Bom lượn Drel, được đánh giá có thể là "siêu vũ khí tương lai" của Nga. (Nguồn: Sputnik) |
“Bom lượn được máy bay thả xuống và tự bay tới mục tiêu trong một khoảng cách nhất định, không phải theo chiều dọc mà theo chiều ngang, nhắm tới mục tiêu đã đề ra trong chương trình. Điều này được thực hiện để đảm bảo máy bay không đi vào vùng hoạt động của hệ thống phòng không đối phương”, Đại tá Litovkin giải thích.
Ông Viktor Litovkin nói rằng, bom lượn Drel có khả năng xuyên thủng hầu hết mọi loại vật cản, dù là kim loại, bê tông hay đất. Nó cũng có khả năng tấn công đồng thời nhiều mục tiêu.
“Bom lượn Drel xuyên sâu vào lòng đất, qua nhiều công trình bảo vệ khác nhau, xuyên qua bê tông, giáp kim loại. Khi tiếp cận mục tiêu, nó có thể tách thành một số quả bom tương tự có đường kính nhỏ hơn. Một quả bom thông thường sẽ đánh trúng một xe tăng, nhưng bom lượn có khả năng tiêu diệt vài chiếc”, Đại tá Viktor Litovkin thông tin.
Trước đó, Tập đoàn nhà nước Rostec của Nga cho biết việc sản xuất hàng loạt bom lượn Drel sẽ bắt đầu vào năm 2024. Loại vũ khí này đã vượt qua tất cả các cuộc thử nghiệm và hiện nhà sản xuất đang phát triển một dòng phụ tùng chi tiết dành cho nó.
Việc nghiên cứu phát triển bom lượn Drel được thông báo lần đầu vào năm 2016, và loại bom lượn mới này sẽ không bị phát hiện trên radar, theo TASS.
Bom lượn Drel được thiết kế để phá hủy xe bọc thép, trạm radar mặt đất, trung tâm kiểm soát nhà máy điện và hệ thống tên lửa phòng không của đối phương.
Không giống như bom trọng lực thông thường, bom lượn có bề mặt điều khiển bay cho phép máy bay tấn công thả chúng ở cự ly cách xa mục tiêu thay vì phải bay ngay phía trên mục tiêu.
Theo bản cập nhật tình báo của Bộ Quốc phòng Anh hồi cuối tháng 11/2023, có khả năng Nga đã tích hợp bộ kit bay lượn với bom chùm RBK-500 nặng gần 500 kg.
“Nhìn chung bom lượn của Nga có độ chính xác không cao. Tuy nhiên, nếu một quả bom phóng ra với số lượng lớn đạn con thì mục tiêu bị nhắm tới sẽ phải chịu độ sát thương đáng kể”, theo bản cập nhật tình báo của Anh.