Nhỏ Bình thường Lớn

Lính Mỹ trở lại Philippines

Sức ép từ những ý kiến phản đối sự dính líu của quân đội Mỹ khiến Washington bị loại khỏi một trong những căn cứ hải quân lớn nhất, Vịnh Subic vào năm 1992, cùng với các cơ sở quân sự khác ở Philippines. Giờ đây, sau hơn hai thập kỷ, Manila đang thúc giục Washington trở lại, kể cả ở Subic.
Tàu chiến Mỹ tham gia tập trận ở Vịnh Subic năm 2010.

Đôi bên cùng lợi

Ngay trước thềm chuyến thăm hai ngày (28-29/4) của Tổng thống Mỹ Barack Obama, chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ kể từ năm 2003 tới Philippines, Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (AEDC) đã được ký kết ở Bộ Quốc phòng Philippines. Sau tám tháng đàm phán với nhiều thời khắc cam go, Thỏa thuận đã mở đường cho quân đội Mỹ trở lại Philippines, dẫu chỉ trên cơ sở "tạm thời và luân chuyển".

Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino cho biết: "Các điều khoản sẽ cho phép lực lượng vũ trang Philippines (AFP) chia sẻ một số khu vực nhất định với lực lượng quân đội Washington". Các quan chức quốc phòng Philippines cũng tin tưởng rằng Thỏa thuận có hiệu lực trong mười năm này sẽ hỗ trợ hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Philippines và giúp nước này có được thế trận quốc phòng vững chắc hơn.

Những căn cứ quân sự của Mỹ đã có mặt ở Philippines từ thời kỳ thuộc địa và được mở rộng sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đến năm 1991, trước những áp lực mạnh mẽ trong nước, Thượng viện Philippines quyết định đóng cửa các căn cứ quân đội Mỹ.

Với thỏa thuận quốc phòng mới này, Chính phủ Philippines nhấn mạnh mục đích là tăng cường sự hiện diện luân phiên của quân đội Mỹ ở Philippines. Hiến pháp Philippines không cho phép các căn cứ quân sự nước ngoài hiện diện, quân đội Mỹ chỉ có thể có quyền tiếp cận các căn cứ sẵn có của Philippines, nơi Philippines vẫn có quyền điều hành tối cao. Hiện hoạt động quân sự của Mỹ tại Philippines giới hạn ở các cuộc diễn tập thường niên và thăm cảng. Bên cạnh đó, từ năm 2002, ở phía Nam đất nước cũng có một lực lượng cố vấn quốc phòng Mỹ giúp Philippines chống lại nhóm khủng bố Abu Sayyaf có mối liên hệ với Al Qaeda.

Mặc dù sự hợp tác quân sự giữa hai đồng minh lâu đời ở châu Á được tuyên bố là tập trung vào các mối đe dọa ở trong nước và ứng phó với thiên tai nhưng thỏa thuận mới được ngầm hiểu là nhằm tăng cường các khả năng răn đe của Manila đối với Trung Quốc ở các khu vực biển tranh chấp. Philippines có thể được lợi từ việc Mỹ bố trí vũ khí tinh vi trên bờ biển nước này. Thỏa thuận vừa ký kết cũng sẽ tạo cơ hội gia tăng các cuộc diễn tập quân sự chung.

Về phía Washington, các quan chức Nhà Trắng khẳng định AEDC là một phần của chiến lược "Tái cân bằng" của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều nhà phân tích cho rằng việc ký kết AEDC là một cách Mỹ khẳng định sự hiện diện quân sự tại châu Á, làm yên lòng các đồng minh.

Chưa hết hồ nghi

Sự trở lại của quân đội Mỹ gặp phải không ít trở ngại trong nước. Các cuộc biểu tình chống đối đã diễn ra trước và trong chuyến thăm của Tổng thống. Nhiều chính trị gia dân tộc chủ nghĩa, những người đã vận động để Mỹ rút khỏi các căn cứ quân sự hai thế kỷ trước vẫn giữ nguyên lập trường. Mặc dù Chính quyền của Tổng thống B. Aquino III đã khẳng định rằng AEDC phù hợp với các hiệp ước hiện tồn tại giữa Philippines và Mỹ nên không cần thiết phải có sự phê chuẩn của Thượng viện nhưng nhiều nghị sĩ vẫn cho rằng Thỏa thuận cần phải có sự giám sát và phê chuẩn riêng để bảo đảm những lợi ích quốc gia của Philippines.

Những người phản đối AEDC chỉ ra rằng cho đến nay chính quyền Obama vẫn đang miễn cưỡng trở thành một bên liên quan trực tiếp trong các tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông. Tờ Wall Street Journal thì cho rằng Washington dường như đang phải đi trên dây trong những nỗ lực thắt chặt hơn quan hệ đồng minh với Philippines vì thực tế Mỹ cũng không muốn "chọc giận" Trung Quốc. Trong rất nhiều vụ việc, Washington thường chứng tỏ vị trí trung lập.

Còn các quan chức Mỹ tháp tùng Tổng thống Obama thì khẳng định rằng Thỏa thuận nhằm đem lại một sự ổn định lớn hơn cho khu vực chứ không nhằm đối chọi với sự gia tăng tiềm lực quốc phòng của Bắc Kinh. "Chúng tôi ký hiệp định không phải vì Trung Quốc", Evan Medeiros, cố vấn hàng đầu về châu Á của Obama cho biết.

CHÂU LONG