Nhỏ Bình thường Lớn

Luật xuất nhập cảnh 2014: Tạo thuận lợi cho người nước ngoài tại Việt Nam

Luật xuất nhập cảnh 2014 tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú tại Việt Nam; đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng của Nhà nước ta. Ông Nguyễn Hữu Tráng, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao trả lời phỏng vấn TG&VN .
Việc triển khai Luật XNC 2014 sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý XNC, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.


Xin Cục trưởng giới thiệu tóm tắt về Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú mới này. So với những quy định trước, Luật có những điểm gì mới, tiến bộ nổi bật?

Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 (sau đây gọi tắt là Luật XNC), thay thế Pháp lệnh năm 2000 về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Pháp lệnh 2000). Đây là đạo luật hoàn chỉnh đầu tiên của Việt Nam quy định về vấn đề này, gồm 55 điều, điều chỉnh nội dung cơ bản của vấn đề nhập xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài, vấn đề quản lý nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan ở Trung ương và địa phương. Luật có những nội dung cơ bản như sau:

Về nguyên tắc XNC: Luật nhấn mạnh nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ quốc tế; đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác quản lý XNC và tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú tại Việt Nam.

Về nguyên tắc cấp thị thực: Người nước ngoài vào Việt Nam phải có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh và làm thủ tục xin duyệt cấp thị thực tại Bộ Công an hoặc Bộ Ngoại giao (trừ thị thực SQ Thủ trưởng Cơ quan đại diện quyết định cấp trong một số trường hợp). Cơ quan đại diện (CQĐD) Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực sau khi nhận thông báo cấp thị thực của Bộ Công an hoặc Bộ Ngoại giao. Người nước ngoài xin thị thực vào hoạt động với mục đích: đầu tư, hành nghề luật sư, lao động, học tập phải có giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh khi xin thị thực.

Về ký hiệu và thời hạn thị thực: Luật XNC thay đổi hoàn toàn ký hiệu thị thực so với trước đây. Luật quy định 20 loại thị thực khác nhau, phân loại theo mục đích nhập cảnh. Thời hạn thị thực được tăng lên và phù hợp với mục đích hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam (Ví dụ: nhà đầu tư được cấp thị thực đến 5 năm; người nước ngoài có giấy phép lao động được cấp thị thực có thời hạn đến 2 năm; thị thực cho người Việt Nam ở nước ngoài về thăm thân có giá trị 6 tháng…).

Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam muốn thay đổi mục đích nhập cảnh thì phải xuất cảnh Việt Nam và xin thị thực phù hợp.

Luật bổ sung quy định đối với các trường hợp chưa được nhập cảnh như: (i) Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng; (ii) Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 3 năm; (iii) Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 6 tháng. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh cũng được quy định rõ, cụ thể người nước ngoài có thể bị tạm hoãn xuất cảnh Việt Nam không quá 3 năm và thời hạn này có thể được gia hạn.

Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam với thời hạn trên 12 tháng có thể được cơ quan chức năng xét cấp Thẻ tạm trú hoặc Thẻ thường trú nếu đủ điều kiện theo Luật định. Người nước ngoài mang Thẻ tạm trú hoặc Thẻ thường trú nói trên khi XNC Việt Nam không cần thị thực trong thời hạn giá trị của Thẻ. Thời hạn của Thẻ tạm trú được kéo dài từ không quá 3 năm lên tối đa không quá 5 năm (theo Luật XNC); Thời hạn của Thẻ thường trú cũng được kéo dài từ 3 năm lên tối đa 10 năm.

Trong Luật XNC có một chương riêng quy định về vấn đề quá cảnh, vốn là nội dung chưa được quy định cụ thể tại Pháp lệnh 2000, gồm các quy định về điều kiện, khu vực quá cảnh; quá cảnh qua đường hàng không và đường biển.

Ngoài ra, Luật cũng có những quy định chặt chẽ và rõ ràng hơn về nguyên tắc miễn thị thực đơn phương; bổ sung một số đối tượng được cấp thị thực tại cửa khẩu; bổ sung quy định người không quốc tịch thường trú ở nước ngoài được sử dụng giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế nhập cảnh Việt Nam với mục đích thăm thân, du lịch và được cấp thị thực rời…

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về quản lý XNC, Luật XNC cũng quy định rõ ràng, cụ thể hơn trách nhiệm của cơ quan liên quan, như trách nhiệm quản lý nhà nước về XNC của Chính phủ, trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành khác cũng như Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác quản lý XNC…

Bộ Ngoại giao đang thực hiện việc tuyên truyền và bước đầu triển khai áp dụng luật mới này ở các đơn vị trong nước và tại nước ngoài như thế nào, có những thuận lợi khó khăn gì, thưa Cục trưởng?

Ngay sau khi Luật XNC được ban hành, Bộ Ngoại giao đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Bộ cũng đã tập trung hướng dẫn các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài và Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh về các quy định mới của Luật và đề nghị các CQĐD thông báo rộng rãi. Đương nhiên việc triển khai bộ luật phức tạp như thế tại 95 CQĐD Việt Nam ở nước ngoài chắc chắn sẽ gặp những khó khăn. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục hướng dẫn CQĐD Việt Nam ở nước ngoài xử lý vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện Luật.

Cục Lãnh sự cũng gửi công hàm tới các CQĐD ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài và tổ chức quốc tế tại Việt Nam thông báo các điểm mới của Luật XNC. Trong tháng 1/2015, Bộ Ngoại giao dự kiến tổ chức một buổi giới thiệu các quy định mới của Luật cũng như giải đáp các thắc mắc của các CQĐD ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Hà Nội. Trước đó, Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi giới thiệu Luật cho các cơ quan lãnh sự nước ngoài, đại diện tổ chức quốc tế tại Thành phố.

Hàng năm, Bộ Ngoại giao tổ chức tối thiểu hai lớp bồi dưỡng nghiệp vụ lãnh sự cho các cán bộ chuẩn bị đi làm việc tại các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài, trong đó bao gồm cả nội dung hướng dẫn thực hiện các quy định về XNC. Nội dung Luật XNC 2014 sẽ được trao đổi và hướng dẫn kỹ trong các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ lãnh sự của Bộ.

Từ tháng 3/2014, Bộ Ngoại giao đã chính thức khai trương và đưa vào hoạt động Đề án MOFA2 (Tờ khai đề nghị cấp thị thực trực tuyến) với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, qua đó cho phép người nước ngoài khai tờ khai xin thị thực Việt Nam trên trang web chính thức của CQĐD Việt Nam ở nơi họ cư trú trước khi đến trụ sở của cơ quan này để nộp hồ sơ. Nhằm chuẩn bị cho việc thực hiện Luật XNC được hiệu quả, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với cơ quan liên quan để cập nhật phần mềm quản lý Đề án tờ khai thị thực trực tuyến (visa.mofa.gov.vn) trước ngày 1/1/2015, qua đó đảm bảo việc thực hiện Đề án phù hợp với quy định mới của Luật.

Xin Cục trưởng đánh giá về tác động của việc thực hiện Luật mới này đối với việc nhập, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam thời gian tới?

Luật XNC được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2014 đã pháp điển hóa các quy định pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, tổng kết thực hiện 14 năm thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 và bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn quốc tế. Việc triển khai Luật XNC 2014 sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý XNC, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trong tình hình mới, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú tại Việt Nam; đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng của Nhà nước ta.

Vũ Dũng (thực hiện)