TIN LIÊN QUAN | |
Quân đội Syria giành lại quyền kiểm soát thị trấn Daraya | |
Nga - Mỹ hướng tới lệnh ngừng bắn mới ở Syria |
Mới đây, máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 và tiêm kích đa nhiệm Su-34 của Nga xuất phát từ căn cứ không quân Hamedan (Iran) đã không kích các mục tiêu phiến quân ở Syria. Đây là lần đầu tiên máy bay Nga sử dụng một căn cứ ở Iran để tấn công phiến quân, và cũng là lần đầu tiên kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran cho phép quân đội nước ngoài sử dụng lãnh thổ của họ cho các hoạt động quân sự.
Cho dù, ngày 22/8, chính quyền Tehran quyết định tạm đình chỉ việc cho phi cơ Nga cất cánh từ sân bay Iran qua ném bom tại Syria, việc Iran cho Nga sử dụng căn cứ không quân Hamedan trong cuộc chiến chống IS và phiến quân ở Syria có ý nghĩa thực tế rất lớn. Cho đến nay, các máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Nga như Tu-22M3 thường cất cánh thực hiện nhiệm vụ từ căn cứ Mozdok (Bắc Ossetia) và phải vượt tới 2.000km, qua biển Caspi và từ đó vào không phận Iran và Iraq, do đó rất tốn kém chi phí.
Bên cạnh động thái giữa Iran với Nga, thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi chính sách. Trong chuyến thăm Nga vừa qua, Tổng thống Erdogan đã thương thảo với Tổng thống Nga Vladimir Putin về phối hợp hành động chính trị và quân sự ở Syria. Điều đó cho thấy quan hệ hai nước đã cải thiện hơn sau thời gian căng thẳng và ông Erdogan có thể sẽ nhân nhượng Nga trong một số vấn đề, chẳng hạn như việc để Nga có thể tấn công một số mục tiêu ở Syria vốn là khu vực ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Những diễn biến trên cho thấy triển vọng về một “liên minh” Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ đang dần hình thành ở Trung Đông trong cuộc chiến ở Syria. Đây cũng là điều mà Tổng thống Erdogan đã đề nghị trong cuộc điện đàm với Tổng thống Iran Rouhani.
Phản ứng trước những động thái mới này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner đã “lấy làm tiếc” trước việc Nga sử dụng căn cứ Hamedan và cho biết Mỹ “đang theo dõi chặt chẽ sự hợp tác giữa Nga và Iran”. Ngoại trưởng John Kerry trong cuộc gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov cũng bày tỏ “sự quan ngại” của ông. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo liệu “việc sử dụng căn cứ Hamadan có vi phạm Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan đến việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran hay không”? Rõ ràng, Mỹ rất lo ngại về ảnh hưởng của họ ở khu vực bị cạnh tranh và việc các lực lượng được họ hậu thuẫn có thể bị tiêu diệt khi Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ liên minh với nhau.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghi ngờ về khả năng xuất hiện một liên minh như vậy trên thực tế, nhất là nhân tố Thổ Nhĩ Kỳ trong “liên minh” này, bởi mỗi nước đều xuất phát từ mục tiêu riêng của mình trong những quan hệ phức tạp với phương Tây mà nhiều khi những mục tiêu này xung đột lẫn nhau.
Về mặt lợi ích, Thổ Nhĩ Kỳ không muốn gây hiềm khích với EU và Mỹ, những đối tác thương mại và quân sự lớn nhất của họ. Dù xích lại gần Nga, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ khó đánh đổi các mối quan hệ đó. Về phía Moscow, việc dàn hòa với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Tổng thống Putin từng cáo buộc Nga bị “đâm sau lưng” (trong vụ máy bay Nga Su-24 bị bắn rơi) cũng chỉ có ý nghĩa chiến thuật khi Nga cần thêm đồng minh trong cuộc chiến ở Syria.
Rõ ràng, hiện còn quá sớm để nói về một liên minh Nga – Iran – Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến ở Syria khi mà các mối quan hệ lợi ích và mục tiêu của mỗi nước là khác nhau trong cuộc chiến Syria với bản chất cũng hết sức phức tạp. Đặc biệt, chắc chắn Mỹ và các đồng minh sẽ không chịu ngồi yên xem Nga tăng cường ảnh hưởng trong khu vực một cách dễ dàng như vậy.
LHQ: Các bên cần tuân thủ lệnh ngừng bắn ở Aleppo, Syria Liên hợp quốc (LHQ) đã sẵn sàng triển khai sứ mệnh viện trợ nhân đạo tại thành phố Aleppo (Syria), nhưng cần các bên tham ... |
Nga muốn dùng căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ để không kích IS Các quan chức Nga đã bàn đến khả năng sử dụng căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện không kích ... |
Syria: Đức đề xuất lập cầu hàng không ở Aleppo Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã đưa ra lời kêu gọi trên trước tình hình giao tranh ngày càng ác liệt tại thành phố Aleppo ... |