📞

Lo ngại vũ khí hạt nhân trong tay Nga, phần lớn người Đức mong chính phủ hành động kiềm chế

Thục Phương 09:55 | 20/10/2022
Theo một khảo sát mới đây, đa số người dân Đức muốn chính phủ liên bang tiếp tục hành động kiềm chế do lo ngại về mối đe doạ hạt nhân từ Nga.
Thủ tướng Đức đã đến thăm chương trình huấn luyện cho các binh sĩ Ukraine ở Putlos gần Oldenburg ngày 25/8. (Nguồn: AFP)

Kết quả cuộc khảo sát do Quỹ Körber của Đức thực hiện cho thấy, phần lớn người dân Đức phản đối vai trò lãnh đạo quân sự của nước này ở châu Âu.

Liên quan đến xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài hơn nửa năm, dường như người Đức chỉ hoan nghênh việc thay đổi chính sách an ninh ở nước này một cách hạn chế và thận trọng do lo ngại về mối đe doạ hạt nhân từ Nga.

Cụ thể, 52% số người được hỏi muốn chính phủ liên bang tiếp tục hành động kiềm chế trên phạm vi quốc tế. Mức này cao hơn 2% so với cuộc khảo sát một năm trước, thời điểm chưa có xung đột ở Ukraine.

Trong số 41% ý kiến ủng hộ sự can dự nhiều hơn của Đức có gần 2/3 mong muốn giải pháp ngoại giao hơn. Những người được hỏi thậm chí còn bày tỏ hoài nghi hơn về nỗ lực để Đức đóng vai trò là cường quốc hàng đầu trong các vấn đề quân sự.

Hồi tháng 9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng quân đội liên bang Đức phải trở thành lực lượng vũ trang được trang bị tốt nhất châu Âu, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht nói rằng Đức đã đóng vai trò như một cường quốc hàng đầu do sức nặng của mình, kể cả trong vấn đề quân sự cho dù Đức "có muốn hay không".

Khi được hỏi về quan điểm này, có 2/3 số ý kiến từ chối một vai trò như vậy của Đức, song đa số vẫn ủng hộ Đức về lâu dài cần chi nhiều hơn cho tiềm lực quân sự.

Trong khi đó, có tới 80% số người được hỏi lo ngại cuộc xung đột hiện nay có thể lan sang lãnh thổ các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), 72% coi Nga là mối đe doạ trực tiếp đối với an ninh của Đức và 69% lo ngại về mối đe doạ hạt nhân của Moscow.

Cũng theo khảo sát, người Đức coi Mỹ là đảm bảo quan trọng nhất cho việc bảo vệ châu Âu, với 81% nhận định về điều này, tăng so với mức 73% một năm trước.

Về quan hệ Đức-Mỹ, có tới 4 trong 5 người được hỏi, dù ở Mỹ hay ở Đức, coi mối quan hệ song phương đang ở mức tốt hoặc rất tốt.

(theo time.news)