TIN LIÊN QUAN | |
Diễn đàn Davos 2018: Anh kêu gọi Brexit "mềm" để bảo vệ nền kinh tế | |
Con đường trở thành cường quốc hàng đầu |
Ngày 25/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump và một đội ngũ quan chức kinh tế cao cấp hùng hậu đã đặt chân đến vùng núi lạnh giá của Thụy Sỹ, để cùng các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế, doanh nghiệp và chuyên gia hàng đầu bàn về các vấn đề đang nổi lên trên toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tới dự WEF Davos 2018. (Nguồn: CNBC) |
“Nước Mỹ vẫn là số 1”
Đây là chuyến đi đầu tiên của một tổng thống Mỹ tới sự kiện Davos kể từ năm 2000. Trong số những người cùng đi có Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, cũng như một loạt quan chức cao cấp khác. Mặc dù không nằm trong phái đoàn chính thức, Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson và Cố vấn An ninh Quốc gia H.R McMaster cũng đang ở Davos. Giới quan sát cho rằng, chỉ cần nhìn vào các tên tuổi đó có thể thấy mức độ nghiêm túc mà chính quyền của ông Trump đang hướng tới.
Là một trong những người được trông đợi nhất Hội nghị Davos năm nay, bài phát biểu của ông Trump được cho là không thể rời khỏi quan điểm "nước Mỹ là số 1" của ông. Chính vì thế, tại cuộc họp cuối cùng trước khi Diễn đàn năm nay kết thúc, người ta cho rằng sẽ có sự “đối đầu” giữa số đông những người theo chủ nghĩa toàn cầu hóa và bài diễn thuyết mang tính bảo vệ những luận điểm riêng của ông chủ Nhà Trắng, vốn từ lâu đã bị chỉ trích. Người ta cũng chờ đợi tiếng nói của một trong những người quyền lực nhất thế giới đối với tương lai toàn cầu, cho dù lời hùng biện của ông về chủ nghĩa bảo hộ như thế nào đối với những ý tưởng về thương mại toàn cầu.
Trước khi rời Washington tới Davos vào tối thứ Tư, qua trang Twitter, ông Trump đã gửi tới 47 triệu người đang theo dõi rằng, ông sẽ tới Davos để "nói với thế giới biết về những gì mà nước Mỹ đã và đang làm".
Tổng thống Mỹ cũng đã nhiều lần nói về sự háo hức của mình để “thiết kế” lại mối quan hệ thương mại giữa nền kinh tế số 1 thế giới với một loạt các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc. Trên thực tế, nói là làm, ông đã không ngần ngại rút khỏi Thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đe dọa sẽ từ bỏ Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ, Canada và Mexico ngay từ khi vừa bước vào Nhà Trắng.
Đầu tuần này, tại Davos, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đang bảo vệ sự hợp tác toàn cầu, thì Tổng thống Mỹ Donald Trump lại ra công bố áp thuế đối với sản phẩm máy giặt và pin mặt trời nhập khẩu, một động thái đã làm dấy lên mối đe dọa thương mại của Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tuyết rơi dày chưa từng có ở Thụy Sỹ kể từ năm 1999. (Nguồn: AFP) |
Trước chuyến thăm, Cố vấn kinh tế cấp cao Nhà Trắng Gary Cohn cho biết, ông Trump sẽ giữ vững nguyên tắc '”Nước Mỹ trước tiên' mà ông đã đặt ra từ khi tranh cử, trong khi cũng nói rõ rằng, nước Mỹ "mở cửa cho tự do kinh doanh".
"Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh kinh tế công bằng và sẽ làm rõ rằng, không thể có tự do và mở cửa thương mại, nếu các quốc gia không phải chịu trách nhiệm về các quy tắc", ông Gary Cohn nói.
Nguy hiểm như biến đổi khí hậu hay khủng bố
Hội nghị Kinh tế thế giới 2018, diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 23 - 26/1, dù thời tiết giá lạnh và tuyết rơi dày chưa từng có ở Thụy Sỹ kể từ năm 1999, thì các diễn đàn năm nay vẫn nóng ngay từ những ngày đầu. Các đại biểu tranh cãi gay gắt về nhiều chủ đề nóng được cả thế giới quan tâm như quấy rối tình dục, bất bình đẳng về lương đối với phụ nữ… đặc biệt là chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng ở khắp mọi nơi.
Bên ngoài hội nghị, không khí cũng “hừng hực” không kém bởi các cuộc biểu tình phản đối chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ và sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hàng nghìn người biểu tình đã diễu hành qua các đường phố ở thị trấn Davos, giơ cao các khẩu hiệu chống ông Donald Trump như “Ông Donald Trump không được chào đón”, “Giải tán Diễn đàn Davos”… để phản đối chủ nghĩa bảo hộ. Thậm chí, khoảng 20 người biểu tình quá khích còn phá cổng an ninh, tìm cách xông vào bên trong hội nghị.
Bên trong Hội nghị, phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới cần đẩy lùi xu hướng bảo hộ thương mại trong tiến trình toàn cầu hóa, đồng thời khẳng định rằng bảo hộ mậu dịch sẽ chỉ “đẩy thế giới vào tình trạng tồi tệ”. Vị Thủ tướng trẻ tuổi thẳng thắn khẳng định: “Chúng tôi luôn phản đối chủ nghĩa bảo hộ. Chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo rằng, nước Mỹ - người láng giềng của chúng tôi nhận thức rõ Hiệp định NAFTA là hiệp định tốt và mang lại lợi ích cho cả chúng tôi và nền kinh tế Mỹ, cũng như kinh tế thế giới. Chúng tôi cũng luôn để ngỏ với các thỏa thuận thương mại nhằm mang lại lợi ích cho người dân”.
Biểu tình phản đối chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ và sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AP) |
Bên lề Diễn đàn, trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Vương quốc Anh Liam Fox cho biết, nước Anh sẽ ủng hộ các lợi ích của tự do thương mại trong việc giảm nghèo đói, trong bối cảnh nước này đang gặp nhiều khó khăn trong đàm phán về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Theo quan điểm của ông Fox, nhân tố quan trọng để có được một hệ thống thương mại mở là hướng tới lợi ích của người tiêu dùng trên toàn thế giới, chứ không chỉ quan tâm đến lợi ích của doanh nghiệp. Ông cũng cho rằng, thương mại tự do toàn cầu đã là cách hữu hiệu để đưa một tỷ người trên thế giới thoát khỏi nghèo đói trong tương lai.
Đến từ nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng lên án chủ nghĩa bảo hộ, đồng thời nhấn mạnh việc dựng lên các rào cản thương mại mới không phải là giải pháp. Ông khẳng định, tác động tiêu cực của những suy nghĩ đi ngược lại với toàn cầu hóa cũng nguy hiểm không kém như vấn đề biến đổi khí hậu hay chủ nghĩa khủng bố. Theo Thủ tướng Ấn Độ, giải pháp cho việc này là hiểu và chấp nhận sự thay đổi, đồng thời đưa ra các chính sách mềm dẻo, thông minh phù hợp.
Dân Mỹ đang bị khủng hoảng niềm tin Mỹ đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng niềm tin của dân chúng đối với chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức truyền thông và ... |
WEF Davos 2018: Nhiều cuộc họp phải hoãn, hủy do tuyết rơi dày đặc Do tuyết rơi dày đặc, nhiều cuộc họp dự kiến diễn ra tại thành phố Davos - nơi tổ chức WEF với sự tham gia của ... |