📞

Lỡ hẹn với RCEP và bài toán khó về cân bằng lợi ích

Minh Anh 08:57 | 08/11/2019
TGVN. Những xung đột lợi ích và cả bối cảnh mới không thuận lợi là những thách thức mà RCEP sẽ tiếp tục phải đối mặt để đi đến thành công trong tương lai gần.
Dư luận Ấn Độ, từ các ngành công nghiệp, các thương nhân và nông dân đánh giá cao quyết định không tham gia RCEP của Chính phủ. (Nguồn: Indiatoday)

Ý tưởng về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) được đề xuất vào tháng 11/2012 và các cuộc đàm phán được khởi động vào năm 2013, với mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế giữa ASEAN và 6 đối tác thương mại lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand.

Ban đầu, các nước tham gia dự kiến ký kết RCEP vào năm 2015, nhưng đã bị trì hoãn nhiều lần, chủ yếu do thiếu các thỏa thuận thương mại tự do song phương giữa một số đối tác, chẳng hạn giữa Trung Quốc với Nhật Bản, giữa Ấn Độ với Trung Quốc...

Bối cảnh mới, tính toán mới

Kéo dài suốt 7 năm, đến năm 2019, các cuộc đàm phán được thông báo là đã có nhiều tiến triển, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc có xung đột kinh tế. Việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP vào năm 2017 cũng là một động lực khiến các cuộc đàm phán được đẩy nhanh hơn. Trước thềm các cuộc họp ở Bangkok, nước chủ nhà ASEAN 35 - Thái Lan cũng cho biết, việc đàm phán đã hoàn thành được hơn 80%.

Tuy nhiên, chính tại nơi các nhà lãnh đạo châu Á hy vọng sẽ tuyên bố một bước đột phá - chính thức khép lại đàm phán RCEP, vào phút cuối Ấn Độ đã thông báo rút lui do những vấn đề quan trọng về lợi ích cốt lõi vẫn chưa được giải quyết. Mục tiêu kết thúc đàm phán RCEP vào năm 2019 vì thế một lần nữa bị lỡ.

Ấn Độ là một đối tác quan trọng của ASEAN, giống như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Lý do Ấn Độ rút khỏi RCEP là do làn sóng phản đối ở trong nước, lo ngại thị trường nước này sẽ tràn ngập hàng giá rẻ từ Trung Quốc khi thuế quan bị xóa bỏ, khiến thâm hụt mậu dịch nghiêm trọng hơn. New Delhi cũng lo ngại nền sản xuất nội địa sẽ phải chịu sự cạnh tranh quá lớn, thậm chí bị xóa sổ, nhất là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, công nghệ thấp và ảnh hưởng tới thị trường lao động, tầng lớp lao động nghèo.

Ngay lập tức, dư luận Ấn Độ, từ các ngành công nghiệp, các thương nhân và nông dân đánh giá cao quyết định của Chính phủ không tham gia một RCEP bị cho là do Trung Quốc hậu thuẫn. Tại cuộc họp với các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Narendra Modi đã nhắc lại những lo ngại này và cho rằng, trong số những vấn đề mà Ấn Độ thấy chưa thỏa đáng có việc “tham gia thị trường một cách có ý nghĩa đối với tất cả các bên”.

Trong khi đó, chiến tranh thương mại với Mỹ dường như là nguyên nhân khiến Trung Quốc càng nỗ lực thúc đẩy RCEP. Bởi Hiệp định sẽ giúp Bắc Kinh giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ và có thêm một thị trường rộng lớn thay thế. Chính bối cảnh mới này và những tính toán của Trung Quốc khiến không ít các đối tác, đặc biệt là Ấn Độ lo ngại. Nhiều người đã đề cập vấn đề này như là lý do quan trọng trong động thái mới nhất của New Delhi.

Khác biệt và xung đột lợi ích

Theo giới phân tích, về lý thuyết, một khu vực kinh tế và thương mại muốn thành công thì cần có một hoặc vài nền kinh tế đóng vai trò dẫn dắt. Tuy nhiên, 16 thành viên RCEP, chiếm trên 30% GDP toàn cầu, bởi nhiều lý do khác nhau, nhóm vẫn chưa thể “tìm được mặt để gửi vàng”. Không chỉ vậy, giữa các thành viên RCEP vẫn tồn tại nhiều khác biệt về cả lợi ích kinh tế và chính trị, thậm chí cả những xung đột lợi ích dẫn đến cản trở tiến trình đàm phán.

Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ nổi lên là một cặp có lợi ích kinh tế xung đột khi cùng tham gia RCEP. Từ nhiều thế kỷ qua, Đông Nam Á vốn là nơi giao thoa ảnh hưởng của hai nước lớn luôn tranh giành vị trí dẫn đầu về cả văn hóa và kinh tế. Nay Ấn Độ đang chịu thâm hụt thương mại khoảng 60 tỷ USD/năm với Trung Quốc.

Đối với Trung Quốc, ASEAN là cánh cửa quan trọng trên Con đường tơ lụa mới, một kế hoạch hạ tầng cơ sở quy mô thế giới nhằm phục vụ cho các tham vọng của Trung Quốc. Bắc Kinh coi RCEP là trụ cột chính trong chiến lược thương mại với các nước láng giềng châu Á. Việc hoàn tất Thỏa thuận càng trở nên cấp bách với Trung Quốc, bởi hy vọng được bù đắp những tổn thất mà nước này đang phải gánh chịu trong cuộc chiến thương mại chưa thấy hồi kết với Mỹ.

Còn đối với Ấn Độ, ASEAN giữ vai trò chủ đạo trong chính sách Hành động Hướng Đông, vốn coi các trao đổi với châu Á là mối ưu tiên. Vì lẽ đó mà Thủ tướng Ấn Độ, thay vì đề cập đàm phán RCEP, ông chỉ nói về quan hệ đối tác với ASEAN và quyết định xem xét lại thỏa thuận thương mại ASEAN - Ấn Độ.

Một trở ngại lớn khác đối với thành công của RCEP không thể không kể đến cặp xung đột Nhật Bản - Hàn Quốc. Hay “quan hệ tay ba” Ấn Độ - Nhật Bản - Hàn Quốc cũng đang có những xung đột nhất định. Những số liệu gần đây cho thấy Ấn Độ đang phải chịu thâm hụt mậu dịch gia tăng với hai nước này trong khuôn khổ FTA giữa họ với nhau. Do đó, Ấn Độ đã gửi yêu cầu sớm xem xét lại FTA với cả Nhật Bản và Hàn Quốc.

Kết thúc các hội nghị tại Thái Lan, theo thông cáo chung, các nước tham gia đàm phán RCEP đã đồng ý trên nguyên tắc về các lời văn trong 20 chương của Hiệp định, thống nhất kết thúc đàm phán và thúc đẩy ký kết trong năm 2020. Dù New Delhi được hoan nghênh trở lại RCEP bất cứ khi nào sẵn sàng, thì có thành viên thậm chí đã đề xuất khả năng xúc tiến thỏa thuận mà không có Ấn Độ. Tuy nhiên, trên thực tế, sự hiện diện của Ấn Độ trong thỏa thuận thương mại này được cho là sẽ giúp các quốc gia Đông Nam Á cân bằng với Trung Quốc.

Bởi vậy, vẫn cứ phải chờ xem liệu các nước ASEAN có quyết định ký hiệp định mà không có sự ủng hộ của Ấn Độ hay không. Là nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, nhiệm vụ quan trọng sẽ đặt lên vai Việt Nam là chốt lại những vấn đề gai góc nhất để đàm phán RCEP có thể đi tới đích.