Ảnh minh họa. (Nguồn: Pixabay) |
Hiện có hơn 10.000 doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc), kể cả các nhà cung ứng cho Apple là Foxconn và Wistron đang hoạt động quy mô lớn ở Trung Quốc, nhờ những biện pháp khuyến khích thuế, chuỗi cung ứng và kho vận có tổ chức, các khu công nghiệp hiệu quả cũng như mối liên kết văn hóa với hòn đảo này.
Tuy nhiên, thương chiến giữa Washington và Bắc Kinh đã khiến lượng hàng hóa trị giá hàng chục tỷ USD phải chịu thuế cao hơn, phá vỡ các chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến nhiều công ty phải tìm kiếm những quốc gia khác để tránh thuế cao.
Phát biểu với báo giới tại New Delhi ngày 20/9, ông Shih-Chung Liu, Phó Chủ tịch Hội đồng Phát triển Ngoại thương Đài Loan cho biết: "Cuộc chiến tranh thương mại này đã khiến thêm nhiều công ty Đài Loan nghiên cứu những lựa chọn khác. Do đó, Ấn Độ và các thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là những thị trường thay thế".
Các công ty Đài Loan đang muốn đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ, năng lượng tái tạo, xe điện và nông nghiệp của Ấn Độ.
Ông Shih-Chung Liu đánh giá Ấn Độ nằm trong số những thị trường quan trọng nhất và là một ưu tiên trong chính sách hướng Nam mới của vùng lãnh thổ Đài Loan. Chính sách này tập trung vào tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục và thương mại với 18 quốc gia Nam Á và Đông Nam Á.
Vùng lãnh thổ Đài Loan đã mở 4 văn phòng thương mại ở Ấn Độ trong những năm qua và kim ngạch thương mại hai chiều với nền kinh tế lớn thứ ba châu Á đạt 7 tỷ USD trong năm 2018. Ông Chung-Kwang Tien, đại diện Trung tâm Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc tại Ấn Độ nhận định, thương mại hai chiều có thể sẽ đạt 10 tỷ USD trong vài năm tới.