Kinh tế Mỹ đang đối mặt với hàng loạt hạn chế trong quá trình phục hồi. (Nguồn: CNBC) |
Đất nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt mọi thứ, từ lao động đến chất bán dẫn, gỗ xẻ và vật liệu đóng gói. Thậm chí, không có hồ bơi nào có đủ chất lượng hoạt động vào mùa Hè này khi Mỹ đang cạn kiệt Clo. Điều này không chỉ ngăn nền kinh tế phát huy hết tiềm năng mà còn làm dấy lên lo ngại rằng, lạm phát sẽ cao hơn khi các công ty buộc phải tăng giá trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung.
Thiếu 10 triệu việc làm
Thiếu nhân công đang là trở ngại lớn của thị trường lao động Mỹ. Tháng 4/2021, biên chế phi nông nghiệp của quốc gia này (NFP) chỉ tăng 266.000 việc làm, so với ước tính sẽ tăng 1 triệu việc làm trước đó.
Jason Furman, nhà kinh tế tại Đại học Harvard và là cựu cố vấn của Chính quyền cựu Tổng thống Obama nhận định, thị trường lao động đang thiếu 10 triệu việc làm so với mức đáng lẽ phải có. Nhưng không giống như tình trạng thiếu hụt thông thường, Mỹ đang thiếu hụt nguồn cung lao động và nhu cầu lao động.
Các công ty đang gặp khó khăn trong việc thuê nhân công vào thời điểm mà nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vẫn còn hiện hữu. Các khoản trợ cấp thất nghiệp của liên bang, cũng như nghĩa vụ chăm sóc trẻ em khi nhiều trường học vẫn đóng cửa, có thể ngăn cản nhiều người Mỹ tái gia nhập lực lượng lao động.
Nhà kinh tế Furman cho hay, trước đó, vào tháng 4/2020, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1973 và đã đẩy một lượng lớn lao động ra khỏi thị trường việc làm. Mặc dù tỷ lệ này đã tăng cao hơn trong những tháng tiếp theo, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trước đại dịch.
Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ Michael Gapen của Barclays cho biết: “Sự thiếu hụt cả lao động và phi lao động sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Các yếu tố đầu vào lao động và phi lao động là những yếu tố cần thiết trong sản xuất".
Trong khi đó, các nhà sản xuất đang phải vật lộn để bắt kịp nhu cầu tăng vọt trong bối cảnh nguồn cung linh kiện và nguyên liệu thô đang giảm mạnh. Điều này đã ngăn cản sự phục hồi nhiều ngành như dịch vụ, công nghệ, ô tô và giải trí.
Ông Michael Gapen nói: “Phục hồi kinh tế Mỹ sẽ là một quá trình dài. Giống như nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi với tốc độ không đồng đều, nhiều khả năng nền kinh tế Mỹ cũng sẽ như vậy".
Hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu chip
Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, ngành công nghiệp bán dẫn vốn đã rất nóng bỏng phải trải qua một đợt bùng nổ nhu cầu đối với các sản phẩm như điện thoại thông minh và máy tính. Đợt bùng nổ này gây ra cú sốc nguồn cung chưa từng có, khiến các doanh nghiệp khắp cả nước phải gấp rút đáp ứng số lượng đơn đặt hàng khổng lồ.
Ford Motor cho biết, tình trạng thiếu chip đã làm giảm 17% số lượng sản xuất xe trong quý I/2021. Giám đốc điều hành Ford Motor Jim Farley cảnh báo, tác động của tình trạng này đến sản xuất sẽ còn tồi tệ hơn.
Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk thông tin, nhà sản xuất ô tô này điện đã phải chịu "thách thức khó khăn nhất” trong lịch sử của công ty trong quý I/2021.
Ông Musk nói: “Sự thiếu hụt nguồn cung bán dẫn, đặc biệt là chip là một vấn đề rất lớn".
Theo phân tích của trang CNBC, đó không chỉ là thiết bị điện tử và ô tô, chip đã trở thành một thành phần phổ biến trong nhiều sản phẩm khác. Các công ty bán thiết bị y tế, hóa chất, quần áo và thậm chí cả thuốc lá cũng đang rơi vào tình trạng báo động.
Giá gỗ xẻ tăng vọt, giá nhà cũng tăng theo
Gỗ xẻ - loại gỗ được sử dụng để đóng khung nhà cũng như tủ, cửa và sàn - đã chứng kiến mức giá tăng hơn 80% trong năm nay và tăng 340% so với một năm trước. Giá tăng cao được kích hoạt bởi sự kết hợp của nguồn cung suy giảm và nhu cầu mua nhà mới tăng cao.
Brooks Mendell, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty tư vấn ngành lâm nghiệp Forisk cho rằng, nhu cầu của người tiêu dùng đối với gỗ xẻ không giảm, ngay cả khi nhiều nhà sản xuất buộc phải tạm dừng hoạt động.
Ông Mendell nhận định: “Bắt đầu từ năm ngoái, khi Covid-19 và cuộc suy thoái kinh tế xảy ra, các xưởng cưa gỗ buộc phải tạm dừng hoạt động khiến các dự án mở rộng nhà máy cũng phải tạm dừng. Nhưng người dân lại ở nhà nhiều hơn khiến nhu cầu sửa chữa nhà cửa tăng theo".
Theo phân tích của Hiệp hội các chủ thầu xây dựng nhà (NAHB), sự thiếu hụt nguồn cung đã khiến giá trung bình của một ngôi nhà mới tăng gần 36.000 USD.
Chủ tịch NAHB Chuck Fowke khẳng định: “Sự tăng giá chưa từng có này đang làm ảnh hưởng đến người mua nhà và xây dựng nhà ở Mỹ".
Chi phí vật liệu đóng gói tăng 50%
Theo dữ liệu từ Mintec Global, Mỹ cũng phải đối mặt với sự thiếu hụt về vật liệu đóng gói như nhựa, giấy và kim loại, khiến chi phí đóng gói tăng hơn 50% kể từ khi đại dịch bùng phát.
Theo các nhà phân tích của Mintec, sự gia tăng nhanh chóng của thương mại điện tử trong thời gian qua đã tạo ra một sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu vật liệu đóng gói bằng giấy, khiến nguồn cung thắt chặt hơn.
Các nhà phân tích cho biết, nguồn cung dự kiến sẽ bị hạn chế trong thời gian dài do nhiều nhà máy giấy ngừng hoạt động để bảo trì hệ thống.
Mintec cũng cho hay, giá của hầu hết các vật liệu nhựa đang có xu hướng ở mức cao trong nhiều năm. Giá polypropylene đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh những hạn chế do dịch Covid-19. thị trường nhựa cũng bị ảnh hưởng bởi các trận bão tuyết nghiêm trọng đầu năm 2021.
Ngoài ra, tắc nghẽn container và thiếu container vận chuyển dẫn đến chi phí vận chuyển hàng hóa tăng theo cấp số nhân.
Nguồn cung Clo bị thu hẹp
Năm 2020, nhu cầu Clo tăng hơn mức bình thường do các dự án cải tạo nhà. Sau đó, tháng 8/2020, vụ cháy bùng phát tại một nhà sản xuất tại bang Louisiana - một trong những nhà sản xuất các sản phẩm Clo lớn ở Mỹ dường như đã cắt đứt nguồn cung cấp chính.
Dữ liệu từ IHS Markit cho thấy, giá Clo bắt đầu tăng sau vụ cháy và tăng 72% so với mức tháng 1/2019.