Ảnh minh họa |
Vào tháng 5/1997, một cậu bé 3 tuổi được nhập viện ở Hồng Kông sau khi mắc bệnh cúm trong một tuần. Hai ngày sau, cậu bé chết vì viêm phổi. Trường hợp của cậu đã gây chú ý sau khi có thêm 17 bệnh nhân nhiễm cúm. Tổng cộng, 6 người đã chết về chủng cúm chưa bao giờ phát hiện ở người, được đặt tên là H5N1.
Tuy nhiên, H5N1 không hề “mới”. Nó đã gây bùng phát bệnh ở gia cầm Scotland năm 1959 và gà tây Anh năm 1991. Nó còn giết chết vô số ngỗng ở Quảng Đông, Trung Quốc năm 1996. Nhưng những sự kiện đó không được cho là quan trọng bởi các nhà nghiên cứu cho đây chỉ là một chủng cúm gia cầm. Năm 1997, sau Hồng Kông, hơn 20 nước phát hiện người nhiễm cúm gia cầm với hơn 600 trường hợp, gần một nửa trong số đó ở vào tình trạng nguy kịch. Trong khi các nhà khoa học đang theo dõi chặt chẽ các biến đổi của H5N1 thì một loại virus cúm khác - H1N1 – tấn công chúng ta năm 2009 và lây lan toàn thế giới, lần này là từ lợn.
Khi một bệnh truyền nhiễm được phát hiện, một trong những câu hỏi đầu tiên được đặt ra là “nó từ đâu tới”?. Các nghiên cứu cho thấy, khoảng 75% bệnh truyền nhiễm mới phát hiện và đang gia tăng mức độ lây lan là có nguồn gốc từ động vật. Ngay cả những bệnh lây lan tự do trong con người mà chúng ta đã biết, như lao phổi, HIV, sởi, đậu mùa, đều có nguồn gốc từ động vật.
Vậy những loài vật nào có thể truyền bệnh nhiều nhất cho con người? Thứ nhất là dơi. Đây là loài vật rất dễ bị nhiễm nhiều loại virus. Chúng lây truyền các loại virus này sang các động vật khác qua đường cắn hoặc phân. Virus có nguồn gốc từ dơi cổ điển nhất là loại virus bệnh dại, nhưng dơi cũng được cho là nguồn phát tán những virus khác như Ebola, Nipah và Hendra. Dơi cũng là nguồn phát tán virus SARS từng hoành hành tại châu Á sau đó gây nhiễm bệnh cho hơn 8.000 người và giết hại gần 899 người từ tháng 11/2001 - 7/2003 tại 37 quốc gia.
Tiếp theo là chim. Trên thực tế, các loại chim nước hoang dã được xem là kho lưu trữ tất cả loại virus cúm đã được phát hiện, trong đó có virus gây viêm não West Nile. Với hoạt động di cư, chim cũng là loại đặc biệt “hiệu quả trong việc “giới thiệu” các mầm bệnh sang khu vực mới.
Động vật linh trưởng cũng chứa một số mầm bệnh có thể lây nhiễm cho con người. HIV là một kết quả của việc virus “nhảy” loài từ linh trưởng sang người, có thể là do việc giết thịt những con vật bị nhiễm bệnh. Ngoài ra còn có chuột đồng và chuột nhà. Những con bọ chét nhiễm bệnh ở trên chuột lây lan vi khuẩn Yersinia, vi khuẩn từng gây đại dịch hạch “Cái chết Đen” ở châu Âu. Gần đây, chuột còn gây sự bùng nổ triệu chứng viêm phổi do hantavirus tại Công viên quốc gia Yosemite (Mỹ) làm 3 người thiệt mạng và ít nhất 10 người nhiễm bệnh.
Cuối cùng, việc thuần hóa gia cầm và động vật nuôi chắc chắn đánh dấu một bước chuyển trong lịch sử con người, nhưng nó cũng động nghĩa với việc đặt con người vào vị trí tiếp xúc thường xuyên với những vi khuẩn mà các động vật này mang theo. Virus sởi nhiễm vào con người có thể cũng phát triển từ một loại virus tương tự có trong gia súc, vật nuôi. Trâu bò có thể mang theo mầm bệnh lao. Còn mèo có thể mang theo kí sinh trùng Tosoplasma đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai…
Với quá nhiều sinh vật có khả năng gây bệnh chết người ẩn nấp trong các loài vật có chung ngôi nhà Trái Đất, câu hỏi không phải là con người có mắc bệnh hay không mà là khi nào. Tuy nhiên, những sự kiện này – như bệnh cúm mới, virus SARS, sự bùng nổ HIV – trên thực tế không quá phổ biến, vì các vật chủ nhiễm bệnh thường đi đến cái chết. Người nhiễm bệnh cũng không thể lây nhiễm cho người thứ hai, điều cần thiết để gây ra bệnh dịch ở địa phương hay đại dịch trên toàn cầu. Đó là lí do tại sao H5N1 chỉ gây dịch ở phạm vi nhỏ.
Ngoài ra, trong khi chúng ta thường quan niệm con người là “nạn nhân” của các bệnh dịch, nhưng thực tế các bệnh lây từ vật sang người là con đường hai chiều, và con người cũng có thể lây nhiễm vi khuẩn của họ cho những loài vật khác. Một nghiên cứu gần đây cho thấy con người đã lây lan các chủng kháng thuốc kháng sinh cho nhiều loài khác nhau, trong đó có gà, lợn và thậm chí cả tinh tinh và cá heo. Chúng ta cũng là một sinh vật “đi bộ” rất nguy hiểm!.
Lâm An