📞

Loạt vấn đề nan giải vẫn đang đè nặng lên kinh tế Trung Quốc

Việt An 14:42 | 31/05/2023
Hoạt động chế tạo của Trung Quốc trong tháng 5/2023 đã giảm tháng thứ hai liên tiếp. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế khổng lồ này đang để mất đà phục hồi.
Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu để mất đà phục hồi. (Ảnh: Tomoko Wakasugi)

Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của lĩnh vực chế tạo - thước đo chủ chốt đối với sản lượng của các nhà máy - đã giảm xuống 48,8 trong tháng 5/2023, nằm dưới mốc 50 điểm - mốc phân tách giữa tăng trưởng và thu hẹp.

Con số này theo sau mức giảm 49,2 trong tháng 4/2023, đảo ngược xu hướng tăng trưởng của ba tháng liên tiếp và thấp hơn so với mức ước tính trung bình 49,5 của các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg.

Bên cạnh đó, dữ liệu chính thức được công bố hôm 28/5 cũng cho thấy, lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp ở Trung Quốc đã giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm 2023. Các công ty tiếp tục chật vật với những áp lực về lợi nhuận thặng dư trong bối cảnh lực cầu yếu ớt do nền kinh tế không phục hồi mạnh mẽ như kỳ vọng.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm nay, lợi nhuận công nghiệp giảm 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 4, mức giảm là 18,2% sau khi giảm 19,2% trong tháng 3.

Theo Zhiwei Zhang, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế hàng đầu tại Pinpoint Asset Management, chỉ số PMI sụt giảm cho thấy sự phục hồi kinh tế đang đối mặt với những thách thức.

Ông Zhang cũng cho hay, thị trường bất động sản hạ nhiệt và làn sóng Covid-19 thứ hai đang bùng phát đã làm suy yếu nhu cầu trong nước.

Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 4,5% trong quý I/2023, khi nước này mở cửa trở lại sau thời gian áp dụng các biện pháp kiểm soát y tế nghiêm ngặt để phòng chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, một loạt vấn đề nan giải đang gây áp lực lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bao gồm lĩnh vực bất động sản ngập trong nợ nần, niềm tin của người tiêu dùng yếu và nguy cơ suy thoái ở những nền kinh tế khác.

Trung Quốc cũng đang chật vật ứng phó với đợt bùng phát Covid-19, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy các chính sách thắt chặt sẽ được áp dụng trở lại.

(theo AFP)