Nguyên thủ của ba nước Nga, Belarus và Kazakhstan tại lễ ký kết thỏa thuận thành lập Liên minh kinh tế Á-Âu ở Astana (5/2014) |
Hiệp ước thành lập Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký phê chuẩn ngày 3/10 sau khi Quốc hội nước này thông qua văn kiện trên cuối tháng 9 vừa qua.
Như vậy, trong 3 quốc gia tham gia EEU (gồm cả Belarus và Kazakhstan), Nga trở thành nước đầu tiên hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết thiết để EEU có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
Phát biểu tại cuộc họp Nội các, ông Putin nhấn mạnh việc ký phê chuẩn Hiệp ước thành lập EEU đánh dấu "một giai đoạn quan trọng" trong các nỗ lực chung nhằm hội nhập với các đối tác và đồng minh thân thiết nhất của Nga là Belarus và Kazakhstan.
Kế hoạch thành lập EEU được đưa ra thảo luật và nhất trí tại cuộc gặp giữa các nguyên thủ 3 nước Belarus, Kazakhstan và Nga ở thủ đô Astana của Kazakhstan hồi tháng 5 vừa qua. Tại cuộc gặp, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev và Tổng thống Nga Putin đã ký thỏa thuận về vấn đề này.
Việc thành lập EEU thay thế cho Liên minh thuế quan (thành lập vào năm 2010) nhằm tạo dòng chảy tự do về người, vốn và hàng hóa, giúp củng cố nền kinh tế, bảo đảm sự phát triển hài hòa và xích lại gần nhau của các nước thành viên. Đồng thời EEU được kì vọng sẽ xây dựng một cơ cấu kinh tế đủ mạnh để đối trọng với Liên minh Châu Âu (EU), từ đây làm bệ phóng cho một nước Nga hùng mạnh trên trường quốc tế.
Đặc biệt, theo nhận định của Tổng thống Kazakhstan Nazarbayev, liên minh mới này sẽ là “một cầu nối giữa phương Đông và phương Tây”. Việc EEU ra đời đã củng cố và dần hiện thức hóa tham vọng chuyển hướng sang thị trường đầy tiềm năng châu Á-Thái Bình Dương của Nga. Trước đó, Moscow cũng đã triển khai chính sách hướng Đông khi hình thành một "liên minh năng lượng" với Trung Quốc qua thỏa thuận khí đốt trị giá 400 tỷ USD. Đây là một thành công lớn trong nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của ông Putin. Cách đây 3 năm, trong bài phát biểu cuối cùng tại Hạ viện Nga (Duma) với vai trò là Thủ tướng, ông Putin đã vạch ra ưu tiên cho nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba là thúc đẩy hợp tác trong toàn bộ không gian Á - Âu, tăng cường vai trò toàn cầu của nước Nga thông qua thúc đẩy hội nhập giữa các quốc gia Liên Xô cũ.
Mỹ đã chống đối việc thành lập EEU, vì coi đây là một dự định hòng tái thiết lập một liên minh kiểu Xô viết. Tuy nhiên, trong một bài viết đăng trên tờ Nhật báo Izvestia vào tháng 10/2011, ông Putin, khi đó đang là Thủ tướng Nga, đã phủ nhận điều này.
"Ý tưởng của dự án không phải nhằm tái tạo một đất nước Liên Xô cũ bằng cách này hay cách khác" - Putin khẳng định và bổ sung rằng EEU sẽ kết hợp con người và nguồn vốn kinh tế của các thành viên nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định toàn cầu. Ông cũng cho rằng, tiềm năng chính trị của dự án này nhằm tạo điều kiện thực tế để thay đổi cấu trúc địa chính trị và địa kinh tế của toàn bộ châu lục, đồng thời tạo ảnh hưởng tích cực trên toàn cầu.
Các quốc gia khác trong khu vực cũng đã và đang tính tới việc tham gia liên minh này. Cụ thể, hai quốc gia Trung Á là Armenia và Kyrgyzstan dự kiến sẽ tham gia EEU vào cuối năm nay; Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang là một ứng cử viên tiềm năng.
Việt Nam đang trong tiến trình đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do với EEU. Trong khi đó Trung Quốc cũng dự định tăng cường hợp tác với EEU trong việc trao đổi thông tin hải quan đối với hàng hóa và dịch vụ, Ấn Độ và Israel đề xuất thiết lập chế độ thương mại ưu đãi với EEU… Như vậy, một khu vực tự do thương mại giữa châu Âu và châu Á là rất triển vọng.
Nhị Hà (tổng hợp)