📞

Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 – chìa khóa để phát triển bền vững

13:29 | 28/03/2019
Sáng 28/3, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Thanh Tra Chính phủ tổ chức Hội thảo tham vấn lần thứ hai Báo cáo nghiên cứu thực tiễn áp dụng phương pháp, khung đánh giá và chỉ số đánh giá công tác phòng chống tham nhũng trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ của Dự án “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng trong ASEAN”, do Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh tài trợ. Tham dự Hội thảo có đại diện Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, UNDP, các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức xã hội và tổ chức...

Khai mạc hội thảo, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng thanh tra Chính phủ cho biết, trong những năm qua công tác phòng chống tham nhũng luôn được coi trọng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, vì vậy có nhiều chủ trương, giải pháp đã được thực hiện một cách có hiệu quả. Một trong những nhóm giải pháp quan trọng được Việt Nam áp dụng là tăng cường quản lý nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng. Hai năm thực hiện chỉ số đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh cơ bản đạt được những kết quả tốt đẹp.

“Trong những năm qua, cấp tỉnh đã rất nỗ lực phòng chống tham nhũng thông qua công tác thanh tra kiểm toán, phát hiện. Tiêu chí đánh giá càng ngày càng nâng cao cho thấy sự quan tâm của các cấp đến phương pháp đánh giá này”, ông Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh.

Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm phát biểu khai mạc. (Ảnh: VL)

Nói về sự cần thiết và vai trò của Bộ chỉ số trong đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, TS. Trần Văn Long, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra nhận định, Bộ chỉ số là các phương tiện, công cụ quan trọng trong đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng.

Theo ông Trần Văn Long, xây dựng các tiêu chí trong Bộ chỉ số cần được dựa trên một số các nguyên tắc. Thứ nhất, phải đảm bảo tính thống nhất, công bằng và khách quan; thứ hai, đảm bảo độ tin cậy, việc đánh giá phải đảm bảo tính độc lập của nguời đánh giá và mức độ minh bạch của quy trình đánh giá; thứ ba, phải đảm bảo gọn nhẹ và có hiệu quả; thứ tư, phải khả thi khi thu thập dữ liệu, nguồn số liệu có thể tiếp cận được dễ dàng; thứ năm, việc xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá phải thực hiện theo một quy trình mở và có sự tương tác với tất cả các cơ quan có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Tại hội thảo, bà Akiko Fujii, Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết, bắt đầu từ năm 2015, UNDP hỗ trợ việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh (PACA).

Bà Fujii chia sẻ, chỉ số PACA 2016 là công cụ đánh giá công tác phòng chống tham nhũng thực chứng đầu tiên ở Việt Nam. Từ đó, báo cáo PACA được Thanh tra Chính phủ công bố công khai.

Năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã sử dụng Bộ chỉ số thực hiện đánh giá thí điểm công tác phòng chống tham nhũng tại các tỉnh với sự tham gia của 62/63 tỉnh. Căn cứ vào kết quả thí điểm lần thứ nhất, Thanh tra Chính phủ đã sửa đổi, đơn giản hóa Bộ chỉ số. Năm 2018 tiếp tục thực hiện thí điểm lần thứ hai.

Đại biểu phản biện tại hội thảo. (Ảnh: VL)

Mục đích của Hội thảo là đánh giá thực tiễn 2 năm thực hiện Bộ chỉ số PACA để xác định các bất cập và đề xuất xây dựng hướng dẫn về đánh giá công tác phòng chống tham nhũng để thi hành Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, đặc biệt là Điều 17 về tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng.

Luật Phòng chống tham nhũng 2018 sẽ có hiệu lực vào tháng 7 tới, do vậy Hội thảo là cơ hội nhìn lại hai năm thực hiện chỉ số PACA ở Việt Nam. Từ đó xác định những điểm cần cải thiện trong công tác đánh giá và đưa ra các khuyến nghị cho việc xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

“Việc thi hành hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 là chìa khóa để Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững năm 2030, đặc biệt là mục tiêu số 16 về hòa bình, công lý và thể chế vững mạnh. Giải quyết được vấn đề tham nhũng sẽ tạo ra môi trường quản trị công kiến tạo, giúp thúc đẩy việc thực hiện tất cả các mục tiêu còn lại”, bà Fujii nhận định.