📞

Lợi ích thiết thực khi tham gia “phiên chợ ý tưởng sáng tạo”

15:06 | 17/01/2019
Tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) chính là tham gia các “phiên chợ ý tưởng sáng tạo”, ở đó có cơ hội trao đổi, tiếp cận các ý tưởng, xu thế phát triển mới của thế giới nhằm phục vụ cho xây dựng, triển khai các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam.

Thứ trưởng đánh giá thế nào về ý nghĩa chuyến tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Davos 2019) lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?

Năm 2018, kinh tế- xã hội nước ta phát triển toàn diện, trong đó có đóng góp quan trọng và nổi bật của công tác đối ngoại. Phát huy thành tựu của năm 2018 và hơn 30 năm Đổi mới, năm 2019, chúng ta sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ, toàn diện công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị WEF Davos là hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong năm 2019, có ý nghĩa nhiều mặt về chính trị, đối ngoại và kinh tế - xã hội.

Chủ tịch WEF Borger Brende và Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng ban Tổ chức WEF ASEAN 2018 đồng chủ trì cuộc họp báo thông tin về những kết quả đạt được sau hai ngày hội nghị diễn ra tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Với ý nghĩa trên, chuyến tham dự WEF Davos năm nay của Thủ tướng sẽ bao gồm những trọng tâm sau:

Cùng lãnh đạo cấp cấp cao các nước và các tập đoàn hàng đầu  dự các phiên thảo luận, đối thoại về các vấn đề lớn liên quan đến chủ đề của Hội nghị để đóng góp có trách nhiệm vào những quan tâm chung của thế giới, qua đó khẳng định vị thế đất nước; đồng thời quảng bá mạnh mẽ thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam; truyền tải thông điệp về các định hướng, biện pháp lớn của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Đặc biệt, lần đầu tiên, chúng ta phối hợp với WEF tổ chức sự kiện Đối thoại Kinh tế Việt Nam bên lề của Hội nghị WEF Davos với sự tham dự của Chủ tịch WEF và nhiều tập đoàn hàng đầu để quảng bá, truyền tải thông điệp về kinh tế Việt Nam.

Gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo cấp cao nhiều nước, tổ chức quốc tế và các tập đoàn lớn để góp phần mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, góp phần củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho năm 2019 và giai đoạn 2016 - 2020.

Phát huy thành công của WEF ASEAN 2018, một trong những trọng tâm tham dự của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị WEF Davos 2019 là thúc đẩy, tranh thủ sự hợp tác của WEF và các đối tác để triển khai các sáng kiến của Việt Nam tại WEF ASEAN 2018.

Tìm hiểu, nắm bắt các xu thế lớn, chiều hướng vận động của chính trị, kinh tế thế giới trong bối cảnh thế giới đang có nhiều chuyển biến nhanh, sâu sắc, khó lường nhằm phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2019.

Hội nghị Diễn đàn Davos năm nay lấy chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình kiến trúc toàn cầu trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0)”. Thứ trưởng nhận định thế nào về vấn đề này?

Toàn cầu hóa đang biến chuyển với những biểu hiện mới cũng như ẩn chứa những yếu tố khó lường do tác động của nhiều yếu tố, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0, cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt được thúc đẩy bởi chuyển dịch tương quan sức mạnh toàn cầu. Điều này đặt ra yêu cầu cho các thể chế quốc tế, các quốc gia cũng như doanh nghiệp phải nhận diện lại tính chất và chiều hướng phát triển của toàn cầu hóa, đánh giá các cơ hội và thách thức của toàn cầu hóa trong bối cảnh mới, trên cơ sở đó, đề ra chiến lược, chính sách cũng như ứng xử có lợi nhất cho quốc gia, tổ chức hay doanh nghiệp mình. Đây chính là cơ sở để Hội nghị WEF Davos năm 2019 lấy chủ đề là “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình kiến trúc toàn cầu trong kỷ nguyên CMCN lần thứ 4”.

Xoay quanh chủ đề này, nghị sự của Hội nghị WEF Davos năm nay sẽ thảo luận các vấn đề trọng tâm sau đây:

Về chính trị, Hội nghị thảo luận, đánh giá tác động, triển vọng xử lý các vấn đề địa - chính trị là điểm nóng trên thế giới; cải cách các thể chế toàn cầu để thích ứng với bối cảnh mới; đề xuất chính sách, biện pháp thúc đẩy hợp tác xử lý các vấn đề toàn cầu…

Về kinh tế - công nghệ, Hội nghị đánh giá tác động nhiều chiều và sâu rộng của CMCN 4.0, nhất là tác động làm dịch chuyển cơ cấu kinh tế, các chính sách bảo đảm phát triển bền vững và bao trùm trong bối cảnh CMCN 4.0.

Về xã hội – môi trường, Hội nghị thảo luận những thay đổi mạnh mẽ về lao động, việc làm dưới tác động của CMCN 4.0, các biện pháp cải thiện căn bản việc quản lý môi trường sinh thái ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia…

Tiếp theo thành công của Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 do Việt Nam đăng cai tổ chức, tại Hội nghị WEF năm nay, Việt Nam sẽ tiếp tục có đóng góp hay sáng kiến gì mới?

Thông qua tham dự các hội nghị WEF, nhất là Hội nghị WEF Davos và Hội nghị WEF ASEAN (WEF Đông Á trước đây), ta đã tranh thủ quảng bá mạnh mẽ quốc gia, chủ động chia sẻ với thế giới về chủ trương, chính sách cũng như thực tiễn, kinh nghiệm và bài học phát triển của Việt Nam; đồng thời mở rộng hợp tác với các tập đoàn hàng đầu, tiếp cận các xu hướng phát triển mới của thế giới để góp phần phục vụ xây dựng, triển khai các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Việt Nam đã thực hiện rất tốt vai trò chủ nhà Hội nghị WEF Đông Á năm 2010, Hội nghị WEF Mekong 2016, và gần đây nhất là Hội nghị WEF ASEAN 2018 được quốc tế và khu vực đánh giá cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia và đóng góp tích cực vào triển khai các sáng kiến của WEF, điển hình là sáng kiến “Tăng trưởng châu Á” trong lĩnh vực nông nghiệp, sáng kiến “Tương lai nền sản xuất”, Nhóm Chiến lược khu vực ASEAN…

Đến nay, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất trong khu vực đã ký Thỏa thuận hợp tác với WEF, trong đó WEF hỗ trợ, tư vấn cho Việt Nam sẵn sàng, nâng cao năng lực tham gia CMCN 4.0. Thỏa thuận này được WEF đánh giá là một điển hình để mở rộng cho các nước khác trong khu vực.

Tới đây tại Hội nghị WEF Davos 2019, ta và WEF dự kiến sẽ ký một số thỏa thuận hợp tác nhằm triển khai các sáng kiến của Việt Nam tại Hội nghị WEF ASEAN 2018. Như vậy, chúng ta sẽ là quốc gia đầu tiên trong ASEAN ký thỏa thuận với WEF về hợp tác thành lập Trung tâm CMCN 4.0 tại Việt Nam và Ý định thư về hợp tác xử lý rác thải nhựa, phối hợp nghiên cứu, thúc đẩy các sáng kiến về hợp tác môi trường khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020.

Quan hệ giữa Việt Nam và WEF thời gian qua đã phát triển nhanh chóng trên nhiều mặt. Trong thời gian tới, Việt Nam có chủ trương tham gia những Diễn đàn này như thế nào? Những lợi ích khi chúng ta tích cực tham dự Diễn đàn?

Như tôi vừa chia sẻ, hợp tác giữa Việt Nam và WEF đang phát triển rất tốt đẹp, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực nhiều mặt về chính trị và kinh tế - xã hội.

Thứ nhất, việc tham dự một diễn đàn toàn cầu có uy tín như WEF góp phần tích cực nâng cao vị thế quốc gia, cũng như thể hiện sự chủ động và “tầm vóc” của Việt Nam khi tham gia đóng góp có trách nhiệm vào xử lý các vấn đề toàn cầu, kiến tạo và định hình kinh tế khu vực và toàn cầu.

Thứ hai, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam, một đất nước yêu chuộng hòa bình, chính trị - xã hội ổn định, kinh tế phát triển năng động, cởi mở, một đối tác tin cậy, chân thành, có trách nhiệm; đồng thời truyền tải đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư và cộng đồng quốc tế thông điệp về chủ trương, chính sách, quyết tâm đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Thứ ba, WEF có mạng lưới thành viên gồm các tập đoàn đa quốc gia lớn hàng đầu thế giới, trong đó bao gồm tất cả các tập đoàn thuộc Top 500 thế giới với tiềm lực mạnh về tài chính, tri thức, công nghệ và thị trường. Tăng cường hợp tác với WEF, chúng ta có cơ hội mở rộng mạng lưới hợp tác với các tập đoàn hàng đầu, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu, tạo cơ hội và động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn.

Thứ tư, WEF là nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng phát triển mới, sáng tạo mang tầm toàn cầu. Tham dự các hội nghị WEF chính là tham gia các “phiên chợ ý tưởng sáng tạo”, ở đó chúng ta có cơ hội trao đổi, tiếp cận các ý tưởng, xu thế phát triển mới của thế giới nhằm phục vụ cho xây dựng, triển khai các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với lợi ích nhiều mặt nói trên, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với WEF, trong đó sẽ chủ động tham gia hiệu quả các diễn đàn, sáng kiến có lợi ích thiết thực của WEF; triển khai tốt Thỏa thuận hợp tác đã ký; thúc đẩy hiện thực hóa các sáng kiến của Việt Nam tại Hội nghị WEF ASEAN 2018 như thành lập, vận hành Trung tâm CMCN 4.0…; phối hợp với WEF thúc đẩy các ý tưởng, sáng kiến cùng có lợi trong ASEAN và khu vực; thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các tập đoàn thành viên của WEF để góp phần mở rộng thị trường, tiếp cận tri thức và công nghệ mới, tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng - sản xuất toàn cầu…

Xin cám ơn Thứ trưởng!

(thực hiện)