📞

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Khơi thông các điểm nghẽn; đảm bảo cân đối, hài hòa

Kim Hồng 16:48 | 25/10/2021
Nhận xét chung về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), phát biểu thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật đã tiệm cận thông lệ tốt của quốc tế, bảo đảm phát triển thị trường bảo hiểm bền vững, đáp ứng yêu cầu.

Sáng 25/10, tiếp tục kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khoá XV, các đại biểu thảo luận ở tổ về Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi).

Các quy định đã tiệm cận thông lệ quốc tế

Nhận xét chung về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, chất lượng dự án Luật trình Quốc hội lần này đã được nâng lên, nội dung còn ý kiến khác nhau không nhiều.

Trước đây, khi dự luật mới được đưa ra thì các doanh nghiệp nước ngoài, các hiệp hội kinh doanh băn khoăn, lo ngại về nhiều vấn đề nhưng “đến nay, đều đã được tháo gỡ”, các quy định trong dự thảo Luật đã tiệm cận thông lệ tốt của quốc tế, bảo đảm phát triển thị trường bảo hiểm bền vững, đáp ứng yêu cầu.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tuy về kỹ thuật thì vẫn còn phải xử lý thêm, nhưng vừa qua khi tiếp, đối thoại trực tuyến với lãnh đạo, CEO của các tập đoàn lớn của thế giới, họ đã không còn băn khoăn về những vấn đề mang tính chất quan điểm, định hướng, các nội dung cốt lõi của dự luật nữa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ sáng 25/10.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này nhằm tháo gỡ các vướng mắc, các quy định không còn phù hợp với thực tiễn phát triển và thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

“Dư địa phát triển của thị trường bảo hiểm nước ta còn rất lớn. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường bảo hiểm cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ một số nội dung cần tiếp tục rà soát để nâng cao hơn nữa chất lượng dự thảo Luật.

Trước hết, cần tiếp tục rà soát các quy định về lĩnh vực bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm để bảo đảm sự phát triển cân đối, hài hòa hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường bảo hiểm kể cả bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm vi mô…

Trong bảo hiểm phi nhân thọ, cần hết sức quan tâm đến sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp. Báo cáo giải trình của Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung này nhưng phải “gia công” nhiều hơn nữa.

Về bảo hiểm vi mô, Chủ tịch Quốc hội cho biết, cần tiếp tục nghiên cứu Chiến lược tài chính toàn diện để thể chế hóa bảo hiểm vi mô trong dự án luật này bởi Chiến lược tài chính toàn diện là do Ngân hàng Nhà nước xây dựng nhưng bảo hiểm vi mô lại thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.

Bảo hiểm vi mô đến được với người dân vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người yếu thế thì rất tốt, nên cần tổng kết, đánh giá cả việc thực hiện hình thức bảo hiểm vi mô do các tổ chức chính trị xã hội thực hiện thời gian qua, nhất là do Mặt trận Tổ quốc và Hội phụ nữ thực hiện, để quy định cụ thể hơn về bảo hiểm vi mô trên cơ sở chiến lược tài chính toàn diện.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng các quy định về hợp đồng bảo hiểm cũng phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện theo hướng bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cả người cung cấp dịch vụ và người mua bảo hiểm, phù hợp với đặc thù của lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Vấn đề xử lý các tranh chấp trong hợp đồng bảo hiểm cũng đã được Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, không còn cơ chế trọng tài về bảo hiểm như dự thảo lúc đầu vì Luật Trọng tài Thương mại đã bao quát hết các vấn đề này.

Tuy nhiên, hợp đồng bảo hiểm cần phù hợp với kinh doanh bảo hiểm tới đây trên môi trường điện tử, liên quan đến các vấn đề số hóa, chữ kỹ điện tử, hồ sơ điện tử… Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là cơ hội rất tốt để chúng ta tiếp cận, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực này.

Sửa đổi để đáp ứng yêu cầu của hội nhập

Đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) cho rằng, việc Quốc hội xem xét Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này rất quan trọng, giúp kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế.

Nhất là trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng, việc sửa đổi các quy định về kinh doanh bảo hiểm đã có hơn 20 năm góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Cũng theo đại biểu, việc mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm, cũng như bổ sung quy định quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm tạo hành lang an toàn cho người tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp.

“Không chỉ doanh nghiệp trong nước, mà doanh nghiệp nước ngoài sẽ khuyến khích các đối tượng tham gia bảo hiểm nhiều hơn. Trong khi doanh số bảo hiểm tăng lên góp phần tạo nguồn thu cho nền kinh tế quốc gia, cùng với đó người dân có cơ hội tiếp cận đời sống tốt hơn”, đại biểu nói.

Trong khi đó, theo đại biểu Lê Anh Tuấn (đoàn Hà Tĩnh) cũng cho rằng cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bảo hiểm để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành dịch vụ này trong giai đoạn mới, hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA…

Hình ảnh phiên họp Quốc hội sáng nay 25/10.

Không nên hạn chế quyền tự do kinh doanh bảo hiểm

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội), đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm, giúp cho thị trường bảo hiểm chuyên nghiệp hơn.

Tuy nhiên, đại biểu có một số băn khoăn về quy định đối với đại lý bảo hiểm vì thị trường kinh doanh bảo hiểm cũng tạo ra việc làm cho gần một triệu người lao động.

Với khó khăn của đại dịch Covid-19 hai năm qua, nhiều người lao động mất, thiếu việc làm thì họ chuyển sang học nghề lấy chứng chỉ tham gia làm đại lý bảo hiểm. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021 đã có hơn 170.000 người tham gia thị trường bảo hiểm.

“Tôi nhớ rằng, cũng có thời kỳ “người người, nhà nhà làm bảo hiểm”, nên dự thảo không nên hạn chế quyền tự do kinh doanh bảo hiểm của đại lý bảo hiểm của luật cá nhân hay tổ chức”, đại biểu bày tỏ.

Trong thời gian qua, do nhu cầu mở rộng mạng lưới của doanh nghiệp bảo hiểm, cũng như nhu cầu việc làm thêm thì số đại lý bảo hiểm cá nhân gia tăng. Nhưng, chất lượng đại lý bảo hiểm không cao. Hiện tượng, có những đại lý không hiểu cặn kẽ về sản phẩm bảo hiểm để giới thiệu, tư vấn đầy đủ đến khách hàng. Người mua bảo hiểm cũng không hiểu hết nghĩa vụ của mình… dẫn đến việc lựa chọn sản phẩm không phù hợp với nhu cầu.

Đại biểu cho rằng, cần có những tổng kết đánh giá, đặc biệt tổng kết việc thực hiện đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề, kiểm soát hoạt động của đại lý bảo hiểm trong thời gian qua.

Từ đó, bổ sung các quy định về điều kiện, trình độ và chế tài cụ thể với hoạt động đại lý bảo hiểm, làm sao gắn được trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong hoạt động đào tạo đại lý bảo hiểm thì mới nâng cao chất lượng bảo hiểm, như vậy, thị trường mới dần trở nên chuyên nghiệp hơn”, đại biểu nói.

Phát huy bảo hiểm nông nghiệp

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Bắc Ninh), với vai trò trụ đỡ, góp phần quan trọng trong nền kinh tế, nông nghiệp, nông thôn, nông dân là những lĩnh vực được chủ trương, chính sách Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn quan tâm; trong đó, có chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn để nâng cao đời sống của người dân.

Tuy nhiên, thực tế qua các chương trình giám sát của Quốc hội cho thấy còn nhiều vướng mắc hiện nay khiến năng suất lao động chưa được cải thiện, giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp cũng như cao đời sống người nông dân còn khó khăn.

Theo đó, những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách có thể cải thiện được vướng mắc này như rà soát về tích tụ ruộng đất, chính sách thúc đẩy công nghiệp vào nông nghiệp để nâng cao giá trị và năng suất. Đặc biệt, chính sách giảm thiếu rủi ro trong hoạt động nông nghiệp do yếu tố thời tiết và nhiều yếu tố khác thông qua bảo hiểm.

Trong khi hiện nay yếu tố khó khăn của nông nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn đầu tư liên quan đến chính sách về tài sản đảm bảo nhưng bảo hiểm gần như không hướng đến đối tượng này. Người dẫn vẫn rất khó khi huy động vốn, đầu tư lớn nhưng rủi ro chưa được chia sẻ.

Do đó, theo đại biểu, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cần quy định rõ hơn, để bảo hiểm nông nghiệp không chỉ là khuyến khích, từ đó phát huy được vai trò của bảo hiểm vì mục tiêu an sinh, xã hội, đặc biệt là chương trình phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các sản phẩm bảo hiểm liên kết với các sản phẩm bảo hiểm y tế do nhà nước thực hiện.