Các doanh nghiệp thép trong nước đang bỏ rơi một phần thị trường không nhỏ cho thép ngoại. |
Từ giữa tháng 2, các loại thép cuộn dùng trong xây dựng có nguồn gốc từ Indonesia, Thái Lan, Malaysia với mức thuế nhập khẩu 0% được các công ty thương mại chào giá bán sỉ 10,5 triệu đồng/tấn, sau đó giảm còn 9,5-9,6 triệu đồng/tấn. Nếu so sánh với giá bán thì thép nhập khẩu từ ASEAN rẻ hơn 700-800.000 đồng/tấn. Đây là sức ép rất lớn đối với doanh nghiệp trong nước khi khả năng tiêu thụ vẫn ở mức thấp. Không chỉ thép cuộn từ ASEAN, mà thép nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nga cũng đã xuất hiện trên thị trường với giá bán nhỉnh hơn thép trong khu vực Đông Nam Á khoảng 100 – 150.000 đồng/tấn, dù thuế suất nhập khẩu lên đến 12% (do có chất lượng cao hơn).
Cảnh báo về tình trạng nhập khẩu thép cuộn từ các nguồn trong ASEAN, các chuyên gia cho rằng, tuy mới chỉ có thép cuộn được nhập khẩu vào Việt Nam, nhưng với tỷ lệ thép cuộn chiếm khoảng 30% tổng lượng thép xây dựng tiêu thụ thì rõ ràng các doanh nghiệp trong nước đang bỏ rơi một phần thị trường không nhỏ cho thép ngoại.
Cùng là tâm điểm trong tuần qua, nhưng ngành thủy sản Việt Nam lại mang khuôn mặt trái chiều so với ngành thép. 90% công việc khai thông trở lại thị trường Nga của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã được hoàn thành. Cục Quản lý Chất lượng Vệ sinh An toàn và Thú y Thủy sản (Nafiqad) và Cục Kiểm dịch động, thực vật LB Nga (VPSS) đã thống nhất tạm thời giảm số nhà xuất khẩu đến mức thích hợp. Ngày 16/3, đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang Nga để ký hợp đồng với các nhà nhập khẩu Nga với sự chứng kiến của đại diện VPSS và việc mở lại thị trường Nga sẽ hoàn tất.
Tin vui của ngành thủy sản còn đến từ thị trường Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố 2 doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá cá tra vào Mỹ trong đợt xem xét hành chính mới đây. Đó là Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản miền Nam (South Vina) và Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco). Với quyết định mới này của DOC, có thêm nhiều doanh nghiệp có cơ hội đưa cá tra vào thị trường Mỹ hơn, vì trước xem như chỉ Công ty Vĩnh Hoàn, nay có tới 6 doanh nghiệp.
Thông tin thương vụ Việt Nam tại Brazil cũng cho biết, nước này đã có công văn ngày 12/1/2009 thông báo danh sách 60 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đã được công nhận đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang thị trường Brazil. Cho tới nay, Brazil vẫn nhập thủy sản xuất xứ Việt Nam thông qua các doanh nhân các nước thứ ba. Brazil là thị trường rộng lớn với 190 triệu người tiêu dùng, ưa chuộng mặt hàng thuỷ sản, đặc biệt là cá tra, basa.
Ngoài hai tâm điểm trên, thị trường còn chứng kiến sự tăng giá của phân bón. Từ đầu tháng 3 đến nay, giá phân bón urê bán lẻ trong nước phổ biến ở mức 6.500–6.800 đ/kg, tại một số địa phương có mức giá 7.000 đ/kg. Các loại phân khác như SA, Kali, phân lân, NPK… cũng có xu hướng tăng. Nguyên nhân giá phân bón tăng nhẹ là do tác động cả về nguồn cung, nhu cầu mùa vụ tại thị trường trong nước và thị trường bên ngoài.
Mặt hàng được dự báo ổn định nhất trong mùa Hè là đường. Nguồn cung đường dồi dào do đang trong thời kỳ giữa vụ thu hoạch sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Trong tháng 2, các nhà máy đã ép được khoảng 1,8 triệu tấn mía, cho sản lượng 175.000 tấn đường. Tồn kho còn khoảng hơn 200.000 tấn. Vì vậy, sau khi giảm trong tháng Giêng, giá bán đường trong tháng 2 hiện ở mức 10.000-15.000 đồng/kg. Dự kiến, tháng 3, các nhà máy sẽ ép khoảng 1,8 triệu tấn mía, sản xuất 175.000 tấn đường.
Nguyễn Minh