📞

Luật chống tham nhũng không phải "con dao" duy nhất cắt dây tham nhũng

14:13 | 13/06/2018
Ngày 13/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Trao đổi quan điểm bên lề kỳ họp, các đại biểu nhấn mạnh, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm. 

Các đại biểu cho rằng, việc kê khai tài sản cần phải làm thường xuyên để xác minh rõ nguồn gốc và tránh bỏ lọt đối tượng.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, quy định việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức đang có nhiều ý kiến khác nhau. Cụ thể, kê khai lần đầu là toàn bộ, nhưng bắt đầu kê khai hàng năm chỉ dừng lại ở Giám đốc Sở trở lên và cán bộ trong phạm vi có "nguy cơ cao" về tham nhũng.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, như vậy chưa đầy đủ bởi có những trưởng, phó phòng cũng có thể thực hiện được các hành vi tham nhũng, đặc biệt đối với những người trong diện quy hoạch.

Đại biểu băn khoăn về việc, ai sẽ là người quản lý kê khai tài sản hàng năm và cho rằng, cơ quan quản lý cán bộ phải có quyền và trách nhiệm kiểm soát vấn đề này.

Vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những nội dung khó của Luật Phòng, chống tham nhũng, do đó cần quy định rõ tài sản tham nhũng với tài sản chưa xác định được nguồn gốc - đại biểu đề nghị.

Theo đại biểu, việc phát hiện và thu hồi tài sản bằng cách nào cũng phải tính kỹ vì nếu không cẩn thận sẽ trùng lấn giữa tài sản tham nhũng với tài sản chưa xác định được nguồn gốc. Do đó, cần quy định rõ và rành mạch vấn đề này.

Luật Phòng, chống tham nhũng vô cùng quan trọng để phòng, chống tham nhũng, là công cụ rất quan trọng nhưng đây không phải là "con dao" duy nhất để cắt đứt sợi dây tham nhũng. Vì vậy cần nhiều đạo luật, quy định, cơ chế khác nhau mới có thể làm được.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) cơ bản đồng tình với dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, theo đại biểu, Luật Phòng, chống tham nhũng có liên quan đến nhiều luật định, nhiều cơ chế, chính sách. Qua 3 kỳ họp, Quốc hội đã bàn đến nội dung thu hồi tài sản kê khai không trung thực.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa tán thành với phương án Chính phủ sẽ đánh thuế nhưng cho rằng đây chỉ là phương pháp tạm thời chứ không phải căn cơ, cần đổi mới một số hệ thống chính sách, đặc biệt là cơ chế “xin-cho” và quản lý thu nhập.

“Đây là giải pháp để chúng ta hạn chế và thu được một phần tài sản của những cá nhân kê khai không trung thực. Chính phủ cần có giải pháp khuyến cáo, nhắc nhở sự trung thực của những người được kê khai. Để làm bài bản, các cơ quan hữu quan phải đánh giá, điều chỉnh bằng cả hệ thống pháp luật,” đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), trọng tâm sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng lần này nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng các thiết chế phòng ngừa tham nhũng, đặc biệt là làm cho luật đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đại biểu cho rằng, một số vấn đề về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập; việc xử lý đối với tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý… là những nội dung trọng tâm cần bàn kỹ của Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi lần này.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi khẳng định, việc kê khai tài sản phải làm thường xuyên để xác minh rõ nguồn gốc và tránh bỏ lọt đối tượng. Những vụ án tham nhũng nghìn tỷ trong thời gian qua là ví dụ điển hình về việc buông lỏng quản lý về mặt pháp luật.

Để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiểu quả, đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị phải làm tốt việc kê khai tài sản theo đúng quy định. Tài sản không được kê khai, làm rõ thì phải tịch thu vì muốn minh bạch, cần được công khai. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng phải có cơ chế giám sát đầu tư và kiểm soát quyền lực một cách chặt chẽ để tránh sở hở từ chính sách, hay những hệ luỵ từ việc quản lý chưa tốt.

 

(theo TTXVN)