Kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức. (Nguồn: Reuters) |
Có thể bỏ lỡ mục tiêu “khoảng 5%”
Tuần trước, đồng NDT đã giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm. Từ đầu năm đến nay, đồng tiền này đã mất giá 6% so với USD. NDT đi xuống do chính sách tiền tệ tại Trung Quốc ngược với Mỹ, nhà đầu tư lo ngại tăng trưởng tại Trung Quốc yếu và rủi ro vỡ nợ trong lĩnh vực bất động sản.
Để "cứu" đồng nội tệ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) phải đặt tỷ giá hối đoái đối với đồng USD cao hơn nhiều so với giá trị thị trường ước tính. Đây là biện pháp bảo vệ tiền tệ lớn nhất từng được PBOC đưa ra.
Bên cạnh đó, giá tiêu dùng đang giảm, khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc và xuất khẩu sụt giảm. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ngày càng trầm trọng, đến mức chính phủ phải ngừng công bố dữ liệu.
Những vấn đề trên khiến một số ngân hàng đầu tư lớn dự báo, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống dưới mức 5%.
Các nhà phân tích của Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) đã viết trong một báo cáo nghiên cứu rằng: “Chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Trung Quốc do khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản ngày càng trầm trọng, nhu cầu bên ngoài ngày càng suy yếu và hỗ trợ chính sách ít hơn dự kiến”.
Điều đó có nghĩa là Trung Quốc có thể bỏ lỡ đáng kể mục tiêu tăng trưởng chính thức là “khoảng 5%” - một trong những mức thấp nhất trong nhiều thập niên.
Vấn đề hiện tại của Trung Quốc khác xa so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Thời điểm đó, nước này tung ra gói kích thích lớn nhất thế giới và là nền kinh tế lớn đầu tiên thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng.
Đó cũng là một sự đảo ngược so với những ngày đầu của đại dịch, khi Trung Quốc là nền kinh tế duy nhất tránh được suy thoái kinh tế.
GS. Adam Tooze, chuyên nghiên cứu khủng hoảng kinh tế tại Đại học Columbia khẳng định: "Trung Quốc đang chứng kiến sự thay đổi lớn, có thể kéo theo bước ngoặt mạnh nhất trong lịch sử kinh tế".
Bất động sản tổn thất nặng nề
Nền kinh tế Trung Quốc đã rơi vào tình trạng ảm đạm kể từ tháng 4. Nhưng những lo ngại đã tăng lên trong tháng này, sau khi Country Garden - từng là nhà phát triển lớn nhất của đất nước về doanh số bán bất động sản, đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Vụ việc của Country Garden khơi dậy ký ức về Evergrande - công ty không trả được nợ vào năm 2021 báo hiệu sự bắt đầu của cuộc khủng hoảng bất động sản. Và trong khi Evergrande vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu nợ, những rắc rối tại Country Garden khiến giới đầu tư thêm lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc.
Bắc Kinh đã triển khai một loạt các biện pháp hỗ trợ để vực dậy thị trường bất động sản nhưng đất nước vẫn phải đối mặt với thách thức lớn để ngăn chặn cuộc khủng hoảng này.
Các vụ vỡ nợ tại các nhà phát triển bất động sản dường như đã lan sang ngành ủy thác đầu tư trị giá 2,9 nghìn tỷ USD của đất nước.
Zhongrong Trust, một quỹ quỹ tín thác uy tín đã không đáp ứng được các khoản thanh toán đến hạn.
Ông Julian Evans-Pritchard, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics nhận định: “Những tổn thất tiếp theo trong lĩnh vực bất động sản có nguy cơ dẫn đến tình trạng bất ổn tài chính rộng lớn hơn”.
Mắc nợ quá nhiều
Một mối quan tâm lớn tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là nợ chính quyền địa phương - vốn đã tăng vọt do doanh thu bán đất giảm mạnh.
Căng thẳng tài chính nghiêm trọng ở các cấp địa phương không chỉ gây rủi ro lớn ngân hàng Trung Quốc mà còn hạn chế khả năng thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng các dịch vụ công của chính phủ.
Cho đến nay, Bắc Kinh đã công bố một loạt các biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm cắt giảm lãi suất cùng các động thái khác để hỗ trợ thị trường bất động sản và các doanh nghiệp tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn chưa có những động thái lớn để thực sự thay đổi tình hình.
Các nhà kinh tế lý giải, nguyên nhân bởi Trung Quốc đã mắc nợ quá nhiều nên không thể thúc đẩy nền kinh tế như cách đây 15 năm, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Vào thời điểm đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã triển khai gói tài chính trị giá 4 nghìn tỷ NDT (586 tỷ USD) để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, các biện pháp tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng do chính phủ chỉ đạo cũng dẫn đến việc mở rộng tín dụng chưa từng có và nợ chính quyền địa phương tăng mạnh. Từ đó, nền kinh tế vẫn đang phải vật lộn để phục hồi.
Suy giảm nhân khẩu học
Bên cạnh những thách thức kể trên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt với một số thách thức dài hạn. Đơn cử như khủng hoảng dân số và quan hệ căng thẳng với các đối tác thương mại quan trọng (Mỹ và châu Âu).
Theo một báo cáo gần đây của Jiemian, tổng tỷ suất sinh (số con sinh sống bình quân của một người phụ nữ trong suốt cả cuộc đời) của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,09 vào năm ngoái, so với 1,30 hai năm trước đó. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ sinh của đất nước thậm chí còn thấp hơn của Nhật Bản - một trong những quốc gia có dân số già nhất thế giới.
Đầu năm nay, Bắc Kinh đã công bố dữ liệu cho thấy, dân số nước này bắt đầu giảm vào năm ngoái - lần đầu tiên trong sáu thập niên.
Các nhà phân tích từ Dịch vụ Nhà đầu tư của Moody cho biết trong một báo cáo nghiên cứu rằng: “Sự thay đổi lớn về nhân khẩu học của Trung Quốc đặt ra những thách thức đáng kể đối với tiềm năng tăng trưởng kinh tế của nước này.
Sự suy giảm nguồn cung lao động, tăng chi tiêu xã hội, chăm sóc sức khỏe có thể dẫn đến thâm hụt ngân sách lớn hơn và gánh nặng nợ nần cao hơn. Lực lượng lao động giảm cũng có thể làm xói mòn khả năng tiết kiệm trong nước, dẫn đến lãi suất cao hơn và đầu tư giảm".
Báo Global Times cũng nhìn nhận, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt nhiều thách thức. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc đang hồi phục dần dần và nước này có đủ công cụ để duy trì mức tăng trưởng ổn định.
Tờ báo trên viết: "Trên thực tế, một số thành phần của kinh tế Trung Quốc vẫn đang bùng nổ, như xe điện, điện mặt trời, điện gió và pin. Trong các lĩnh vực này, đầu tư và xuất khẩu tăng trưởng ở mức hai chữ số. Đây là kiểu tăng trưởng xanh, phát triển công nghệ cao - điều mà các lãnh đạo Trung Quốc mong muốn".