Libya hiện đang bị chia rẽ bởi một chính quyền có trụ sở tại Tripoli được quốc tế công nhận và một chính quyền khác ở phía Đông do Tướng quân đội Khalifa Haftar hậu thuẫn. (Nguồn: IEmed) |
Lời kêu gọi được đưa ra trong cuộc họp đặc biệt lần thứ 9 về Libya, do AU tổ chức, nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ các nỗ lực để đưa nước này trở lại trạng thái bình thường.
Trong tuyên bố cuối cuộc họp, được đăng tải trên trang web của AU, Ngoại trưởng Cộng hòa Congo Jean-Claude Gakosso cho biết: “Các thành viên AU tái khẳng định sự ủng hộ đối với tiến trình chính trị do Libya thực hiện, với mục đích tiến tới cuộc tổng tuyển cử nhằm bầu ra một chính quyền thống nhất”.
Liên minh cũng đưa ra lời kêu gọi "tất cả các tác nhân bên ngoài ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Libya, những hành động vốn ảnh hưởng đến lợi ích cơ bản, nguyện vọng chính đáng, sự ổn định, hòa bình và phát triển của người dân Libya".
Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat nói rằng, cuộc khủng hoảng ở Libya "đã kéo dài quá lâu và khiến người dân nước này phải trả giá đắt", đồng thời kích động chủ nghĩa khủng bố ở khu vực Sahel.
Dự kiến, một cuộc họp hòa giải giữa các bên ở Libya sẽ diễn ra vào ngày 28/4 tới tại thành phố Sirte của quốc gia này.
Kể từ cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi vào năm 2011, Libya đã mắc kẹt trong cuộc xung đột kéo dài nhiều năm, với sự tham gia của nhiều nhóm dân quân, các chiến binh thánh chiến và lính đánh thuê nước ngoài.
Hồi tháng 8/2023, Hội đồng Tổng thống Libya và Quốc hội nước này đã nhất trí thúc đẩy các nỗ lực nhằm tổ chức cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vốn được chờ đợi từ lâu.
Các cuộc bầu cử quốc gia ở Libya, dự kiến diễn ra vào tháng 12/2021, đã bị hoãn lại nhiều lần do bất đồng giữa các phe phái đối địch trong nước.
Libya hiện đang bị chia rẽ bởi một chính quyền có trụ sở tại Tripoli được quốc tế công nhận và một chính quyền khác ở phía Đông do Tướng quân đội Khalifa Haftar hậu thuẫn.