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh…
Lồng ghép hoạt động ngoại giao văn hóa trong các hoạt động ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế thông qua nhiều hình thức khác nhau.