📞

Lo ngân hàng mua trái phiếu để đảo nợ, rót vốn sân sau

Hà Tâm 12:19 | 13/09/2021
Lo lắng về các biến tướng xung quanh hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại có lẽ là lý do chính khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự định siết chặt hoạt động này.

Có hay không chuyện ngân hàng mua trái phiếu để đảo nợ, lách tín dụng?

Thống kê của các công ty chứng khoán cho thấy, 7 tháng đầu năm nay, ngân hàng và các công ty chứng khoán là bên mua lớn nhất của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo dữ liệu từ FiinGroup, hơn 70% trái phiếu doanh nghiệp hiện nay do các ngân hàng nắm giữ (trực tiếp hoặc gián tiếp qua các công ty chứng khoán).

Rõ ràng, ngân hàng chính là “tay chơi” lớn nhất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã mang lại lợi nhuận khủng cho các nhà băng, nhất là Techcombank, MB, SHB, TPBank…

Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã mang lại lợi nhuận tốt cho các nhà băng. (Nguồn: TP Bank)

Thế nhưng, hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng tới đây có thể bị siết lại với hàng loạt quy định cấm trong Dự thảo sửa đổi Thông tư 22/2016/TT-NHNN. Theo đó, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.

Bên cạnh đó, trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng đã bán hoặc trái phiếu doanh nghiệp được phát hành cùng lô, cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng đã bán; chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó…

Việc ngân hàng rầm rộ mua trái phiếu doanh nghiệp gây khá nhiều tranh cãi. Một số chuyên gia cho rằng, ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp không chỉ để đầu tư, mà là để đảo nợ cho các công ty sân sau hoặc “lách” hạn mức tín dụng với một số doanh nghiệp thân hữu.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, việc ngân hàng ào ạt mua trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua không loại trừ mục đích đảo nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khó khăn sẽ phát hành trái phiếu, ngân hàng mua lại và doanh nghiệp dùng số tiền bán trái phiếu thu về để trả nợ ngân hàng. Nói cách khác, đây là một cách ngân hàng và doanh nghiệp bắt tay nhau dùng trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Thừa nhận cái khó của cơ quan quản lý, song ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, để thuyết phục, trước khi siết hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại, NHNN phải thanh, kiểm tra, chỉ rõ được việc có hay không hiện tượng lợi ích nhóm của ngân hàng khi mua trái phiếu doanh nghiệp, có hay không chuyện lợi dụng mua trái phiếu doanh nghiệp để “lách” tín dụng hoặc đảo nợ, rót vốn cho công ty sân sau, tỷ lệ nợ xấu của trái phiếu doanh nghiệp ra sao…

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không nên vì những hiện tượng biến tướng ở một vài ngân hàng mà gây khó khăn cho cả thị trường. Trên thực tế, thời gian qua, quy trình mua trái phiếu doanh nghiệp được các ngân hàng thẩm định rất chặt chẽ, hầu hết tổ chức tín dụng chỉ mua, bán các trái phiếu doanh nghiệp có chất lượng tốt. Nếu đưa ra các biện pháp cấm cản phi thị trường, hiện tượng lách luật dễ xảy ra.

Nên siết bằng các tỷ lệ an toàn

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, mua bán giấy tờ có giá (trong đó có trái phiếu doanh nghiệp) là sản phẩm phái sinh cần được mở rộng, tạo điều kiện phát triển, giúp các ngân hàng thương mại đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ. Đây là nghiệp vụ đã được luật cho phép, việc đưa các quy định cấm quá khắt khe là không nên.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, chính sách cần quản trị, chứ không nên cai trị. Muốn quản trị, phải tách riêng từng loại trái phiếu doanh nghiệp: trái phiếu có tài sản đảm bảo và không có tài sản đảm bảo, có bảo lãnh và không có bảo lãnh của ngân hàng thương mại hoặc bên thứ ba… Sau khi xác định mức độ rủi ro từng loại trái phiếu doanh nghiệp, sẽ đưa ra mức khống chế tỷ lệ đầu tư chung vào trái phiếu doanh nghiệp của mỗi ngân hàng, khống chế tỷ lệ nợ xấu, yêu cầu tỷ lệ dự phòng rủi ro ở mức phù hợp…

Theo ông Hùng, để tránh các ngân hàng “làm bậy”, Ngân hàng Nhà nước chỉ nên đưa ra khung pháp lý định hướng, chứ không nên làm thay các tổ chức tín dụng. “Vốn của họ, hãy trao cho họ quyền và để họ tự chịu trách nhiệm, nếu họ làm sai thì phải thanh tra, xử lý. Chính sách không thể làm thay, làm hộ tổ chức tín dụng và cũng không thể cấm họ làm những nghiệp vụ mà pháp luật cho phép”, ông Hùng kiến nghị.

Đi vào quy định mà Dự thảo Thông tư đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng, có nhiều điểm bất hợp lý. Ví dụ, Dự thảo Thông tư quy định, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác hoặc để tăng quy mô vốn hoạt động.

Các ngân hàng thương mại cho rằng, pháp luật hiện hành không cấm doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp để mua cổ phần, vốn góp hay tăng vốn (đây là nghiệp vụ phổ biến của doanh nghiệp bất động sản). Điều này cũng không phải là yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của ngân hàng thương mại.

Trên thực tế, các quy định hiện hành đã yêu cầu ngân hàng thương mại khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phải đảm bảo các yếu tố: tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR); giới hạn cấp tín dụng các đối tượng; giới hạn cấp tín dụng một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan; tỷ lệ tăng trưởng tín dụng… Vì vậy, việc siết cả mục đích phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phát hành là quá khắt khe và không hợp lý.

Việc Dự thảo Thông tư quy định “tổ chức tín dụng trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp thì không được mua trái phiếu doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng đã bán hoặc trái phiếu doanh nghiệp được phát hành cùng lô, cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng đã bán” cũng gây ra nhiều phản ứng từ tổ chức tín dụng.

Ngân hàng khi mua trái phiếu doanh nghiệp kỳ hạn dưới 12 tháng đều tính vào tăng trưởng tín dụng, khi bán trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đều trích lập dự phòng theo đúng quy định trong trường hợp trái phiếu doanh nghiệp giảm giá, việc mua bán là giao dịch thực chất. Một khi đã đảm bảo an toàn, việc cấm tổ chức tín dụng mua tiếp trái phiếu của doanh nghiệp đó là vô lý, làm mất cơ hội kinh doanh của ngân hàng, cũng như làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, thành viên HĐTV Ngân hàng Agribank cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở giai đoạn manh nha còn rất nhiều bất cập, tác dụng có nhưng bị lợi dụng cũng có. Trái phiếu doanh nghiệp cũng là một loại tín dụng, nhưng dòng tiền khi qua kênh trái phiếu doanh nghiệp khó quản lý hơn tín dụng, chưa kể, trái phiếu doanh nghiệp cũng rất nhiều loại, thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp là khác nhau. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần phân loại để quản lý cho phù hợp, nếu quản trái phiếu doanh nghiệp như quản lý tín dụng thì ngân hàng sẽ rất khó thực hiện.

(theo Báo Đầu tư)