Lợi nhuận đến từ đâu?
Thống kê của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho thấy, hết năm 2006 và quý I/2007, lợi nhuận sau thuế của các CTCK dao động từ 50%-70%. Nổi bật trong năm 2006 là SSI - cái tên được chú ý nhiều nhất với doanh thu 378 tỷ đồng (trong đó lợi nhuận sau thuế là 242 tỷ đồng). Tiếp đến, VCBS cũng bội thu với mức lợi nhuận 108 tỷ đồng; HSC kiếm được 91 tỷ đồng; ACBS bỏ túi 84 tỷ đồng và BVSC với 50,8 tỷ đồng...
Những khoản lợi nhuận khổng lồ các CTCK kiếm được từ những tháng đầu năm 2006 chính là nguyên nhân khiến người ta đổ xô thành lập CTCK. Và cần phải khẳng định, tính đến hết năm 2006, các CTCK ít nhiều đều kiếm được một tương đối, nhưng nếu đem so sánh thì không thấm vào đâu so với những CTCK cỡ bự. Thực tế, trong giai đoạn TTCK đang nóng như năm 2006 với khoảng hơn 200 nghìn tài khoản hoạt động thì đa số đều là khách của SSI, VCBB, BVSC...
Năm 2007, TTCK chỉ sôi động được trong quý I, rồi theo đà xuống dốc. Tuy nhiên, TTCK chưa xuống cận đáy như hiện nay và các CTCK nhanh tay đã bán được một khối lượng cổ phiếu khá lớn, đẩy doanh thu cả năm vẫn ở mức chót vót. Nổi bật trong số đó vẫn là SSI với 858,55 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; BVSC là 214 tỷ đồng, VCBS tổng kết năm với doanh thu và lãi đầu tư ước đạt 437 tỷ đồng (tăng 87% so với năm trước), lợi nhuận trước thuế khoảng 250 tỷ đồng (tăng 108% so với năm 2006)...
Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là các CTCK làm cách nào kiếm được nhiều tiền như vậy?
Qua tìm hiểu tại nhiều CTCK khác nhau với các chức năng như: Tự doanh; môi giới chứng khoán; tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán... thì tự doanh là mảng đem lại nguồn lợi lớn nhất. Với các chức năng còn lại, CTCK vẫn đang duy trì hoạt động đều đặn, nhưng phần trăm thu về trên tổng mức lợi nhuận là rất khiêm tốn, phản ánh đúng thực trạng chung của TTCK Việt Nam hơn 1 năm trước đây.
Có thể nói rằng, SSI chính là một minh chứng rõ nhất trong số các CTCK sống nhờ mảng tự doanh. Chỉ tính riêng trong năm 2006, SSI chỉ đầu từ 147,8 tỷ đồng vào kế hoạch dài hạn, nhưng lại dành tới 1.786 tỷ đồng cho các khoản đầu tư ngắn hạn. Không chỉ có đại gia như SSI biết nắm bắt thời cơ mà ngay cả những cái tên còn khá mới cũng tỏ ra rất khôn ngoan như Kim Long chẳng hạn. Công ty này đã kiếm được 5 tỷ đồng chỉ sau 3 tháng đầu tiên hoạt động với số vốn điều lệ vỏn vẹn 18 tỷ đồng.
Nhìn vào những khoản lợi nhuận kếch xù, chúng ta có thể hiểu được vì sao số lượng các CTCK lại tăng nhanh như vậy. Cụ thể, khi mới thành lập cả thị trường Việt Nam mới chỉ có 4 CTCK, nhưng 1 năm sau con số này đã là 14. Tới cuối năm 2006, số lượng các CTCK được cấp phép hoạt động là 55 và cho tới nay con số này đã tăng lên 87.
Theo ông Nguyễn Phi Hùng - Trưởng khối M&A Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á, Chi nhánh Hà Nội: "Thời gian qua, CTCK sống nhờ mảng tự doanh do có lợi thế về thông tin, sở hữu đội ngũ cán bộ giỏi, có khả năng phân tích thị trường tốt nên đã chớp được cơ hội. Về lâu dài, tôi cho rằng mảng môi giới mới thực sự là thế mạnh của các CTCK. Chính vì thường có lợi thế về mặt tự doanh nên hầu hết các CTCK đều tự tin ôm khá nhiều cổ phiếu và khi thị trường xuống quá sâu như lúc này thì những công ty tiềm lực tài chính tầm tầm khó mà trụ được lâu".
Rủi ro song hành cùng lợi nhuận
CTCK có lợi thế hơn nhà đầu tư cá nhân ở chỗ có chuyên gia giỏi, nhiều kinh nghiệm để có thể dự đoán được tương lai phát triển của những doanh nghiệp mà họ chuẩn bị nhắm tới. Một khi nắm chắc khả năng phát triển của một DN, CTCK sẽ tung tiền ra gom về khối lượng cổ phiếu lớn và tất nhiên khi nguồn cung dần cạn kiệt thì giá tăng và bán ra kiếm bạc tỷ.
Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế về nguồn tin và trình độ nhân sự, CTCK thành công thực sự không chỉ giỏi phán đoán khả năng phát triển của một DN mà còn tiếp cận chính xác với những thông tin nhạy cảm mà đối thủ không làm cách nào có được, thí dụ: Sẽ có các quỹ đầu tư nước ngoài nào sắp vào Việt Nam? Các quỹ đầu tư vào lĩnh vực nào? Đầu tư bao nhiêu tiền?... Khi các quỹ này khớp lệnh thì chính những CTCK đã biết trước và đó là lợi thế để kiếm bạc tỷ.
Xét ở một khía cạnh nào đó, lợi thế này của các CTCK sẽ không thể duy trì lâu dài, bởi nó tạo nên những cuộc cạnh tranh thiếu tính công bằng và việc siết chặt quản lý chỉ còn là chuyện thời gian.
Bên cạnh đó, CTCK mới ra đời cũng khó cạnh tranh được khách hàng với những công ty cũ, nhất là tên tuổi lớn. Cho dù những cái tên mới phải tung khá nhiều chiêu thức như: Miễn phí mở tài khoản, giảm phí môi giới tới mức thấp nhất, nhưng điều mà những khách hàng có tầm nhìn và cẩn trọng quan tâm nhất lại chính là uy tín, khả năng phát triển đã được khẳng định, mà đi liền với nó là quyền lợi của khách hàng được đảm bảo.
Ông Nguyễn Đình Lâm - Trưởng phòng Môi giới Giao dịch Công ty CP Chứng khoán Việt Nam cho rằng: "Thị trường chung đi xuống như thời gian qua đã gây trở ngại rất lớn cho sự phát triển của các CTCK. Tôi nghĩ, tình trạng ảm đảm của TTCK sẽ còn kéo dài tới cuối năm và rất có thể sẽ có CTCK phải bán một phần hoặc thậm chí bán cả công ty cho các đối thủ nội địa, vì không có đủ tiềm lực tài chính duy trì hoạt động. Hiện nay, nhiều CTCK đã mời các đối tác nước ngoài hợp tác và đó cũng là một cách để tồn tại. Tình hình chung hiện nay chỉ có một số ít CTCK lớn không phải lo ngại lắm, bởi suốt 3 năm qua họ đã kiếm hàng trăm tỷ đồng".
Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu có sớm xảy ra những cuộc tháo chạy? Nhiều chuyên gia phân tích chứng khoán tin rằng, sớm muộn gì thì điều này cũng trở thành sự thật. Thực tế cho thấy, trước khả năng sinh lời cao của các CTCK vào năm 2006, UBCKNN đã đưa ra dự báo: Cuối năm 2008, số lượng các CTCK có thể tăng gấp 3 lần so với đầu năm 2007. Tuy nhiên, TTCK năm vừa qua đã đi xuống khá nhanh và dự đoán về việc các CTCK ồ ạt ra đời cũng đã chuyển hướng.
Với tình hình hiện nay, rõ ràng Tự doanh của các CTCk không thể có lợi nhuận lớn như năm 2006 và đầu năm 2007. Vậy các CTCK lấy đâu ra tiền duy trì hoạt động?
Theo ông Bùi Đức Thịnh - Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia: "Đã nửa năm trôi qua, thị trường liên tục đi xuống nên dịch vụ môi giới không đem lại doanh thu cho các CTCK. Với dịch vụ tư vấn thì ở thời điểm này các doanh nghiệp đang giãn IPO, kéo theo đó là một số dịch vụ khác cũng khó khai thác. Mảng tự doanh vốn đem lại nhiều lợi nhuận cho CTCK, nhưng giờ nguồn tài chính đã gần như cạn kiệt, do đã giải ngân giai đoạn trước nên khó thực hiện được phương pháp phòng vệ là mua vào để cân bằng với khối lượng cổ phiểu bị trượt giá".
Ông Nguyễn Phi Hùng cũng cho rằng: "Hiện nay, hoạt động tư vấn - môi giới chưa thực sự phát triển mạnh, trong khi lẽ ra các CTCk phải đảy mạnh mảng này. Từ khi TTCK Việt Nam phát triển mạnh cho đến nay, doanh thu phần lớn của các CTCK đều nằm ở mạng tự doanh, nhưng rõ ràng đây là con dao hai lưỡi. Nói là CTCK phá sản thì cũng chưa hẳn, chẳng qua là họ bị đọng vốn quá nhiều ở mạng tự doanh, nhưng nếu bán ra bây giờ thì còn lỗ còn nếu tiếp tục giữ thì e rằng khó kiếm được nguồn tài chính cho hoạt động chung của công ty, nhất là khi các ngân hàng vẫn đang phải siết chặt đầu ra".
Theo Doanh Nhân