Phim Hàn Quốc "Parasite" xứng đáng trở thành bộ phim điện ảnh hay nhất thế kỷ XXI. Một cảnh quay trong phim. (Nguồn: Korea Boo) |
Parasite (2019)
Đạo diễn: Bong Joon Ho
Parasite (Ký sinh trùng) là tác phẩm điện ảnh nước ngoài đầu tiên càn quét các giải thưởng Oscar, viết lên trang mới cho lịch sử 101 năm nền điện ảnh Hàn Quốc cũng như lịch sử 92 năm giải Oscar.
Không chỉ được đầu tư về mặt hình ảnh, bộ phim còn tái hiện một hiện thực gay gắt của xã hội Hàn Quốc. Thông qua hình tượng mang tính ẩn dụ về những con ký sinh trùng sống nhờ vào vật chủ, Parasite chạm đến những vấn đề cốt lõi của xã hội Hàn Quốc hiện đại nhưng đồng thời cũng rất gần gũi với khán giả toàn cầu.
Bộ phim nói về sự chia rẽ, phân hóa giàu nghèo tàn khốc trong xã hội dẫn đến những khoảng cách không thể xóa nhòa về giai cấp và khiến con người dần dần tha hóa.
Với những tình tiết lôi cuốn, hài hước, pha thêm yếu tố kinh dị nhưng vẫn mang đầy ý nghĩa sâu xa, Parasite xứng đáng trở thành bộ phim điện ảnh hay nhất thế kỷ XXI.
"The Wailing" là tác phẩm kinh dị đột phá Hàn Quốc 2016. (Nguồn: Time Out) |
The Wailing (2016)
Đạo diễn: Na Hong Jin
The Wailing (Tiếng than) là một trong những bộ phim kinh dị nổi tiếng nhất tại "xứ sở kim chi".
Mượn từ hình ảnh thây ma và ác quỷ, bộ phim khiến người xem bị cuốn vào những tình tiết đáng sợ nhưng không kém phần hấp dẫn.
Câu chuyện kể về một sĩ quan cảnh sát chạy đua với thời gian để giải cứu một ngôi làng khỏi một loại virus bí ẩn, trước khi nó cướp đi mạng sống của con gái sĩ quan này. Càng xem, khán giả càng nhận thấy nhiều chi tiết bí ẩn dần được hé mở, tạo nên cảm giác sợ hãi và lôi cuốn.
Xuyên suốt phim, đạo diễn Na Hong Jin sử dụng thủ pháp tạo tình tiết gây nhiễu nhằm khai thác lòng tin của nhân vật chính lẫn khán giả. Không có điều gì được xác định rõ ràng trong tác phẩm, thậm chí cho đến phút cuối cùng.
Năm 2016, cùng với The Handmaiden và Train to Busan, The Wailing nằm thuộc bộ ba tác phẩm của điện ảnh Hàn Quốc tham dự Liên hoan Cannes lần thứ 69. Sau khi kết thúc buổi chiếu, phim kinh dị này nhận được tràng vỗ tay kéo dài sáu phút từ những nhà phê bình. Sau đó, bộ phim đã tạo nên cơn sốt ở rạp chiếu Hàn Quốc hồi cuối năm 2016.
Khung cảnh trong phim "A Tale of Two Sisters". (Nguồn: Riot Material) |
A Tale of Two Sisters (2003)
Đạo diễn: Kim Jee Woon
Tiếp nối dòng phim kinh dị là bộ phim A Tale of Two Sisters (Câu chuyện hai chị em) được chuyển thể từ câu chuyện dân gian có tên Janghwa Hongryeon jeon và phát hành vào khoảng thời gian được coi là thời kỳ đỉnh cao của điện ảnh Hàn Quốc - năm 2003.
Bộ phim kể về một câu chuyện rùng rợn của một gia đình có quá khứ bí ẩn. Hai chị em gái sau khi trải qua một thời gian trong bệnh viện tâm thần đã trở về nhà của người cha và người mẹ kế độc ác.
Với tài năng và sự chuyên nghiệp của đạo diễn Kim Jee Woon, bộ phim đã ra mắt thành công và trở thành một trong những kiệt tác kinh dị tâm lý xuất sắc nhất màn ảnh Hàn Quốc.
"Memories of Murder" được đánh giá cao nhờ nội dung hấp dẫn. (Nguồn: MUBI) |
Memories of Murder (2003)
Đạo diễn: Bong Joon Ho
Trước khi thành công với bộ phim Parasite, đạo diễn Bong Joon Ho đã từng nhận được sự đón nhận to lớn qua bộ phim Memories of Murder (Hồi ức kẻ sát nhân) vào năm 2003.
Cho đến nay, bộ phim vẫn nhận được đánh giá cao bởi nội dung hấp dẫn. Dựa trên hàng loạt vụ án mạng có thật từng gây chấn động một thị trấn nhỏ những năm 80, Memories of Murder mang lại cảm giác từ mơ hồ, u ám nhờ những cảnh quay đắt giá.
Bộ phim không chỉ mang lại thành công cho đạo diễn Bong Joon Ho mà còn góp phần tạo nên bước ngoặt lớn cho nền điện ảnh Hàn Quốc.
Một cảnh trong phim "The Gangster, The Cop, The Devil". (Nguồn: Amazon) |
The Gangster, The Cop, The Devil (2019)
Đạo diễn: Won Tae Lee
The Gangster, The Cop, The Devil (Trùm, cớm và ác quỷ) kể về một cảnh sát và ông trùm tội phạm hợp lực để truy bắt một kẻ giết người hàng loạt đang lẩn trốn ở Seoul.
Tương tự như những bộ phim nổi tiếng khác tại Hàn Quốc, bộ phim này giống như một câu chuyện đời thường nhưng được “điện ảnh hóa” nhờ khả năng xuất chúng của đạo diễn Won Tae Lee.
Xuyên suốt các cảnh quay là những cuộc rượt đuổi đầy kịch tính, những trận ẩu đả hấp dẫn và nội dung lôi cuốn, khiến bộ phim trở nên nổi tiếng và được Sylvester Stallone mua bản quyền để dựng lại tại Mỹ. Điều này chính là minh chứng cho sự thành công của bộ phim không chỉ tại nước nhà mà còn lan rộng ra thế giới.
"Silenced" lên án hiện thực nhạy cảm và nhức nhối. (Nguồn: Spiderum) |
Silenced (2011)
Đạo diễn: Hwang Dong Hyuk
Sau thành công vang dội toàn cầu của Squid Game (Trò chơi con mực), hàng loạt bộ phim của đạo diễn Hwang Dong Hyuk đã được chú ý trở lại, trong đó nổi bật nhất là Silenced (Im lặng).
Bộ phim đặt bối cảnh là một phòng xử án với sự tham gia của Gong Yoo-diễn viên chính trong Train to Busan.
Silenced dựa trên sự kiện có thật gây sốc một thời tại trường khiếm thính tên Gwangju Inhwa, nơi các học sinh khiếm thính bị lạm dụng bởi chính những người nuôi dạy.
Lên án hiện thực nhạy cảm và nhức nhối, Silenced đã thu hút hơn 4 triệu người xem tại các phòng vé thời điểm đó, đồng thời góp phần sửa đổi một số luật bảo vệ trẻ vị thành niên tại Hàn Quốc.
Hình ảnh trong "The Handmaiden". (Nguồn: Cinephilia) |
The Handmaiden (2016)
Đạo diễn: Park Chan Wook
Park Chan Wook đã chuyển thể cuốn tiểu thuyết tội phạm Fingersmith của Sarah Waters thành một trong những bộ phim thành công nhất màn ảnh Hàn Quốc mang tên The Handmaiden (Cô hầu gái) với nội dung ly kỳ, bí ẩn và cực kì hấp dẫn, không khỏi thu hút những người yêu thích phim ảnh.
Bộ phim Handmaiden là câu chuyện đơn giản mà sâu sắc, kể về những kẻ lừa đảo, móc túi, về sự trả thù những cuộc giao tranh gay gắt và xen lẫn tình dục, tạo nên sự kết hợp hài hòa của một kiệt tác điện ảnh bậc nhất Hàn Quốc.
Đằng sau "Train to Busan" là môt câu chuyện ý nghĩa về tình người. (Nguồn: Time Out) |
Train to Busan (2016)
Đạo diễn: Yeon Sang-ho
Train to Busan (Chuyến tàu sinh tử) đã trở thành một trong những bộ phim hay nhất nền điện ảnh Hàn Quốc với nội dung độc đáo cùng dàn diễn viên chất lượng.
Bộ phim kể về một đại dịch zombie của Hàn Quốc, với bối cảnh là các toa tàu. Khi tàu khởi hành, một cô gái trẻ đang co giật bước lên tàu với vết thương ở chân. Cô biến thành thây ma và tấn công những người trên tàu. Virus nhanh chóng lây lan khắp đoàn tàu, từ đó gây nên một trận chuyến sinh tử trên con tàu tới Busan.
Bộ phim đã thành công thu hút khán giả không chỉ bởi những tình tiết kinh dị, ly kỳ mà còn bởi đằng sau đó là những thông điệp ý nghĩa về tình người.
"Shiri" đã thu hút được 6,5 triệu lượt khán giả tới rạp, đánh bại thành tích từng thuộc về quả bom tấn Titanic. (Nguồn: Time Out) |
Shiri (1999)
Đạo diễn: Kang Je Gyu
Shiri (Chiến dịch Shiri) là bộ phim bom tấn kinh phí lớn theo phong cách Hollywood đầu tiên được sản xuất trong nền công nghiệp điện ảnh mới của Hàn Quốc. Kinh phí dàn dựng của bộ phim này lên tới 8,5 triệu USD - mức đầu tư kỉ lục của điện ảnh Hàn Quốc thời điểm đó.
Với vô vàn cảnh quay “chóng mặt”, những trận đấu súng ly kỳ, những quả bom hẹn giờ và các vụ nổ lớn, bộ phim xứng đáng sánh vai với các tác phẩm kinh điển của thập niên 90 như Mission: Impossible và The Rock.
Nhà phê bình Jinhee Choi viết trong cuốn sách tiếng Anh The South Korean Film Renaissance rằng: “Thành công của Shiri là một hiện tượng văn hóa, kinh tế và mở đường cho sự nổi tiếng của các quả bom tấn sau này".
Thời điểm đó, Shiri đã thu hút được 6,5 triệu lượt khán giả tới rạp, đánh bại thành tích từng thuộc về quả bom tấn Hollywood Titanic (đón 4,3 triệu lượt người). Đây cũng là bom tấn Hàn Quốc đầu tiên, phá vỡ mọi kỷ lục ở quê nhà và khơi gợi sự quan tâm tới tiềm năng của phim thương mại Hàn Quốc ở châu Á và Mỹ.
"Save the Green Planet!" đạt thành công vang dội trong nền điện ảnh Hàn Quốc. (Nguồn: Time Out) |
Save the Green Planet! (2003)
Đạo diễn: Jang Joon Hwan
Save the Green Planet! (Cứu hành tinh xanh!) là bộ phim hài kịch pha lẫn viễn tưởng của điện ảnh Hàn Quốc. Bộ phim kể về một người nuôi ong do bị hoang tưởng nên đã bắt cóc Giám đốc điều hành của một công ty dược phẩm và thuyết phục rằng ông là người ngoài hành tinh.
Lấy cảm hứng từ một phần tác phẩm Misery (1990) của Rob Reiner, bộ phim đã đạt được thành công vang dội trong nền điện ảnh Hàn Quốc.
Nhờ sự nổi tiếng của mình, bộ phim đã được làm lại tại Mỹ và ra mắt vào năm 2020.
| Tài tử Song Joong Ki gây tranh cãi vì quan niệm làm cha Sao phim Hậu duệ mặt trời Song Joong Ki gây tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội khi bày tỏ quan điểm về việc ... |
| Song Hye Kyo trẻ đẹp tuổi 42, xứng đáng là 'biểu tượng nhan sắc' của màn ảnh xứ sở kim chi Bước vào tuổi 42 nhưng nhan sắc của Song Hye Kyo vẫn cực ngọt ngào, trẻ trung. Cô xứng danh là “quốc bảo nhan sắc” ... |
| Ngắm nhan sắc hút hồn của 'chị cả' Jisoo nhóm BlackPink 'Chị cả' Jisoo (BlackPink) là một trong những mỹ nhân nổi tiếng của giới thần tượng Kpop. Không chỉ sở hữu nhan sắc vạn người ... |
| Phim Khách sạn vương giả: YoonA tỏa sáng với gu thời trang công sở tối giản nhưng thời thượng Trong 4 tập đầu phim Khách sạn vương giả của Hàn Quốc, YoonA lăng xê mốt thời trang công sở thanh lịch, tối giản, có ... |
| Top 5 phim Hàn được ‘săn đón’ nhất tháng 7 Cùng điểm danh top 5 phim Hàn đang gây sốt tháng 7 này, trong đó có thể kể đến King the land (Khách sạn Vương ... |